Chuyên gia sử dụng giấc mơ chữa bệnh mất ngủ thế nào?

Khi tiến hành phân tích, những giấc mơ mang lại cảm xúc khó chịu dần dần biến mất, những cảm xúc vô thức được ổn định và chủ thể có thể ngủ.

Trên thực tế, phương pháp phân tích giấc mơ đối với những ca bệnh mất ngủ cũng giống như dầu trên mặt nước. Đôi khi, chúng ta gặp phải tình trạng mất ngủ vì sợ hãi, lo lắng những giấc mơ khó chịu sẽ làm phiền ta hoặc khiến ta giật mình thức giấc ngay khi chìm vào giấc ngủ.

Trong những trường hợp này, chứng mất ngủ đóng vai trò như một hành động tự vệ, khiến chủ thể buộc mình phải tỉnh táo để ngăn những giấc mơ khó chịu xuất hiện. Những chứng mất ngủ như vậy thường dẫn đến triệu chứng căng thẳng về cảm xúc, gây ra trạng thái mệt mỏi nghiêm trọng.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Flickr.

Ảnh minh họa. Nguồn: Flickr.

Trong một ca bệnh rối loạn lo âu kèm triệu chứng mất ngủ mà tôi từng tiếp cận, quá trình này cũng xảy ra với người bệnh. Khi tiến hành phân tích giấc mơ, những giấc mơ mang lại cảm xúc khó chịu dần dần biến mất, những cảm xúc vô thức được ổn định và chủ thể có thể ngủ bình thường.

Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta lại mơ hoặc những yếu tố cần thiết của giấc mơ là gì. Chúng ta mơ để bảo vệ giấc ngủ, đảm bảo chúng ta không bị quấy rầy và có thể nghỉ ngơi đủ để phục hồi năng lượng thể chất và tinh thần đã hao hụt. Điều này trái với ý kiến thông thường cho rằng giấc mơ làm ảnh hưởng tới giấc ngủ, vì thực tế, giấc mơ chính là người bảo vệ giấc ngủ.

Vì vậy, giấc mơ không phải là một yếu tố tầm thường và chức năng của nó cũng không hề tầm thường. Nó đáp ứng ước muốn có ý nghĩa to lớn đối với chủ thể giấc mơ và hoạt động như một loại van an toàn giúp chúng ta thành công trong việc thoát khỏi những cảm xúc bị đè nén.

Một trường hợp minh họa khá rõ ràng về cơ chế thứ hai là của một người phụ nữ trẻ mắc chứng rối loạn phân ly. Cô thường xuyên mơ thấy các giấc mơ sống động và được kịch hóa ở mức độ cao. Những giấc mơ của cô thường đột ngột ngừng lại mà không có nguyên nhân rõ ràng và vài ngày sau, cô sẽ gặp phải một cơn mê sảng có tất cả các đặc điểm của giấc mơ trước đó. Trong cơn mê sảng này, tình trạng tinh thần của chủ thể là trạng thái mơ màng của ý thức.

Sau đây là những gì đã xảy ra: cơn mê sảng thay thế giấc mơ vì giấc mơ đã bị dừng đột ngột và nó đóng vai trò như một chiếc van an toàn cho những cảm xúc đè nén, dồn nén vốn phục vụ cho giấc mơ trước đó. Vì vậy, đã có vô số giấc mơ bảo vệ ý thức đang ngủ của cô và khi giấc mơ kết thúc, ý thức sẽ được bảo vệ bởi cơn mê sảng.

Giấc mơ luôn mang tính cá nhân; chúng thể hiện bản chất của một người hoặc một số yếu tố thuộc trải nghiệm cá nhân của một người. Đôi khi, nếu bản ngã không xuất hiện trực tiếp trong giấc mơ, nó có thể bị che giấu trong những nhân vật khác trong giấc mơ.

Như đã được trình bày ở trên và sẽ được giải thích cặn kẽ hơn ở những chương sau, chứng rối loạn và giấc mơ có cùng một cơ chế: trong giấc mơ, những phức hợp cảm xúc bị đè nén thoát ra dưới dạng ảo giác sống động của chính giấc mơ đó; trong chứng rối loạn, những phức hợp cảm xúc đó xuất hiện dưới dạng các triệu chứng thể chất hoặc trạng thái tinh thần của chủ thể.

Isador Henry Coriat/Bách Việt Books - NXB Lao động

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gia-su-dung-giac-mo-chua-benh-mat-ngu-the-nao-post1484281.html