Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh giải mã 'bí mật' của trẻ nhút nhát
'Nhiều cha mẹ than phiền con mình rất nhút nhát, tự ti, mà không biết rằng tính cách đó của trẻ có thể bắt nguồn từ những sai lầm trong cách nuôi dạy con của cha mẹ', chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh nói.
Ám ảnh “mác tiêu cực”
Thạc sĩ Khoa học giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh có gần 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý. Trong hành trình ấy, cô Lanh nhận thấy tình trạng trẻ nhút nhát, tự ti là vấn đề phụ huynh rất quan tâm.
“Nhiều cha mẹ than phiền với tôi rằng, con họ rụt rè khi tiếp xúc với người lạ, ngại làm quen với bạn bè, không dám phát biểu trên lớp… Họ rất muốn giúp con thay đổi vì lo rằng với tính nhút nhát này, trẻ sẽ gặp nhiều trở ngại, khó thành công trong cuộc sống sau này”, cô Nguyễn Thị Lanh nói.
Phân tích ở góc độ tâm lý, cô Lanh cho biết, không có đứa trẻ nào sinh ra đã nhút nhát. Tính cách ấy hình thành có sự tác động lớn từ cách trẻ được dạy dỗ, giáo dục. Trong đó, cách nuôi dạy sai lầm của không ít bậc cha mẹ là nguyên nhân quan trọng tạo ra những đứa trẻ nhút nhát, rụt rè.
Thạc sĩ Khoa học giáo dục Nguyễn Thị Lanh có gần 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý, từng dạy kỹ năng sống cho học sinh. Hiện nay, cô tổ chức thành công nhiều khóa học online với chủ đề nuôi dạy con, thu hút nhiều cha mẹ tham gia.
Cô Lanh từng “chữa lành” cho một cậu bé 13 tuổi vô cùng nhút nhát. Khi trò chuyện với người lạ, cậu không bao giờ dám nhìn thẳng mà chỉ nhìn sang ngang hoặc cúi đầu, tay vân vê tà áo.
Sử dụng các liệu pháp tâm lý, cô Lanh biết được nguyên nhân khiến cậu trở nên như vậy. Đó là do bố mẹ cậu đều thành đạt, có địa vị xã hội nên đặt nhiều kỳ vọng vào con. Hễ phạm lỗi, nói hoặc làm gì sai là bị ba mẹ mắng “đồ ăn hại”, “dốt nát”, “đồ bỏ đi”…
Những cái “mác tiêu cực” ấy ám ảnh cậu, khiến cậu mất niềm tin vào bản thân và cho rằng, mình thật sự là đứa “ăn hại”, “bỏ đi”, chẳng có giá trị gì trong cuộc đời. Với suy nghĩ “thà đừng làm còn làm sai bị mắng”, cậu ngày càng lầm lì, không muốn tiếp xúc với mọi người nên được mẹ đưa đến gặp cô Lanh.
Một trường hợp khác là cô bé học lớp 6, bố mẹ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nên gửi cô bé nhờ ông bà nội chăm sóc giúp. Ông bà sợ cháu hư nên quản lý rất chặt, chỉ suốt ngày ép cháu học hành, không muốn cho cháu đi chơi với bạn bè.
Hễ cô bé làm gì “lệch quỹ đạo” như bị điểm kém, đi chơi về muộn là ông bà mắng chửi. Dần dần cô bé sống thu mình, nhút nhát, xa lánh bạn bè. Khi bố mẹ về nước thì không còn nhận ra cô con gái vui vẻ, hoạt bát ngày nào nữa.
Cách hành xử đúng khi con nhút nhát
Cô Lanh cho biết, cách nuôi dạy “không cho phép sai lầm”, kìm cặp quá mức, dán “mác tiêu cực” lên trẻ là lỗi sai thường gặp ở các gia đình Việt khiến trẻ nhút nhát. Nhiều cha mẹ giết chết sự tự tin, quyết đoán của con nhưng lại luôn mong con thành công - đó là một nghịch lý.
“Trải nghiệm quá khứ quyết định niềm tin, niềm tin lại quyết định suy nghĩ và hành động. Nếu trải nghiệm quá khứ xấu sẽ hình thành niềm tin giới hạn bên trong đứa trẻ. Nó giống như sợi dây xích kìm chân đứa trẻ lại, mỗi khi định tiến lên làm điều gì đó, thì sự sợ hãi, cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực “mình không làm được đâu” lại trỗi dậy, khiến trẻ không dám hành động. Qua thời gian, trẻ lớn lên về thể xác nhưng bên trong thì đã chấp nhận thất bại, không còn niềm tin vào chính mình nữa rồi”, cô Lanh nói.
Theo nữ chuyên gia tâm lý, cha mẹ nào cũng yêu thương con, mong con tự tin sống cuộc đời thành công và hạnh phúc. Tuy nhiên, đôi khi cách nuôi dạy của cha mẹ lại chưa đúng. Để cải thiện tính nhút nhát, trẻ cần được “chữa lành”, gỡ bỏ và giải phóng những ký ức, trải nghiệm xấu trong quá khứ.
Bên cạnh đó, trên hành trình nuôi dạy con, cha mẹ hãy cho phép con sai lầm, bởi sai lầm là cách để trưởng thành. Khi con đạt được thành tích nào đó, hãy ghi nhận con để con biết ghi nhận mình. Bởi chỉ khi con có sự tự hào về bản thân thì con mới có thể tự tin trong suy nghĩ và hành động. Đồng thời, cần tôn trọng con, đừng nghĩ rằng “trẻ con thì biết gì” rồi tự lựa chọn, quyết định mọi thứ thay con, mà hãy rèn cho con cách bày tỏ và bảo vệ quan điểm của mình.
Để biến một đứa trẻ nhút nhát trở nên mạnh dạn hơn là một quá trình cần sự kiên trì đồng hành của các bậc cha mẹ. Hãy luôn bên cạnh động viên, khuyến khích, dẫn dắt con để con có thể tự tin tỏa sáng trong cuộc đời này.