Chuyên gia: 'TP.HCM nên tự tin nới lỏng các hoạt động'

Chuyên gia cho rằng với độ phủ vaccine và tỷ lệ F0 khỏi bệnh cao nhất cả nước, TP.HCM nên tranh thủ điều này để nới lỏng các hoạt động.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ví von quanh nơi ông ở có "đồng hồ dự báo dịch", đó là tiếng còi xe cấp cứu. Ông nhận thấy ngày nào tiếng còi hụ cấp cứu nhiều hơn thì hôm đó số F0 tăng lên. Và những ngày gần đây, chiếc "đồng hồ" này cảnh báo tình hình dịch tại thành phố đang có xu hướng phức tạp trở lại.

Thực tế, từ cuối tháng 10, dịch bệnh tại huyện Hóc Môn đã có những chỉ báo đáng lo ngại khi chỉ trong 15 ngày (15-30/10), toàn huyện ghi nhận 5.000 ca nhiễm qua test nhanh, tức trung bình 333 ca/ngày. Trong 7 ngày qua, số F0 tăng cao tại các địa phương gồm huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, TP Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp.

Số F0 có xu hướng tăng giống với giai đoạn cuối tháng 6 gợi lên mối lo ngại về nguy cơ dịch tái bùng phát và TP.HCM sẽ siết các hoạt động. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng với quan điểm thích ứng an toàn với dịch thì F0 tăng là kết quả tất yếu của quá trình mở cửa. Khi đã phủ vaccine, TP.HCM không nên chỉ nhìn vào số ca nhiễm để ra quyết định siết hay nới mức độ mở cửa, mà cần đánh giá dựa trên những số liệu khác.

Không nên chỉ nhìn vào số ca mắc

Từ đầu tháng 10, thời điểm TP.HCM bắt đầu mở cửa, dịch được kiểm soát và số ca xuất viện tại TP.HCM có xu hướng cao hơn số ca nhập viện. Tuy nhiên, đến 17/10, khoảng cách này ngày càng bị thu hẹp và đảo chiều rõ rệt vào ngày 24/10 khi số ca nhập viện bắt đầu cao hơn số ca xuất viện.

Dù vậy, nhìn vào số liệu bệnh nhân nặng phải thở máy có thể thấy con số không dao động nhiều. Tỷ lệ tử vong 2 tuần qua cũng không có diễn biến quá bất thường so với 1,5 tháng trước.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết từ 1/10 tới 12/11, số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng nhưng các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp. Trường hợp thở máy xâm lấn duy trì ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở oxy có xu hướng giảm nhẹ.

Số ca tử vong tại TP.HCM dao động 40 ca/ngày. Trường hợp tử vong trên 65 tuổi chiếm 52%, tử vong do Covid-19 kèm bệnh nền chiếm 85%.

Nhìn vào diễn biến dịch của TP.HCM những ngày qua, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM) nhấn mạnh khi đã phủ vaccine, số ca mắc không phải biến số duy nhất để đánh giá tình hình dịch mà cần chú ý hơn tới số ca nặng và tử vong.

Biểu đồ ca tử vong tại TP.HCM cho thấy từ 1/10 tới nay, xu hướng ca tử vong giảm dần và có dấu hiệu tăng nhẹ từ ngày 2/11. Tuy nhiên, số liệu này chưa có biến động lớn.

"TP.HCM mở cửa còn chậm"

Khi số ca nhiễm có dấu hiệu tăng trở lại, câu hỏi lớn nhất của người dân TP.HCM hiện nay là thành phố có siết chặt các biện pháp mở cửa để hạn chế lây nhiễm?

Gần 5 tuần kể từ khi Nghị quyết 128 được ban hành, sáng 13/11, UBND TP.HCM mới lấy ý kiến góp ý của các địa phương về dự thảo triển khai thực hiện Nghị quyết 128. Chủ tịch Phan Văn Mãi từng chia sẻ sau 15/11, TP.HCM có thể có một vài điều chỉnh trên tinh thần gần hơn với Nghị quyết 128. Cụ thể, tùy theo hoạt động, với cấp độ 1 có thể hoạt động 100%; cấp độ 2 hoạt động 75%; cấp độ 3 là 50%; và cấp độ 4 còn 25% hoặc phải tạm ngưng.

Căn cứ theo Chỉ thị 18 cùng một số văn bản khác, TP.HCM hiện chưa mở cửa với một số nhóm hoạt động sau: GrabBike (xe ôm công nghệ); các hoạt động thuộc nhóm nguy cơ cao (karaoke, quán bar, vũ trường...); trường học. Hoạt động ăn uống tại chỗ bị giới hạn tới 21h, còn uống rượu bia thì mới chỉ thí điểm tại quận 7, TP Thủ Đức.

Từ góc độ dịch tễ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đánh giá tiến độ mở cửa của TP.HCM hiện còn "chậm và cẩn thận". Chuyên gia này cho rằng thành phố nên tự tin hơn trong nới lỏng các hoạt động bởi độ phủ vaccine và tỷ lệ F0 khỏi bệnh đều cao nhất cả nước. Vaccine không thể ngăn chặn lây nhiễm, nhưng là lớp bảo vệ quan trọng để giảm ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Thực tế cho thấy dù số ca nhiễm tại TP.HCM cao và có xu hướng tăng, số ca tử vong, ca nặng không biến động nhiều kể từ khi mở cửa.

