Chuyên gia: Tiêm kích F-16 khó sống sót nếu hoạt động trên chiến trường Ukraine

Ukraine đã hối thúc các nước phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-16 nhằm làm giảm ưu thế trên không của Nga. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, trong trường hợp Kiev nhận được chiến đấu cơ này và triển khai trên chiến trường, chúng sẽ khó tồn tại được lâu.

F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, có trọng lượng cất cánh 16,875 tấn, tốc độ 2.100km/h, tầm bay trên 3.200km, trần bay 15.240m. Chiến đấu cơ này được trang bị một khẩu pháo M61 Vulcan và có thể được trang bị tên lửa không đối không và nhiều loại tên lửa hoặc bom.

Máy bay chiến đấu F-16. Ảnh: National Interest

Máy bay chiến đấu F-16. Ảnh: National Interest

Điểm yếu của tiêm kích F-16

Chuyên gia Justin Bronk thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh có trụ sở tại London cho rằng, khác với nhiều dòng máy bay chiến đấu khác, tiêm kích F-16 cần có căn cứ không quân đặc biệt. F-16 có một lỗ hút khí lớn dưới mũi, có thể hút trực tiếp các vật thể bên dưới mặt đất vì vậy thường đòi hỏi các căn cứ không quân sạch sẽ và được bảo trì tốt.

Trong khi đó, các máy bay chiến đấu của Nga có thể hoạt động trên những sân bay thô sơ hơn. Chuyên gia Bronk cho rằng: “Sẽ phải thực hiện rất nhiều công việc để nâng cấp các đường băng cũ có từ thời Liên Xô của Ukraine, khiến chúng trơn tru và sạch sẽ hơn để chiến đấu cơ F-16 hạn chế nguy cơ bị các vật thể lạ xâm nhập và làm hỏng động cơ”.

Ông Bronk lưu ý: “Ukraine cần phải xem xét công việc cải tạo bề mặt và mở rộng các tuyến đường băng. Nhưng quá trình này có thể dễ dàng bị vệ tinh hoặc các thiết bị trinh sát trên mặt đất của Nga phát hiện”.

Theo ông Bronk, đến thời điểm hiện tại, Ukraine vẫn duy trì được khả năng phòng không mạnh mẽ, dù bị Nga áp đảo về số lượng máy bay, tên lửa không đối không và vượt trội về công nghệ. Trong khi đó, Nga vẫn hạn chế sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các căn cứ không quân của Ukraine vì cho rằng lực lượng không quân của Kiev không gây ra mối đe dọa lớn cho họ. Nhưng điều này có thể thay đổi nếu các máy bay chiến đấu hiện đại do phương Tây sản xuất bắt đầu hoạt động tại các sân bay của Ukraine.

“Tất cả căn cứ không quân của Ukraine đều nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Nga”, ông Bronk nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, mặc dù kho dự trữ tên lửa của Nga đang bị thu hẹp nhưng nước này vẫn có thể tấn công một số mục tiêu hạn chế để vô hiệu hóa bất cứ phi đội F-16 nào của Ukraine.

“Dù gặp khó khăn do thiếu tên lửa song Nga vẫn có thể không kích các mục tiêu họ muốn. Họ chỉ cần tấn công một hoặc hai căn cứ theo tiêu chuẩn dành cho chiến đấu cơ F-16 là cũng đủ để khiến phi đội của Ukraine tê liệt, trong bối cảnh Kiev bị hạn chế đáng kể về số lượng máy bay chiến đấu”.

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine hối thúc phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu để thay thế các phi đội MiG-29 và Su-27 già cỗi của nước này. Mỹ và châu Âu đã chuyển giao một số lượng lớn phương tiện và vũ khí, gồm xe tăng, xe bọc thép chở quân, đạn pháo, tên lửa dẫn đường cho Ukraine nhưng vẫn ngần ngại cung cấp máy bay chiến đấu do lo ngại xung đột leo thang và các phi công Ukraine khó vận hành máy bay chiến đấu kiểu phương Tây.

Một số thành viên NATO như Ba Lan và Slovakia đã đồng ý cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, nhưng họ lại chuyển giao các chiến đấu cơ MiG-29 cũ - loại mà các phi công và nhân viên kỹ thuật của Ukraine quen sử dụng, song không có nhiều khả năng vượt trội so với những chiếc MiG-29 mà Ukraine đang có.

Chiến đấu cơ nào phù hợp nhất với Ukraine?

Khi xung đột bước sang năm thứ 2, nhu cầu về máy bay chiến đấu của Ukraine càng trở nên cấp thiết hơn. Thời gian qua, đã cố một số báo cáo cho rằng, Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển đang xem xét gửi máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất cho Ukraine.

Theo chuyên gia Bronk, nếu Ukraine có thể tiếp nhận một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu phương Tây thì điều này sẽ giúp họ “cầm chân” không quân Nga trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng câu hỏi lớn hiện nay là máy bay chiến đấu nào phù hợp nhất với Ukraine.

Nhà phân tích này cho rằng, tiêm kích F/A-18 do Mỹ chế tạo hoặc tiêm kích Mirage 2000C hay Rafale do Pháp sản xuất sẽ phù hợp hơn với đường băng của Ukraine. Tuy vậy, khả năng của chúng sẽ hạn chế do thiếu hụt các loại vũ khí không đối không.

Mirage 2000C chỉ có thể sử dụng tên lửa MICA, trong khi Rafale Ms sử dụng tên lửa Meteor có khả năng tấn công vượt trội hơn. Nhưng Pháp nhiều khả năng sẽ không cung cấp 2 loại máy bay này cho Ukraine.

Còn F/A-18 cần sử dụng tên lửa AIM-120C8/D3 để thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả vào máy bay chiến đấu của đối phương đang tuần tra ở tầm trung hoặc tầm cao. Nhưng Mỹ có thể không cung cấp loại tên lửa này cho Ukraine vì lo ngại Nga sẽ bắn hạ được chúng và nắm bắt một số công nghệ chế tạo tên lửa của họ.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Bronk cho rằng máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen của Thụy Điển sẽ là lựa chọn tốt nhất vì nó dễ bảo trì và có thể hoạt động trên các đường băng gồ ghề.

“Gripen là lựa chọn phù hợp nhất vì chúng có khả năng hoạt động ở những đường băng ngắn, gồ ghề, dễ bảo trì, có khả năng tự động hóa cao trong buồng lái và tên lửa Meteor”, ông Bronk cho biết./.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/chuyen-gia-tiem-kich-f-16-kho-song-sot-neu-hoat-dong-tren-chien-truong-ukraine-post1016409.vov