Chuyên gia Pháp: Kinh tế Nga đang yếu sức trước cuộc chiến Ukraine

Kinh tế Nga bị chi phối bởi cuộc chiến ở Ukraine, đến mức Moscow không còn sức tự quyết trong nhiều vấn đề. Hiện họ cũng không thể nắm rõ được mình sẽ thắng hay thua. Một nhà kinh tế học người Pháp vừa cho biết như vậy.

Ông Renaud Foucart, giảng viên kinh tế tại đại học Lancaster, đã chỉ ra tình hình kinh tế khó khăn mà nước Nga phải đối mặt, khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài.

Thủ đô Moscow của Nga - Ảnh: W Abyss

Thủ đô Moscow của Nga - Ảnh: W Abyss

Theo dữ liệu từ chính phủ Nga, GDP nước này tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước trong quý 3/2023. Nhưng phần lớn tăng trưởng được thúc đẩy bởi chi tiêu quân sự khổng lồ. Điện Kremlin có kế hoạch chi kỷ lục 36,6 nghìn tỷ rúp, tương đương 386 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2024.

Ông Foucart nói với báo chí: “Tiền lương quân đội, đạn dược, xe tăng, máy bay và tiền bồi thường cho những người lính tử trận hoặc bị thương, tất cả đều góp phần vào số liệu GDP. Nói một cách đơn giản, cuộc chiến ở Ukraine hiện là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga.”

Ông khẳng định, các lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga đang bị tổn thương khi chiến tranh kéo dài. Moscow chứng kiến tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, do người trẻ trốn khỏi đất nước hoặc bị kéo vào xung đột. Ước tính hiện tại, quốc gia rộng nhất thế giới đang thiếu khoảng 5 triệu lao động, điều này khiến tiền lương tăng vọt, và đẩy lạm phát lên mức 7,4% - gần gấp đôi con số 4% mục tiêu Ngân hàng Trung ương Nga đề ra. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài gần như biến mất, giảm khoảng 8,7 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2023. Tất cả đặt Điện Kremlin vào thế khó, bất kể kết quả cuộc chiến như thế nào. Ngay cả khi Nga thắng, họ cũng không đủ khả năng tái thiết và bảo vệ Ukraine, do chi phí tài chính cũng như tác động của việc bị cô lập với phương Tây.

Phương Tây bắt đầu hạn chế thương mại với Nga, kể từ khi nước này tấn công Ukraine đầu năm 2022. Các nhà kinh tế cho rằng, rạn nứt trên có thể làm giảm nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế của Nga trong dài hạn.

Ông Foucart nhận xét, chừng nào còn bị cô lập, hy vọng tốt nhất của Nga là hợp tác Trung Quốc – một trong số ít đồng minh chiến lược còn lại của Moscow.

Trong khi đó, chi phí để xây dựng lại quốc gia là rất lớn, do cơ sở hạ tầng bị phá hủy và xã hội Nga bất ổn hơn. Xét bối cảnh này, bế tắc kéo dài có thể là giải pháp duy nhất để Nga tránh được cuộc khủng hoảng thực sự. Nga không đủ khả năng giành chiến thắng, nhưng cũng không muốn thua.

Nhiều nhà kinh tế khác cũng dự đoán, kinh tế Nga sẽ chứng kiến sự suy thoái sâu hơn nữa trong tương lai, bất chấp những đồn đoán về khả năng phục hồi trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nguyên Phước

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/chuyen-gia-phap-kinh-te-nga-dang-yeu-suc-truoc-cuoc-chien-ukraine-313198.html