Chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú: Có mạng xã hội, con người dữ dằn, cay nghiệt hơn?

Theo chuyên gia tâm lý, nhà văn Hoàng Anh Tú, có những quãng thời gian anh thực sự sợ mạng xã hội. Đặc biệt là thói quen bóc phốt, hóng 'drama' của nhiều người, những việc đó không chỉ làm tốn thời gian mà còn khiến cảm xúc người sử dụng trở nên tiêu cực. Chưa kể những cuộc tấn công vô lý…

PV: Việt Nam đứng trong top 10 các nước có lượng người sử dụng Facebook nhiều nhất trên thế giới. Anh suy nghĩ sao về điều này?

Chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Anh Tú. Ảnh: NVCC.

Chuyên gia tâm lý HOÀNG ANH TÚ: Nhiều người hẳn sẽ cho rằng điều đó chứng tỏ người Việt mình… rảnh top 10 thế giới.

Tôi lại nghĩ điều này cũng là một cơ hội tốt để chúng ta làm được điều gì đó có ý nghĩa, biến mạng xã hội thành kênh truyền thông có độ phủ cao. Việc có nhiều người dùng mạng xã hội sẽ giúp những thông tin tích cực, ý nghĩa được lan tỏa nhanh hơn và đến được với nhiều người hơn.

Tất nhiên, ngược lại, thông tin xấu độc cũng vì thế mà lan truyền chóng mặt. Cái gì cũng có hai mặt của nó, quan trọng là cách chúng ta làm thế nào để kiểm soát được nó theo chiều hướng tích cực.

Là người sử dụng mạng xã hội thường xuyên, anh thường chia sẻ đến cộng đồng những tư tưởng tích cực, và tư vấn về các cách ứng xử trong các mối quan hệ đời thường ra sao?

- Như tôi nói, mạng xã hội có độ phủ lớn nên tôi dùng nó như một tờ báo riêng của mình. Nếu như trước đây khi làm báo Hoa Học Trò, mỗi số báo phát hành ra có thể tiếp cận 200.000 bạn đọc thì giờ đây, trang Facebook của tôi cũng có thể tiếp cận 200.000 bạn đọc, thậm chí có những bài viết tiếp cận hàng triệu bạn đọc.

Facebook của tôi giống như một tờ nhật báo để viết và hướng tới những điều tích cực, truyền cảm hứng, đặc biệt là chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân để tiếp cận nhiều người hơn. Tôi may mắn vì độc giả của mình phần lớn đều là độc giả của anh Chánh Văn năm xưa nên điều đó khiến tôi trách nhiệm hơn với mỗi bài viết của mình.

Thông qua trải nghiệm cá nhân, anh thấy mạng xã hội mang lại cho anh những lợi ích gì?

- Nhiều chứ! Thú thật là nếu không có mạng xã hội thì ngày xưa khi tôi kinh doanh nhà hàng chắc sẽ không thể nào đông khách đến thế. Còn chưa kể ra sách, xuất hiện trên các chương trình, mạng xã hội giúp tôi lan tỏa được những cuốn sách của tôi, các chương trình có tôi xuất hiện. Mạng xã hội thực sự giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống.

Ngoài những điều trên, mạng xã hội còn giúp tôi giữ kết nối với bạn bè, đọc được bao nhiêu điều hay mà nhiều khi đọc sách khó được bằng. Sách là nội dung đã đóng gói, Facebook là nội dung mở. Nhiều chia sẻ, kinh nghiệm, bài viết của bạn bè đọc hay hơn cả những gì họ in thành sách.

Ngoài các lợi ích, tác động tích cực mà mạng xã hội mang lại, những mặt trái, vấn nạn đến từ mạng xã hội ngày càng phổ biến, gây nhiều tiêu cực về tinh thần cho người sử dụng. Anh nghĩ sao về điều này?

