Chuyên gia NUS: Khi mở cửa, số quan trọng là ca nặng và tử vong

Các chuyên gia Đại học Quốc gia Singapore cho rằng đa số ca mắc Covid-19 hiện nay của nước này là trường hợp nhẹ, và việc tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đã nằm trong dự tính.

Với hơn 80% dân số tiêm chủng đầy đủ, Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ chủng ngừa cao nhất thế giới.

Nhưng khi quốc gia 5,7 triệu dân này nới lỏng các biện pháp hạn chế và chuyển đổi từ "Zero Covid-19" sang "sống chung" với dịch, số ca mắc tăng vọt. Hôm 6/10, nước này báo cáo kỷ lục 3.577 trường hợp mắc Covid-19 trong ngày.

Tuy nhiên, các chuyên gia Singapore nhận định sự gia tăng này không gây nhiều bất ngờ và nằm trong dự đoán.

"Quyết định trì hoãn mở cửa có thể gây thất vọng, nhưng điều này là cần thiết để thay đổi, điều chỉnh các quy định trong cách Singapore kiểm soát ca bệnh", phó giáo sư Alex Cook, Phó hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), chia sẻ với Zing.

Trong khi đó, theo phó giáo sư David Allen, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc NUS, việc đóng hay mở cửa phụ thuộc vào những yếu tố quyết định trước đó mà chính phủ đã nêu: Tỷ lệ tiêm chủng, số lượng bệnh nhân cần nhập viện và số lượng bệnh nhân phải được chăm sóc tích cực (ICU).

Người đàn ông ngồi giữa loạt ghế trống tại buổi chiếu phim miễn phí hôm 29/9 giữa lúc Singapore hạn chế tụ tập xã hội vì ca nhiễm nCoV tăng vọt. Ảnh: Reuters.

Người đàn ông ngồi giữa loạt ghế trống tại buổi chiếu phim miễn phí hôm 29/9 giữa lúc Singapore hạn chế tụ tập xã hội vì ca nhiễm nCoV tăng vọt. Ảnh: Reuters.

Hơn 98% là ca bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng

Theo ông David Allen, việc tổng số ca mắc tại Singapore đang tăng không liên quan tới chuyện nước này có quyết thực hiện mở cửa hay không.

"Số người mắc Covid-19 cần nhập viện và số bệnh nhân trong phòng ICU so với số giường bệnh đang có mới là yếu tố để cân nhắc", ông Allen cho hay.

Do Singapore hành động thận trọng trong suốt đại dịch Covid-19, phó giáo sư Cook cho hay thành công trước đây khiến nhiều người không kịp chuẩn bị tinh thần để chứng kiến số trường hợp mắc và tử vong mà nước này đang trải qua, "mặc dù chúng vẫn còn thấp so với các nơi khác trên thế giới".

Ngoài ra, dù số ca mắc tăng cao, ông Cook nhận định Singapore không nên tái phong tỏa vì đại đa số các trường hợp đều nhẹ và không cần nhập viện.

Theo số liệu ngày 6/10 của Bộ Y tế Singapore, 28 ngày qua, trong số 43.610 người bị nhiễm bệnh, tới 98,3% không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.

"Phong tỏa bây giờ có thể là một phản ứng thái quá", ông khẳng định. "Tình huống duy nhất tôi cho rằng cần phải phong tỏa là khi số lượng ca bệnh nặng trở nên mất kiểm soát".

Vị chuyên gia cho rằng Singapore cần vượt qua trạng thái "mập mờ" hiện tại để đưa Covid-19 thành bệnh đặc hiệu. Theo Wall Street Journal, đó là khi căn bệnh sẽ không gây gánh nặng quá mức cho bệnh viện hay các nguồn lực y tế, nhưng không thể bị loại bỏ vì đặc tính vốn có của mầm bệnh.

"Nếu chúng tôi tiếp tục trì hoãn thực hiện ‘bước nhảy vọt’, chúng tôi sẽ gặp phải dịch bệnh tương tự không sớm thì muộn", ông Cook nói.

 Chuyên gia Singapore nhận định nước này sẽ không tái phong tỏa vì đại đa số các trường hợp đều nhẹ và không cần nhập viện. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia Singapore nhận định nước này sẽ không tái phong tỏa vì đại đa số các trường hợp đều nhẹ và không cần nhập viện. Ảnh: Reuters.

"Các biện pháp hiện tại làm chậm sự phát triển dịch bệnh nhưng Covid-19 vẫn lây lan. Để ngăn chặn dịch bệnh phát triển đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. Những biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa không được khuyến khích, trừ khi hệ thống y tế đứng trước nguy cơ vỡ trận", ông nói thêm.

Nhận định về diễn biến dịch trong tương lai, ông Cook cho rằng số ca mắc sẽ tiếp tục tăng. Về lý thuyết dịch tễ học, trừ khi có sự thay đổi bất ngờ, số trường hợp nhiễm virus sẽ tiếp tục tăng cho đến khi người dân đạt được miễn dịch cộng đồng, sau đó hạ dần.

