Chuyên gia tâm lý chia sẻ bí kíp giữ bình tĩnh, đẩy lùi căng thẳng, kể cả khi phải cách ly 14 ngày
Trong thời kỳ dịch bệnh, chúc nhau khỏe mạnh luôn được quan tâm nhiều nhất. Tuy nhiên, còn một câu thần chú cũng quan trọng không kém, đó chính là 'Hãy bình tĩnh', Lucy Atcheson và Linda Blair, 2 nhà tâm lý học người Anh nói.
Cảm giác âu lo không bao giờ là vui vẻ hay dễ dàng. Các tình huống trong cuộc sống thay đổi liên tục, buộc chúng ta phải đối mặt và vượt qua chúng. Đây là một số chiến lược đối phó với sự căng thẳng, lo lắng, cho dù bạn có một phút hay 14 ngày cách ly do dịch Covid-19.
Một phút
“Hít sâu, thở chậm”, Lucy Atcheson nói. Hít vào từ từ qua mũi, đếm từ một đến 3, nín thở, rồi thở ra thật chậm. Tiếp tục lặp lại trong một phút, việc thở chậm sẽ giúp làm giảm nồng độ hormone cortisol gây ra sự căng thẳng và gia tăng cảm giác hạnh phúc.
Atcheson khuyến nghị, bạn nên ngồi hoặc đứng mở hai chân rộng bằng hông và hít vào, giữ và thở ra 4 nhịp mỗi lần. Đặc biệt, nếu cảm thấy mất bình tĩnh, bạn cần chú ý thở hoàn toàn bằng mũi, nó sẽ giúp bạn điều hòa hơi thở.
Năm phút
“Học một từ mới và sử dụng nó”, Linda Blair đưa ra lời khuyên. Hãy nhìn vào từ điển và học cách sử dụng một từ mới. Hành động đơn giản này giúp cải thiện bản thân, cô nói, điều này đem lại cho bạn cảm giác tự chủ và tự tin hơn về khả năng đối phó của mình.
Bạn tự ý thức được rằng, “Vâng, tôi đang tiến về phía trước”. Mặc dù không thực sự quá liên quan đến vấn đề căng thẳng tâm lý mà bạn đang gặp phải, nhưng nó thực sự có hiệu quả, Blair nói.
Hãy thử đi ra ngoài, cô ấy gợi ý, và thử một bài thực hành thiền và tĩnh tâm, điều đó cũng sẽ giúp ích cho tâm lý và các giác quan của bạn làm dịu mọi lo lắng, Karen Atkinson, đồng sáng lập tổ chức dạy chánh niệm MindfulnessUK, chủ tịch Hiệp hội các phương pháp chánh niệm của Anh chia sẻ.
Mười phút
“Viết một lá thư cho chính mình nói về tất cả những điều tốt đẹp mà bạn đang làm và cách bạn làm chúng tốt như thế nào”, Atcheson nói.
Cô chia sẻ về cách mà cô viết bức thư của mình: “Tôi sẽ viết bức thư này cho người bạn thân nhất của tôi, đó chính là bản thân tôi, tôi cần phải cổ vũ cô ấy. Đó là một thử thách, vì đôi khi chính bản thân tôi không có đủ niềm tin vào khả năng của tôi”.
Nếu việc viết thư không phải là điều bạn thích, hãy thử viết nhật ký cảm ơn chính bản thân mình, Atcheson mô tả: “Hãy viết ra 3 điều mà bạn cảm thấy biết ơn. Đừng vội cảm thấy nản chí khi không nghĩ ra điều gì để viết, hãy dành 10 phút để tìm ra. Tôi chắc chắn là bạn có, và việc viết ra chúng sẽ khiến bạn cảm thấy an toàn”.
Hai mươi phút
Một giấc ngủ ngắn. “Khi chúng ta cảm thấy lo lắng, chúng ta bắt đầu suy nghĩ một cách thái quá và không sử dụng đến sự logic của mình nữa”, Blair nói. Cách tốt nhất để cân bằng là để đầu óc bạn thoát khỏi mọi thứ và nghỉ ngơi một chút.
Hãy ngả lưng xuống, đặt đồng hồ trong 20 phút hoặc nhờ ai đó đánh thức bạn dậy. Nhắm mắt lại, và bắt đầu “hít sâu, thở chậm” như bạn đã làm ở một phút đầu tiên. Bạn không cần phải ngủ thiếp đi, nhưng điều xảy ra là những suy nghĩ sẽ dường như biến mất khỏi đầu bạn. Chúng vẫn ở đó, nhưng không còn ảnh hưởng quá nhiều đến bạn nữa.
14 ngày
Để tránh sự lo lắng xâm nhập vào tâm trí bạn quá nhiều, điều quan trọng bạn phải giữ cuộc sống của mình có mục đích, ý nghĩa và niềm vui, Atcheson nói.
Những cuốn sách, bài tập thể dục trực tuyến, chơi trò chơi, thử một công thức nấu ăn mới, tán gẫu trên mạng với những người mà chúng ta thường không có thời gian để nói chuyện. Hãy xây dựng các thói quen lành mạnh, bắt đầu mỗi ngày với nhịp thở sâu, sau đó tập thể dục và kết thúc một ngày.
Martin D Clark, biên tập viên tạp chí Om nước Anh, khuyên mọi người nên tập những bài tập Yoga kết hợp thiền giúp thư giãn tâm trí và khỏe mạnh hơn.
Atcheson nói, “Bạn cũng có thể thưởng thức món cà phê yêu thích của bản thân. Hãy làm bất cứ điều gì khiến bạn thấy thoải mái”.
Mạng xã hội có thể khiến tâm trạng của bạn tồi tệ hơn với nhiều nguồn tin tức tràn lan và những bình luận vô tâm của cộng đồng mạng. Vì vậy, hãy bỏ qua chúng, hãy lấy một chậu đất và trồng một số hạt giống trên ban công. Có thể là một loại rau, bạn sẽ thấy có động lực hơn khi ngắm chúng lớn lên từng ngày. Và đến ngày thứ 15, bạn có thể thu hoạch những cây rau và ăn chúng, Blair khuyên.