Chuyên gia tâm lý giải mã độ tuổi cho con sử dụng điện thoại và mạng xã hội mà cha mẹ nên biết để áp dụng

Với sự phát triển của công nghệ, rất nhiều bậc cha mẹ đã cho con trẻ sử dụng điện thoại, màn hình tivi cùng các mạng xã hội từ nhỏ. Tuy nhiên, hành động này đã vô tình gây ra những tác hại cho quá trình phát triển của con.

Sử dụng điện thoại, tivi, mạng xã hội sớm sẽ ảnh hưởng đến trẻ

Mỗi mốc phát triển của con người đều gắn liền với sự biến đổi về cả thể chất và tinh thần. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, trẻ cần được học và phát triển những kỹ năng, đặc điểm khác nhau.

Trao đổi với phóng viên Gia đình và Xã hội, TS. Nguyễn Hạnh Liên (giảng viên khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) cho rằng, việc nhiều bậc phụ huynh cho con trẻ sử dụng màn hình điện tử, mạng xã hội (MXH) quá sớm có thể khiến quá trình phát triển của trẻ bị thiếu hụt phần nào. Như vậy, trẻ có thể sẽ khuyết đi một số năng lực và kỹ năng cần có trong quá trình phát triển.

Theo TS. Hạnh Liên, khi các con đến giai đoạn phát triển tư duy trừu tượng, việc đọc chữ (ví dụ: đọc sách, đọc truyện...) sẽ giúp con phát triển khả năng tư duy sáng tạo và tưởng tượng. Nếu trẻ liên tục sử dụng màn hình trong giai đoạn này, các con sẽ không thể phát triển năng lực tưởng tượng và sáng tạo. Bởi đa số thời gian con đã nhìn thấy sự vật đó được bày ra qua màn hình, chứ không phải qua trí tưởng tượng riêng biệt của con.

Đối với trẻ nhỏ mà đang ở giai đoạn phát triển tư duy cụ thể, việc con được sờ, cầm, nắm, chạm vào, tương tác với đồ vật sẽ giúp các con tạo tiền đề để phát triển tư duy trừu tượng. Nếu trẻ không được thao tác với đồ vật nhiều mà chỉ thao tác trên màn hình, trẻ sẽ có những sự khác biệt, thay đổi liên quan đến sự phát triển não bộ thần kinh.

Độ tuổi thích hợp cho con sử dụng điện thoại, tivi, mạng xã hội

TS. Hạnh Liên trao đổi thêm, theo tài liệu khoa học, có quy định cụ thể về độ tuổi cho trẻ sử dụng các màn hình điện tử và mạng xã hội. Cụ thể, không nên cho trẻ xem tivi trước 3 tuổi; không nên cho trẻ chơi trò chơi điện tử trước 6 tuổi; không nên cho trẻ sử dụng Internet trước 9 tuổi và từ sau 12 tuổi, mới nên cho trẻ sử dụng mạng xã hội.

Thay vào đó, trước 3 tuổi, cha mẹ nên dành nhiều thời gian chơi với con, điều này sẽ giúp hỗ trợ trẻ phát triển, tuyệt đối không để tivi trong phòng của trẻ. Bởi lẽ dù con không trực tiếp xem nhưng việc bật tivi lên cũng đủ để ảnh hưởng đến sự học tập và lĩnh hội của trẻ trong giai đoạn này.

Chuyên gia tâm lý giải mã độ tuổi cho con sử dụng điện thoại và mạng xã hội mà mọi cha mẹ nên biết để áp dụng. Ảnh minh họa

Chuyên gia tâm lý giải mã độ tuổi cho con sử dụng điện thoại và mạng xã hội mà mọi cha mẹ nên biết để áp dụng. Ảnh minh họa

Đối với giai đoạn từ 3 – 6 tuổi, cha mẹ cần đặt ra những nguyên tắc rõ ràng về thời gian sử dụng các loại màn hình với trẻ, chỉ cho trẻ xem các chương trình phù hợp với lứa tuổi. Cho dù trẻ bắt đầu được sử dụng màn hình ở độ tuổi này, nhưng những đồ vật như (điện thoại, tivi, máy tính bảng,…) đều phải để ở phòng khách, không để trong phòng ngủ. Đặc biệt là không cho con sử dụng các thiết bị trong quá trình ăn hoặc trước khi đi ngủ, nên cho trẻ sử dụng các thiết bị này với bạn bè, người lớn thay vì sử dụng một mình.

Khi trẻ đến độ 6 – 9 tuổi, ngoài những quy tắc áp dụng ở trên, cha mẹ còn cần bổ sung thêm việc bắt đầu dạy con về nguyên tắc sử dụng Internet như, quyền riêng tư, tính bảo mật.. Ngoài ra, cũng phải hướng dẫn để con hiểu, những gì đưa lên Internet đều có thể coi là công cộng, lưu lại vĩnh viễn và không thể tin hoàn toàn vào những gì có trên đó.

Đến giai đoạn 9 – 12 tuổi, con bắt đầu được tiếp cận với Internet, nhưng cha mẹ phải quyết định thời gian sử dụng, cũng như lựa chọn cho con sử dụng một mình hay có người kèm. Sau khi con sử dụng xong, cha mẹ có thể trò chuyện, trao đổi để hiểu thêm về những gì con đã làm khi sử dụng các thiết bị này, từ đó có thể điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, cha mẹ vẫn cần nhắc lại cho con ghi nhớ những nguyên tắc về việc sử dụng Internet trước đó.

Khi con trên 12 tuổi, đây là lúc con có thể tự do hơn trong việc "lướt mạng" một mình, tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần sát cánh bên con, trao đổi với con về các nội dung như tài liệu khiêu dâm, quấy rối, bạo lực, vi phạm bản quyền... và có những quy định phù hợp. Đặc biệt, ban đêm, cha mẹ nên tắt điện thoại và cả Wifi để đảm bảo trẻ không quá sa đà vào các hoạt động này.

Lâm Trần

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-tam-ly-giai-ma-do-tuoi-cho-con-su-dung-dien-thoai-va-mang-xa-hoi-ma-cha-me-nen-biet-de-ap-dung-172240704103612324.htm