"Việc đạt được miễn dịch cộng đồng là điều tốt, bởi điều đó đồng nghĩa người dân chống chọi tốt hơn với các làn sóng dịch trong tương lai", theo chuyên gia từ NUS.

Singapore đang ở một vị trí khác

Trước ý kiến cho rằng Singapore quá thận trọng trong quá trình mở cửa dù có tỷ lệ tiêm chủng cao ngang những nước như Israel hay Vương quốc Anh, phó giáo sư David Allen cho biết Singapore đang ở vị trí khác trong cuộc chiến chống dịch.

"Tỷ lệ phần trăm dân số nhiễm bệnh và nhân khẩu học mắc bệnh trong đợt bùng dịch trước ở những nước này khác so với Singapore", ông Allen cho biết.

Điều đó có nghĩa người dân các nước này sẽ có mức độ miễn dịch tự nhiên cao hơn nhiều. Cùng với việc triển khai chương trình tiêm chủng, nhiều quốc gia có thể đạt đến tình trạng ổn định khi mở cửa.

"Bên cạnh đó, thời gian phân phối vaccine khác nhau cho các nhóm tuổi, cùng sự khác biệt loại vaccine được sử dụng ban đầu" cũng đặt Singapore ở tình thế khác, ông cho biết thêm.

Trong bối cảnh số ca mắc tăng, từ ngày 27/9, Singapore đã tái áp đặt một số biện pháp giãn cách xã hội. Số thực khách đi theo nhóm tại các nhà hàng đã giảm từ 5 xuống 2. Các doanh nghiệp được hướng dẫn cho phép người lao động quay trở lại làm việc tại nhà nếu cần thiết.

Chính phủ Singapore cho hay các biện pháp này sẽ được duy trì trong ít nhất 1 tháng nhằm ngăn ngừa nguy cơ hệ thống chăm sóc y tế quá tải.

Giới chức Singapore thời gian qua cũng liên tục có thông điệp trấn an người dân. Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong hôm 2/10 khẳng định Singapore đã tiến rất xa trong cuộc chiến chống Covid-19, theo Channel News Asia.

“Khi tỷ lệ tiêm chủng cao, chúng ta không còn chỉ tập trung vào số ca mắc. Chúng tôi tập trung vào những người bị bệnh nặng và đảm bảo hệ thống sức khỏe có thể chăm sóc cho họ”, ông nói. “Vì vậy, đừng để bị cuốn theo những con số (ca mắc mỗi ngày) đó, hoặc quá lo lắng hay sợ hãi khi nhìn thấy nó”.

 Người dân Singapore xếp hàng chờ xét nghiệm hôm 21/9. Ảnh: Reuters.

Người dân Singapore xếp hàng chờ xét nghiệm hôm 21/9. Ảnh: Reuters.

Tái phong tỏa là phản ứng thái quá

"Trong suốt đại dịch, chúng tôi đã thực hiện cách ly tất cả trường hợp, dù là ca nhẹ tại các cơ sở công cộng hay phải nhập viện. Nhưng điều đó không còn khả thi với số ca mắc chúng tôi đang đối mặt", ông Alex Cook chia sẻ.

Trước đây, ông Cook cho biết tình hình tại các bệnh viện từng trở nên khó kiểm soát do những trường hợp bệnh nhẹ đổ xô đến bệnh viện. "Vì vậy việc tạm dừng mở cửa trở lại là để ‘câu giờ’ giải quyết tình huống đó", ông Cook nói.

Ông Cook cho rằng Singapore cần thời gian để điều chỉnh quy định tốt hơn trong việc quản lý bệnh nhân ngay tại nhà.

"Chính phủ thừa nhận các quy trình hiện tại còn phức tạp với nhiều người dân. Giới chức đang nỗ lực để đơn giản hóa các khâu. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính, hoặc trường hợp tiếp xúc gần sẽ biết mình cần phải làm gì", ông nói.

Sắp tới, phó giáo sư Allen cho biết Singapore sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu như tiêm chủng cho tất cả người đủ điều kiện, bảo vệ những người dễ bị tổn thương, giáo dục cộng đồng về các biện pháp mà họ có thể thực hiện để tránh mắc hoặc lây lan virus SARS-CoV-2.

"Qua việc thực hiện các bước này, số người cần tới bệnh viện và số người phải chăm sóc trong ICU sẽ giảm, cho phép mở cửa nền kinh tế, các hoạt động xã hội và di chuyển trở lại", ông nhận định.

Phó giáo sư Allen cũng khẳng định: "Nếu người dân đi tiêm chủng, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên và giãn cách, những biện pháp này sẽ làm giảm tốc độ lây nhiễm, cũng như giảm nhu cầu về giường bệnh; từ đó không cần áp dụng thêm các lệnh hạn chế".

Minh An - Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-nus-khi-mo-cua-so-quan-trong-la-ca-nang-va-tu-vong-post1268983.html