Chuyên gia phong thủy chỉ ra 2 điều thực hiện ngày 30 Tết và đêm giao thừa sẽ được độ trì, thành tựu, bình an, hạnh phúc

Ai từng có những mùa xuân nơi đất khách mới thấu được nỗi lòng người xa quê ngày Tết. Đầu xuân Chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng hướng dẫn cách hóa giải nỗi buồn ngày Tết giúp người xa quê được bình an, thành tựu và hạnh phúc.

Ngày Tết và nỗi lòng xa xứ

Trong khi ở quê nhà những ngày Tết thực sự là hạnh phúc, trẻ già trai gái tưng bừng nhộn nhịp chờ đón xuân sang mang theo bao nhiêu hạnh phúc, may mắn và... "vui như Tết" - thì nhiều người con xa xứ không làm thơ chuyên nghiệp, nhưng Tết đến nơi đất khách gặm nhấm nỗi buồn thấu xương bỗng... nảy tâm hồn thi ca.

Bài thơ "Xuân đất khách" của tác giả Trần Trung Đạo viết rằng:

Ai có về bên kia đất nước

Thở giùm tôi hơi ấm quê hương

Tôi - con én lạc mùa xuân trước

Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương

…Tôi thèm một chiếc bánh chưng xanh

Thèm nghe ai nói lời tha thiết

Một lời chúc tụng bước sang năm

…Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống

Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.

Ông Tuệ Phong – một người con gốc Hà Nội trong "Tết tha hương" viết rằng:

Tha hương Tết đến ngậm ngùi...

Nhớ quê, nhớ bạn, đâu nguôi lòng này

Ngồi đây đếm vạn đắng cay

Giao thừa quê Mẹ, phương này tuyết rơi

Mưa bay lệ trắng khắp trời

Lạc loài đất khách, chao ôi là buồn...

Có người nói, những tâm trạng đó là của người đón Tết tha hương một mình. Nếu gia đình đầy đủ cả con cháu ở nước ngoài thì không có mấy tâm trạng về Tết – bởi ở nước ngoài mỗi tháng nghỉ thêm 1 ngày, rồi lễ trứng, lễ thỏ… đã 12 ngày nghỉ rồi – chứ không kéo dài như Tết Việt Nam.

Nhiều Việt kiều kể, một số người Việt ở trong vùng thường tự tổ chức liên hoan ăn Tết, hoặc đến nhà nhau thăm hỏi tụ tập nhậu nhẹt rồi đốt pháo… là xong Tết. Sáng ra lại túi bụi ai vào việc nấy, gặp nhau chỉ vài câu hỏi thăm chúc Tết…

Ngày Tết người xa xứ có gia đình hạnh phúc sẽ càng hạnh phúc, người cô đơn sẽ càng cô đơn, tâm trạng mới buồn - và có rất nhiều người sống ở hải ngoại những ngày Tết quả thật là cô đơn, họ phải cố giấu đi, hay cố tình đè nén nó trong lòng nỗi buồn Tết xa xứ.

Các cụ già ở hải ngoại cũng hay hoài cổ, đậm nỗi nhớ nhung quê hương khi ăn Tết xa xứ. Chưa đến giờ khắc giao thừa mà cảm giác cô đơn chạnh lòng cứ ùa về, và suốt thời khắc giao thừa cái cô quạnh buồn tủi mới cắn rứt tâm can… Người đi đã lâu không còn chảy nước mắt được như những năm đầu mới sang - bởi nỗi nhớ Tết hằn sâu vào tâm khảm đến độ nước mắt đã chảy ngược vào trong.

Mưu sinh thì phải hy sinh. Bao cái Tết xa quê hương rồi không nhớ nổi, không đếm được. Biết bao người con đất Việt đã bay đi, nhưng trong lòng luôn khao khát trở về.

Biết bao người con Hà Nội đã gọi tên một mảnh đất khác là nhà - nhưng dù có đi đến đâu, ở đó bao lâu thì 1 năm có những ngày Tết với họ chỉ có thể là nhà ở Hà Nội, ở Việt Nam. Họ đi, nhưng ai cũng đau đáu hy vọng có ngày trở về vào dịp Tết - ngày lễ của sự sum họp gia đình, bởi ai cũng có quê hương, có nơi chôn nhau cắt rốn để mà thương, để mà nhớ.

Cuối ngày khi cơm nước dọn dẹp xong, tĩnh tâm nhìn lên tờ lịch để tính xem hôm nào là giao thừa để làm cơm thắp hương, lúc đó người ta mới thực sự thấy buồn, thực sự nhớ nhung và day dứt...

