Chuyên gia tâm lý: Bố mẹ đóng vai trò chính khi con mắc chứng tự kỷ hoặc chậm phát triển

Đôi khi phụ huynh quên mất rằng chính tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ mới là điều mà các em bé mắc tự kỷ hoặc chậm phát triển cần nhất.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những ngày này, câu chuyện người cha đưa con đi chữa tự kỷ đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Thông tin ban đầu cho biết, một em bé 3 tuổi có tình trạng chậm phát triển được gia đình đưa đi chữa bệnh với giá 200 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, em bé đã tử vong chưa rõ nguyên nhân.

Chia sẻ về câu chuyện đau lòng này, chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Khanh - Phòng Tư vấn tâm lý – Gia đình và Trẻ em đã có những nhận định xung quanh chứng tự kỷ của trẻ như sau:

Ở đây, chỉ nói về lý do tại sao cha mẹ lại cắn răng nộp tiền và giao con cho lang băm?. Thứ nhất là vì thầy đánh đúng vào hy vọng của rất nhiều phụ huynh có con chậm phát triển hay tự kỷ! Đó là họ luôn mong muốn, đây là một chứng bệnh, vì nếu là bệnh thì có thể chữa khỏi – dù khoa học đã chứng minh đây là một tình trạng rối loạn về phát triển không thể điều trị bằng y khoa. Nhưng vì chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng, và cũng chưa có được một phương pháp can thiệp hiệu quả, nên từ hàng chục năm nay, vẫn tạo ra khoảng trống cho những lang băm.

Nhiều y bác sĩ và nhà chuyên môn, cũng vô tình gọi các tình trạng này là Bệnh, dù họ cũng xác nhận đây là bệnh không chữa được. Nhưng điều đó lại đi ngược với hy vọng của nhiều bậc cha mẹ. Thậm chí có nhiều người còn từ chối không muốn nhìn nhận tình trạng của con mình. Họ chỉ mong đợi đây giống như 1 căn bệnh mà con họ bị mắc phải, rồi sẽ có cách chữa, hoặc họ vẫn nghĩ rằng trẻ chỉ "chậm nói" ít giao tiếp – có thể cho đi học một thời gian là sẽ ổn. Họ không dám chấp nhận một sự thật, đây là một tình trạng rối loạn bẩm sinh, mọi hoạt động can thiệp, trị liệu chỉ làm cho tình trạng này giảm bớt, khả năng của trẻ tăng lên đến một định mức nào đó thôi nhưng phải được chẩn đoán, can thiệp đúng trong một thời gian dài mà hiệu quả lại không hoàn toàn. Đây chính là điều làm phụ huynh lo nhất.

Ngay cả với những trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm mà tình trạng rối loạn khá nặng thì cũng chỉ có thể cải thiện phần nào, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực của giáo viên và sự cộng tác tích cực của gia đình. Chính yêu cầu cần có sự cộng tác tích cực của gia đình làm cho bố mẹ đắn đo nhất, và đây cũng là yếu tố mà các lang băm và cả những cơ sở can thiệp thiếu lương tâm khoét sâu vào.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Khanh

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Khanh

Họ thường nói là "Bố mẹ cứ yên tâm, giao con cho họ, chỉ 3 tháng sau là con tiến bộ không ngờ luôn"! Bố mẹ hoan hỉ đóng tiền – sau 3 – 6 tháng, con không tiến bộ được bao nhiêu, thì cũng đành chịu, hoặc lại mang con về, im lặng tìm chỗ khác mà không hiểu rằng, nếu không có sự tác động tích cực của bố mẹ trong những lúc con ở nhà, buổi chiều tối hay thứ 7, chủ nhật, thì có đưa con đi đến đâu cũng thế thôi.

Trừ phi bé chỉ bị chậm nói đơn thuần, và các giáo viên hết sức tích cực, thì chắc chắn bé sẽ có những tiến bộ. Nhưng dù gì đi chăng nữa, cho dù bé có thể nói được một số câu đơn giản rồi, thì cũng không thể vội vàng cho con đi học hòa nhập ở các trường bình thường ngay được.

Chậm phát triển thì khác với tự kỷ rất nhiều, mặc dù cũng có những trẻ tự kỷ có các yếu tố chậm phát triển và một số trẻ chậm phát triển có vài dấu hiệu của chứng tự kỷ. Nhưng để can thiệp cho trẻ chậm phát triển thì lại khác với trẻ tự kỷ. Một đằng là giúp con tăng khả năng nhận thức ở trẻ chậm phát triển, còn trẻ tự kỷ thì lại phải cải thiện được khả năng giao tiếp của con, nhưng nói chung về các kỹ năng sống thiết yếu như việc ăn uống, vệ sinh thì cách can thiệp, hướng dẫn tương tự nhau, chỉ có điều để tạo được sự kết nối với trẻ tự kỷ là khó hơn nhiều so với trẻ chậm phát triển.

Hiện nay, những thông tin, kiến thức về trẻ chậm phát triển, tăng động kém chú ý hay tự kỷ là không hề thiếu, nếu không muốn nói là quá nhiều nhưng không có sự chọn lọc nên cũng làm cho phụ huynh thêm rối. Ngoài ra cũng vì chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, đồng thời cũng có quá nhiều các kỹ thuật can thiệp, giáo dục khác nhau, thậm chí có khi còn mâu thuẫn hoặc mang tính "độc quyền" nên sự chia sẻ không có sự nhất quán, không chỉ ra được những biện pháp cụ thể cho phụ huynh, mà chỉ là những thông tin chuyên môn, khó hiểu hay chỉ để nhận biết các dấu hiệu chứ không rõ ràng hay cụ thể.

Điều này lại càng làm cho phụ huynh thêm hoang mang, cứ thấy con có vài dấu hiệu là suy đoán ngay về tình trạng của con để dán nhãn luôn. Sau đó, khi đưa lên trên các trang, các hội nhóm, thì lại chỉ đưa vài dấu hiệu đơn thuần và hỏi xem có phải đó là tự kỷ, là chậm phát triển hay không? Các phụ huynh khác thì cũng chỉ dựa trên tình trạng của chính con mình, trên kinh nghiệm của bản thân để chia sẻ, và thường chỉ nêu lên những kết quả thành công, ít khi nào muốn chia sẻ những kinh nghiệm thất bại của mình, để các phụ huynh khác biết mà tránh, không đi vào lối mòn, ngõ cụt mà các phụ huynh trước đã đi.

Để bảo vệ phụ huynh và các trẻ đặc biệt, hầu như chỉ có các điều luật chung về trẻ em, về vi phạm thân thể gây hậu quả nghiêm trọng, mà chưa có luật bảo vệ về tình trạng lạm dụng sự tin tưởng, gây ra những tổn thất đáng kể về thời gian và tiền bạc, công sức của phụ huynh. Chưa một ai bị đưa ra trước pháp luật về hành vi thu phí quá mức, can thiệp không hiệu quả cho các trẻ này. Phụ huynh sau một thời gian mất tiền của mình, mất thời gian của con, cũng chỉ biết im lặng mang con về, cũng không dám phản ánh trên các trang mạng về hậu quả của những hành vi, những phương pháp thiếu cơ sở khoa học này. Đó là chưa nói đến những hoạt động mang tính lợi dụng mà phụ huynh đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".

San San

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chuyen-gia-tam-ly-bo-me-dong-vai-tro-chinh-khi-con-mac-chung-tu-ky-hoac-cham-phat-trien-22202214975638312.htm