- Đúng! Rất nhiều người thích tấn công người khác chẳng vì bất cứ lý do gì. Họ căm ghét bất cứ ai họ gặp. Họ thả vào bài viết của chúng ta những lời thóa mạ chẳng phải vì họ có thù hằn gì với chúng ta mà chỉ đơn giản họ muốn xả cục tức trong họ. Từ khi có mạng xã hội tôi thấy con người ác hơn, dữ dằn hơn, cay nghiệt hơn. Vấn đề kiểm soát cảm xúc gần như không có khi người ta sử dụng mạng xã hội.

Từ những hành vi cư xử thiếu đạo đức, những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử, bên cạnh đó, mạng xã hội được sử dụng như một kênh để giải quyết mâu thuẫn, xúc phạm, tấn công nhau chỉ từ một quan điểm trái ý ra sao thưa anh?

- Theo tôi dù không trái ý thì người ta cũng tấn công nhau. Kiểu bị sếp mắng, họ lên mạng xả vào kẻ yếu thế hơn họ, kẻ mà họ cho là “nói ngu”. Kiểu những phụ nữ thất vọng về chồng, về hôn nhân lên mạng chửi đàn ông hay những anh đàn ông hận đời, bất đắc chí cũng bạ đâu chửi đấy. Đó là lý do tôi mừng khi 3 con của tôi gần như lập Facebook chỉ để cho có chứ không chơi. Vợ tôi cũng vậy. Chứ nếu không tôi nghĩ việc làm sao bảo vệ vợ con trên mạng xã hội cũng sẽ khiến tôi chẳng còn đầu óc tâm trí nào làm việc nữa với những kẻ thích tấn công người khác vô lý trên mạng.

Chính vì thế, ứng xử trên mạng xã hội có văn hóa đang là vấn đề quan trọng được đặt ra?

- Đúng vậy! Tôi cho rằng việc chúng ta cần học cách ứng xử văn hóa văn minh trên mạng là một vấn đề quan trọng. Trường lớp cũng nên đưa ứng xử trên mạng xã hội vào chương trình học. Các cơ quan đoàn thể cũng nên đưa văn hóa ứng xử trên mạng xã hội vào các buổi nói chuyện chuyên đề. Và các cơ quan chức năng nên có những hình phạt nặng hơn cho những hành vi thiếu văn minh, lệch chuẩn chứ không chỉ là thông tin sai lệch nữa.

Theo anh chúng ta sử dụng mạng xã hội một cách có văn hóa và lành mạnh theo các phương cách như thế nào?

- Tôi vẫn luôn chia sẻ với bạn đọc của mình về sự tốt đẹp bên trong con người của chúng ta. Cái cách chúng ta thể hiện trên mạng chính là cách hướng dẫn người khác đối xử với chúng ta thế nào. Cả cách chúng ta báo cáo (repost) bất cứ một bài viết xấu nào cũng là việc chúng ta dọn rác, bảo vệ môi trường chúng ta đang sống.

Tất cả những gì chúng ta viết ra, dù chỉ một comment hay cả một cái like thôi cũng sẽ là dấu chân số ta để lại vĩnh viễn trên môi trường mạng. Hãy nghĩ về một ngày nào đó, những thứ đó sẽ trở lại trong một hình hài khác. Chúng ta sẽ nhận về trái ngọt hay trái đắng đều bắt đầu từ những cái gieo hôm nay vậy.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Chuyên đề: Mạng xã hội và văn hóa ứng xử

Ngoài các lợi ích, tác động tích cực mà mạng xã hội mang lại, những mặt trái, vấn nạn đến từ mạng xã hội ngày càng phổ biến, gây nhiều tiêu cực về tinh thần cho những người sử dụng.

Từ những hành vi cư xử thiếu đạo đức, những biểu hiện lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử, bên cạnh đó, mạng xã hội được sử dụng như một kênh để giải quyết mâu thuẫn, xúc phạm, tấn công nhau chỉ từ một quan điểm trái ý...

Chính vì thế văn hóa ứng xử trên mạng xã hội thực sự cần được quan tâm và chấn chỉnh.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-gia-tam-ly-hoang-anh-tu-co-mang-xa-hoi-con-nguoi-du-dan-cay-nghiet-hon-10284669.html