Hai nhà khoa học của Ủy ban châu Âu, bao gồm Giáo sư Giovanni Strona và Corey Bradshaw, Đại học Flinders (Australia) mới công bố nghiên cứu nhằm cảnh báo tương lai "xám xịt" của Trái đất. Họ nhận định Trái đất có thể phải đối mặt với sự tuyệt chủng hàng loạt năm 2100.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Giovanni và Corey, sự kiện tuyệt chủng xảy ra năm 2100 có thể "xóa sổ" hơn 1/4 đa dạng sinh học của thế giới.
Nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt năm 2100 được 2 chuyên gia cho hay xuất phát từ việc con người khai thác quá mức tài nguyên, sử dụng tài nguyên đất không hợp lý, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nghiên cứu của Giáo sư Giovanni và Corey chỉ ra những người sinh ra ngày nay khi đến 70 tuổi sẽ có thể chứng kiến hàng nghìn loài thực vật và động vật biến mất khỏi Trái đất.
Đến cuối thế kỷ 21, các khu rừng nhiệt đới còn lại trên Trái đất sẽ bị chia cắt và suy thoái. Khi ấy, hành tinh xanh sẽ không còn mảnh đất nào nguyên vẹn. Những quần thể thực vật, động vật nhỏ bé sẽ có thể không còn tồn tại trong tương lai.
Việc phát thải khí nhà kính (CO2) quá mức trong thời gian qua được các chuyên gia ước tính sẽ khiến các khu rừng nhiệt đới ấm lên khoảng 4 độ C trong thế kỷ 21.
Nhiệt độ ấm hơn kết hợp cùng hiện tượng El Nino gây ra hạn hán tại nhiều khu vực. Đồng thời, cháy rừng cũng có nguy cơ xảy ra nhiều hơn gây ảnh hưởng đến môi trường trên thế giới.
Trong bối cảnh khí hậu thay đổi nhanh chóng, các loài thực vật và động vật sẽ phải tìm cách thích nghi để tồn tại.
Con người đối mặt với tương lai "xám xịt" vào năm 2100. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, lộ tốc độ thay đổi của các vùng khí hậu có thể tăng rất nhanh nếu biến đổi khí hậu tiếp diễn như hiện tại. Vùng khí hậu nhiệt đới có thể giảm từ 25% xuống 23% vào năm 2100 và kiểu khí hậu khô hạn sẽ tăng từ 31% lên 34%.
Hậu quả là khoảng 89% diện tích của châu Âu có thể chứng kiến khí hậu thay đổi hoàn toàn và 66% diện tích ở Bắc Mỹ cũng được cho là sẽ bước vào một môi trường khí hậu mới. Châu Phi sẽ chịu ảnh hưởng của nắng nóng và hạn hán bất thường. Khi ấy, cuộc sống của nhiều người dân sẽ trở nên khó khăn hơn.
Mời độc giả xem video: Giải cứu ếch cây khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nguồn: THTPCT.
Tâm Anh (TH)