Ông cũng nhận định sau khi tiêm chủng, tỷ lệ bảo vệ của TP.HCM đang cao nhưng hiệu lực bảo vệ của vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, thành phố nên tận dụng sớm giai đoạn này để mở cửa tối đa, phù hợp với tình hình dịch.

 Chuyên gia cho rằng tốc độ mở cửa của TP.HCM hiện còn hơi chậm. Ảnh: Phương Lâm.

Chuyên gia cho rằng tốc độ mở cửa của TP.HCM hiện còn hơi chậm. Ảnh: Phương Lâm.

Một lập luận khác được vị chuyên gia này chỉ ra là hiện TP.HCM chỉ còn dừng một phần nhỏ hoạt động, nhưng những hoạt động nhỏ này có thể ảnh hưởng rất lớn tới cục diện chung.

Ví dụ, khi không mở trường học thì phụ huynh cũng không thể đi làm mà phải ở nhà trông con. Đây cũng là lý do khiến nhiều người lao động ngoại tỉnh về quê trước dịch chần chừ trở lại TP.HCM. Hoặc GrabBike chưa được hoạt động cũng sẽ hạn chế điều kiện đi lại của một số nhóm lao động, giao thương sẽ khó đạt được sự sôi nổi như trước khi có dịch.

Có quan điểm tương tự, chuyên gia kinh tế Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Đại học Gia Định, cho biết bản chất một nền kinh tế vận hành dựa trên sự lưu thông, kết nối của chuỗi giá trị từ đầu vào, sản xuất, vận chuyển, vận hành, thương mại, dịch vụ… Trong đó, kết quả đầu ra của nút này là đầu vào của nút khác. Sự thiếu kết nối hay đứt gãy của chuỗi sẽ dẫn tới sự tê liệt của chuỗi giá trị.

Đánh giá TP.HCM đang đi đúng hướng, nhưng chuyên gia này cho rằng nếu xem Nghị quyết 128 là la bàn thì các cơ quan quản lý phải có giải pháp cụ thể và sát nhất với địa phương trên tinh thần "gỡ tới cùng và trọn vẹn".

"Tinh thần của Nghị quyết 128 là xử lý để mở cửa chủ động chứ không phải quay lại đóng băng và phong tỏa. Các hoạt động siết chặt hay mở cửa đều phải theo các chỉ tiêu định lượng cụ thể và áp dụng tới phạm vi nhỏ nhất là phường, xã, hoặc khu phố", ông Hải nêu quan điểm.

Bình tĩnh ngăn chặn, thích ứng an toàn

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết việc F0 tăng "nằm trong dự kiến" khi quá trình mở cửa đi cùng với tăng mức độ giao thương, tiếp xúc, đi lại. Theo tinh thần của Nghị quyết 128, thành phố đang thích ứng an toàn nên độ mở của hoạt động xã hội, kinh tế tùy thuộc vào tình trạng dịch.

"Nếu tình hình dịch giảm, tức màu xanh rộng hơn thì hoạt động nhiều hơn. Còn nếu tình hình dịch xấu, ở cấp độ vàng, cam, đỏ thì các hoạt động phải hạn chế lại", ông nói.

Nhận định tình hình ca nhiễm tại TP.HCM đang gia tăng, ông Mãi cho biết TP.HCM đang theo dõi sát tình hình, đánh giá cấp độ dịch hàng tuần và "tới mức siết thì phải siết".

 TP.HCM bình tĩnh ngăn chặn dịch, thích ứng an toàn. Ảnh: Duy Hiệu.

TP.HCM bình tĩnh ngăn chặn dịch, thích ứng an toàn. Ảnh: Duy Hiệu.

Còn Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng việc cần làm hiện nay là bình tĩnh tìm cách ngăn chặn, không để bị hốt hoảng. Việc trước hết phải làm là khi phát hiện ca nhiễm tăng ở địa bàn nào, TP lập ngay đội phản ứng nhanh để sớm dập ổ dịch đó.

Song song với đó, khi xuất hiện F0, địa phương cần tìm hiểu nguồn lây từ đâu, tình trạng tiêm vaccine, thời gian tiêm vaccine... Đối với các trường hợp tử vong cũng cần phân tích kỹ số liệu xem bệnh nhân chết do Covid-19 hay chết có Covid-19 (mắc Covid-19 nhưng tử vong do bệnh nền). Thời gian gần đây, TP.HCM cũng bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân từ địa phương khác chuyển tới. Nhiều ca tử vong nằm trong số này. Ví dụ ngày 9/11, TP.HCM có 5/43 ca tử vong là bệnh nhân ngoại tỉnh; ngày 10/11, 3/38 ca tử vong là bệnh nhân từ địa phương khác chuyển tới.

Bí thư Nên đặt ra 2 vấn đề buộc thành phố phải suy nghĩ. Đó là ngưỡng giới hạn của số F0 và tỷ lệ tử vong mà TP.HCM có thể chấp nhận trong bối cảnh bình thường mới.

“Quan điểm quốc gia là thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả. Nhưng làm như thế nào, thích ứng linh hoạt ra sao cho an toàn và hiệu quả cũng là thử thách”, Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-tphcm-nen-tu-tin-noi-long-cac-hoat-dong-post1276946.html