Năm nào cũng cứ gần ngày Tết họ lại giở lịch Việt Nam ra đếm ngược từng ngày, lại nhớ nhung, lại khắc khoải thèm không khí, hương vị Tết Việt Nam. Rồi người ta lôi Tết từ trong ký ức ra để mà gặm nhấm cho vợi bớt buồn tủi của người con xa xứ.

Một ngày cuối tháng Chạp ở nơi không có chợ hoa Tết, ông Tuệ Phong chia sẻ: "Người ta nói mùa đông ở châu Âu trời rất lạnh, nhất là khi tuyết tan. Nhưng càng ở trời Âu lâu thì càng nhận thấy cái lạnh nhất là vào tối giáp Tết Nguyên đán, ngồi xem VTV4 (kênh dành cho người Việt Nam xa Tổ quốc), thấy mọi người nô nức đi chợ hoa sắm Tết - tự nhiên trong người dấy lên cảm giác rất lạnh lẽo, cô đơn, khắc khoải và rất buồn. Nhớ lắm Hà Nội ơi...".

Những người con xa xứ ai cũng đau đáu có ngày trở về vào ngày Tết - ngày lễ của sự sum họp gia đình... Ảnh internet.

Những người con xa xứ ai cũng đau đáu có ngày trở về vào ngày Tết - ngày lễ của sự sum họp gia đình... Ảnh internet.

Nghi lễ tâm linh ngày Tết dành cho người xa quê

Với những người đang sống và làm việc ở nước ngoài, xa quê hương Tổ quốc những ngày Tết là những ngày buồn nhất, khổ nhất khi nghĩ về gia đình quê hương. Thấu hiểu nỗi niềm của những người con xa xứ thiệt thòi rất lớn về tình cảm, Chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng hướng dẫn cách hóa giải nỗi buồn ngày Tết cho người xa nhà, hoặc nơi đất khách Tết đến xuân về được bình an và thành tựu.

Ngày 30 Tết

Hãy tắt điện thoại, cất đi để tạo cho tâm mình được thư thả, an nhiên, tự do trong giây phút ở bên gia đình một cách trọn vẹn – bởi tâm ý của mình bị điện thoại lấy đi đây, đi đó trong suốt một năm qua.

Chọn lúc yên tĩnh, thắp một nén nhang trên ban thờ, trải một tấm chiếu ra giữa nhà, đặt xuống một bát nước trắng. Ngồi khoanh chân, hít thở nhẹ nhàng rồi nhìn sâu vào bát nước từ 3-5 phút cho đến khi trong lòng thực sự thanh lặng.

Sau đó nhắm mắt lại và tưởng nhớ về quê hương, quay lại những kỷ niệm từ thời thơ ấu cho đến bây giờ, càng chi tiết càng tốt. Hãy nhớ nhiều nhất có thể về những hình ảnh của ông bà, cha mẹ, nghĩa trang, nhà thờ, bãi dâu, bến nước.

Khi đã hồi tưởng đủ rồi thì hãy nghĩ đến những khó khăn, khủng hoảng trong đời và cách mình đã vượt qua như thế nào.

Sau đó, bạn sẽ thấy rằng tất cả những điều kỳ diệu hình như đến từ những thứ vô hình huyền ảo.

Kế đó, hãy mở mắt ra nhìn vào bát nước trắng và cảm ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì đã luôn dõi theo và tương trợ trên mỗi bước đường đời.

Cuối cùng hãy hình dung một chuyến hành hương về nguồn trong thời gian sớm nhất.

Đêm giao thừa

Tắm gội sạch sẽ, thắp nhang, nếu không có bàn thờ thì vẫn tắm gội trước khi làm nghi lễ.

Sau đó bình tâm kính cáo trời đất, thần linh, tiên tổ, nội dung cảm tạ về sự che chở trong năm vừa qua.

Kế theo liệt kê tối đa 3 mục tiêu cần làm cho năm mới và xin trời đất, gia tiên phù hộ để thực hiện được tâm nguyện (đừng nêu mục tiêu chung chung, hãy nói cho rõ ràng, nếu là tiền thì cần có con số, nếu là chức vụ thì cần có vị trí, nếu là tình cảm cũng phải trình bày cho mạch lạc, càng cụ thể thì càng dễ hoàn thành)...

Cuối cùng ngồi thinh lặng trong vòng 05 phút, hít thở đều và quán tưởng lại những điều vừa nghĩ.

Nếu làm được như vậy, cả mục 1 và mục 2 thì người xa quê sẽ luôn được độ trì, bình an và thành tựu, hạnh phúc...

Tuệ Phong - Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/chuyen-gia-phong-thuy-chi-ra-2-dieu-thuc-hien-ngay-30-tet-va-dem-giao-thua-se-duoc-do-tri-thanh-tuu-binh-an-hanh-phuc-172230119084335889.htm