Chuyên gia TQ xóa thông tin virus ở Vũ Hán khỏi cơ sở dữ liệu của Mỹ
Một nhà khoa học Trung Quốc đã yêu cầu Viện Y tế Quốc gia Mỹ xóa bỏ chuỗi gene của một số bệnh nhân Covid-19 thuộc thời kỳ đầu của đại dịch khỏi cơ sở dữ liệu của cơ quan này.
Khoảng một năm trước, các trình tự gene từ hơn 200 mẫu virus của các ca mắc Covid-19 ban đầu ở Vũ Hán biến mất khỏi dữ liệu khoa học trực tuyến.
Mới đây, bằng cách truy vết các tệp được lưu trữ trên Google Cloud, một nhà nghiên cứu ở Seattle, Mỹ cho biết ông đã khôi phục được 13 trình tự gene ban đầu đó - thông tin đáng chú ý để nhận biết thời điểm và cách thức virus có thể lây từ dơi hoặc động vật khác sang người, theo New York Times.
Hành động khó hiểu
Phân tích mới này, được công bố hôm 22/6, củng cố các ý kiến trước đó rằng nhiều loại virus corona có thể đã xuất hiện ở Vũ Hán trước các đợt bùng phát ban đầu được ghi nhận liên quan đến chợ động vật và hải sản vào tháng 12/2019.
Khi chính quyền Biden đẩy mạnh điều tra nguồn gốc gây tranh cãi của loại virus, được gọi là SARS-CoV-2, nghiên cứu trên không củng cố hay giảm nhẹ giả thuyết rằng mầm bệnh đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm nổi tiếng ở Vũ Hán. Nhưng nó đặt ra câu hỏi về lý do các trình tự gốc bị xóa bỏ, và cho thấy có thể sẽ hé lộ nhiều điều từ những khôi phục ở những góc xa xôi của Internet.
Thông tin về hành động của nhà khoa học Trung Quốc mới được đăng tải trong một bài báo nghiên cứu của tiến sĩ Jesse Bloom, nhà virus học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson tại thành phố Seattle.
Theo ông Bloom, các chuỗi gene bị xóa khỏi cơ sở dữ liệu của NIH thuộc về các bệnh nhân nhiễm hoặc nghi mắc Covid-19 nhập viện tại thành phố Vũ Hán trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2/2020.
Chỉ là những mảnh vụn?
Theo Wall Street Journal, dữ liệu về các trường hợp nhiễm Covid-19 ở giai đoạn đầu của đại dịch trước đó được nhà nghiên cứu Trung Quốc chia sẻ với Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) nhằm tạo ra một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về virus này. Hành động xóa bỏ dữ liệu của các nhà khoa học người Trung Quốc có thể gây cản trở tới nỗ lực nghiên cứu nguồn gốc của virus Covid-19 của các nhà khoa học trên thế giới.
"Những nhà nghiên cứu có toàn quyền quyết định đối với dữ liệu của mình và có thể yêu cầu rút lại những thông tin trên khỏi cơ sở dữ liệu chung", NIH nói trong một tuyên bố.
Một số trong các thông tin bị xóa bỏ có thể được tìm thấy trong nghiên cứu được đăng tải trên một tạp chí chuyên ngành, nhưng các nhà khoa học thông thường sẽ tìm kiếm trình tự gene trong cơ sở dữ liệu chính như của NIH.
Tiến sĩ Bloom cho biết ông đã tìm thấy dữ liệu bị xóa sau khi "sục sạo" các ngõ ngách trực tuyến. Ông cho rằng hành động của các nhà khoa học Trung Quốc sẽ khiến cho các nhà nghiên trên thế giới nghi ngờ về sự minh bạch của Trung Quốc trong quá trình tìm ra nguồn gốc của virus Covid-19.
Trước đó vào tháng 5, ông Bloom cũng là đồng tác giả của một bức thư được đăng trên tạo chí nghiên cứu Science. Bức thư trên yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải điều tra kỹ càng hơn cả hai giả thuyết chính về nguồn gốc của Covid-19 bao gồm việc virus này bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm bên cạnh giả thuyết về việc virus đã truyền từ động vật sang con người thông qua đường ăn uống.
Ông Vaughn S. Cooper, một nhà nghiên cứu sinh học tiến hóa tại Đại học Pittsburgh cũng có chung quan điểm với tiến sĩ Bloom. Hành động trên của các nhà khoa học Trung Quốc làm cho chúng ta tự hỏi liệu đã có bao nhiêu chuỗi gene của các bệnh nhân Covid-19 bị xóa khỏi các cơ sở dữ liệu trên thế giới", ông Cooper cho biết.
Tuy vậy, một số nhà khoa học khác lại cho rằng những chuỗi gen đã bị xóa khỏi cơ sở dữ liệu của NIH sẽ không gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra nguồn gốc của đại dịch.
"Những chuỗi gene bị xóa chỉ là những mảnh vụn. Thông thường những trình tự gene đầy đủ của virus mới là thứ cho chúng ta những hiểu biết rõ ràng nhất", ông Joel Wertheim, một nhà nghiên cứu sinh học tiến hóa tại Đại học California, San Diego cho biết.
Theo NIH, những nhà khoa học Trung Quốc trong yêu cầu xóa dữ liệu gửi đến cơ quan này vào tháng 6/2020 đã cho biết nguyên nhân của hành động này là để tránh nhầm lẫn do những dữ liệu bị xóa sẽ được cập nhật và đăng tải trên một cơ sở dữ liệu nghiên cứu khác.