Chuyên gia phân tích nguyên nhân động đất gây thiệt hại lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ
Nền đất yếu và kết cấu công trình không tính toán đến chỉ số kháng chấn là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại lớn về người ở Thổ Nhĩ Kỳ do động đất ngày 7/2.
Nhà cao tầng kết cấu yếu dễ sụp
PGS.TS Cao Đình Triều, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, thiệt hại do động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Hai nguyên nhân chính là nền đất yếu và kết cấu công trình yếu, không đảm bảo các yêu cầu kháng chấn.
Thực tế cho thấy, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) hay Philippin là những nơi thường xuyên có động đất do nằm trên vành đai tây Thái Bình Dương. Nhưng các quốc gia này có những quy định rất nghiêm ngặt về xây dựng các công trình nhà ở, nhà cao tầng. Các công trình phải đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn để ứng phó với động đất. Do vậy dù xảy ra động đất thường xuyên thì cũng không gây thiệt hại nặng nề về người.
Nói về trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa xảy ra, PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter là trận động đất rất mạnh, đặc biệt đối với những trận động đất có tâm chấn trên đất liền. Hầu hết các trận động đất mạnh thường xảy ra dưới đại dương, cách xa khu dân cư.
Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những quốc gia hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới vì nằm trên mảng Anatolian, giữa hai đường đứt gãy lớn. Hầu hết các thành phố hiện đại ở Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là những thành phố nằm trên các đường đứt gãy lớn, đều có các quy định nghiêm ngặt về xây dựng, đảm bảo các tòa nhà không dễ sụp đổ khi động đất. Tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, hầu hết các tòa nhà cao tầng được thiết kế để chống chọi với động đất.
Nhưng Gaziantep – thành phố nằm gần tâm của trận động đất sáng 6/2 thì khác. Mặc dù là một thành phố lớn, nhưng Gaziantep không hiện đại như Istanbul và nhiều tòa chung cư không được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Đây cuối cùng là nguyên nhân khiến nhiều tòa nhà cao tầng đổ sụp. Trong một đoạn video đăng trên mạng xã hội, có thể nhìn thấy một tòa nhà biến thành đống đổ nát chỉ trong chớp mắt.
"Ngoài độ lớn của động đất thì tâm chấn cũng quyết định đến thiệt hại. Tâm chấn càng nông thì thiệt hại càng lớn. Nền đất càng yếu thì công trình càng dễ đổ sập. Cùng là động đất với cường độ đó, nhưng nơi có nền đất yếu sẽ dễ dàng cảm nhận được rung lắc, trong khi nơi có nền đất ổn định thì không", PGS.TS Cao Đình Triều cho hay.
Chu kỳ động đất lớn dài đến hàng nghìn năm
Cũng theo PGS.TS Cao Đình Triều, chu kỳ những trận động đất lớn rất dài, đây có thể là lý do khiến người ta chủ quan, không có các biện pháp phòng chống dài hạn. Ở Việt Nam, trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được có độ lớn 6.7 độ Richter, xảy ra ở Tuần Giáo, Điện Biên năm 1983. Chu kỳ để xuất hiện động đất có độ lớn như vậy ở Việt Nam là 450 năm. Trên thế giới, những trận động đất lớn như xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ có chu kỳ lặp lại hàng nghìn năm.
Một trong những nguyên nhân khiến thiệt hại do động đất rất lớn là người ta không thể dự báo được động đất mà chỉ có thể cảnh báo dựa trên chu kỳ xuất hiện các trận động đất lớn.
Có phải những trận động đất lớn đều xảy ra vào ban đêm? PGS.TS Cao Đình Triều cho biết, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra động đất, nhưng con số thông kê lại cho thấy, phần nhiều trận động đất xảy ra vào ban đêm. Điều này là kết quả của sức hút Mặt Trăng và Mặt Trời, gây ra triều đối với vỏ Trái Đất, giống như thủy triều. Dưới tác động của sức hút Mặt Trời và Mặt Trăng, tác động chịu lực của nham thạch ở gần mức độ gãy nứt, năng lượng được tích lũy lâu ngày trong lòng đất được bùng phát lên. Tuy vậy đây mới chỉ là thống kê chứ chưa có nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này.
Nếu động đất xảy ra trong lúc trong nhà, bạn cần chui xuống một gầm bàn lớn hay giường. Nếu không có gầm bàn, bạn cần tới đứng ở góc phòng hay cửa. Nếu điện cúp, bạn nên dùng đèn pin, đừng dùng nến hay diêm vì có thể gây hỏa hoạn. Nếu động đất xảy ra trong lúc ở ngoài đường, bạn cần tránh xa các tòa nhà và dây điện, tìm đứng ở chỗ trống. Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, bạn cần ngừng xe ở lề đường, tránh các cột điện, dây điện, và đường cầu.
Nếu trải qua một trận động đất mạnh, bạn cần kiểm tra thử có ai bị thương không. Không nên di chuyển người bị thương, trừ khi họ ở gần dây điện hay những nguy hiểm khác. Nếu bị nhà sập, bạn cần tạo tiếng động để kêu cứu. Ngoài ra, bạn cũng cần chuẩn bị cho các trận dư chấn, những trận động đất gây ra bởi trận động đất vừa xảy ra, tuy chúng nhỏ hơn, chúng vẫn có thể gây ra thương tích.
Trước đó, vào lúc 4h17' sáng (giờ địa phương) ngày 6/2, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới Syria. Đầu giờ chiều, một trận động đất thứ hai với cường độ 7,5 độ richter, gần như mạnh bằng trận động đất đầu tiên làm rung chuyển vùng Ekinözü một huyện thuộc tỉnh Kahramanmaraş, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nhà địa chất học, thông thường sau trận động đất chính, sẽ xuất hiện các dư chấn có cường độ thấp hơn, song việc có hai trận động đất có cường độ lớn trên 7 độ richter chỉ cách nhau vài giờ là cực kỳ hiếm.
Đến tối ngày 6/2 (21:30 chiều giờ địa phương), khoảng 30 dư chấn có cường độ 4,5 độ richter trở lên được ghi nhận tại nhiều thành phố của nước này. Đến ngày 7/2, số người chết do động đất đã tăng lên 5.894 và hơn 34.000 người bị thương. Tại Syria, ít nhất 1.932 người thiệt mạng, theo chính phủ và lực lượng cứu hộ ở vùng tây bắc do quân nổi dậy kiểm soát.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 13,5 triệu người bị ảnh hưởng trong khu vực kéo dài khoảng 450 km từ Adana ở miền tây đến Diyarbakir ở miền đông và 300 km từ Malatya ở miền bắc đến Hatay ở miền nam.WHO cảnh báo 23 triệu người có thể bị ảnh hưởng và kêu gọi các quốc gia khẩn trương giúp đỡ vùng thảm họa.
Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên hứng chịu động đất. Năm 1999, chấn động mạnh 7,6 độ xảy ra ở thành phố Izmit, đông nam Istanbul làm hơn 17.000 người thiệt mạng. Năm 2011, một trận động đất xảy ra ở thành phố miền đông Van làm hơn 500 người chết.