Chuyên gia: Trung Quốc cấm giao dịch khiến tiền ảo giảm trong ngắn hạn nhưng tạo động lực về sau?
Trung Quốc tuyên bố cấm giao dịch tiền ảo để mở đường cho kế hoạch phát hành đồng nhân dân tệ điện tử. Do vậy, quyết định này gây 'bão tố' trong ngắn hạn nhưng có thể tạo động lực cho các loại tiền ảo trong dài hạn?
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cấm các công ty dịch vụ tài chính và thanh toán định giá hoặc tiến hành kinh doanh bằng tiền ảo. Đây là một trong những yếu tố gây ra đợt bán tháo khiến Bitcoin giảm xuống mức thấp nhất là 30.000 USD vào thứ tư tuần trước, trước khi phục hồi trở lại về mức 34.000 USD. Giá của đồng tiền số này đã giảm tới 50% so với mức cao nhất là 64.788,34 USD. Các loại tiền ảo phổ biến khác như Ethereum hay Dogecoin cũng giảm mạnh.
Sự sụt giảm này là một phần của đợt bán tháo rộng rãi đối với các tài sản bị coi là rủi ro, gồm cả cổ phiếu. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones: DJA, S&P 500: SPX và Nasdaq Composite COMP, đều giảm.
Giám đốc điều hành của BK Asset Management, Boris Schlossberg cho biết: "Mặc dù Trung Quốc chiếm tới 75% tổng số hoạt động 'đào' Bitcoin nhưng Chính phủ Trung Quốc không muốn Bitcoin trở nên phổ biến như một phương tiện trao đổi... Thay vào đó, các nhà chức trách Trung Quốc muốn thấy đồng tiền kỹ thuật số của chính họ dưới dạng đồng Nhân dân tệ trở thành đơn vị kế toán chính trong nền kinh tế Trung Quốc".
Tờ The Wall Street Journal lưu ý rằng: đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được kiểm soát bởi Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cung cấp cho Chính phủ khả năng cao trong việc giám sát hoạt động kinh tế và người dân. Trung Quốc cũng đang định vị đồng nhân dân tệ số cho mục đích sử dụng quốc tế. Điều này được một số nhà phân tích coi là một thách thức tiềm tàng nhưng dài hạn đối với sự thống trị lâu dài của đồng USD.
Schlossberg cho biết đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, có thể lập trình và theo dõi được, cho phép Chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ không cho phép người dùng ẩn danh như các loại tiền mã hóa phổ biến. Điều đó sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc biết mọi lựa chọn của người tiêu dùng và trao cho họ quyền tác động trực tiếp đến hành vi tiêu dùng bằng cách làm cho tiền tệ có thể hết hạn sử dụng vào một ngày nhất định.
Nhưng ông Schlossberg cũng lập luận rằng, nỗ lực để đạt được quyền lực như vậy đối với nền kinh tế cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu về tiền mã hóa trong tương lai. Và điều này có khả năng sẽ giúp đảm bảo rằng đợt giảm giá hiện tại hóa ra là một sự điều chỉnh chứ không phải là sự sụp đổ của tiền mã hóa.
Ông nói: “Nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc cấm tiền mã hóa ở đại lục càng lớn, thì càng làm tăng mong muốn của công dân Trung Quốc là đưa một phần vốn ròng của họ vào một kho lưu trữ giá trị ẩn danh... Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tiền mã hóa sẽ có thể miễn nhiễm với một cuộc thanh trừng".
“Ví dụ, nếu các nhà chức trách Trung Quốc phạt án đối với bất kỳ ai nắm giữ tài sản bằng tiền mã hóa hoặc đánh thuế rất cao, thì mong muốn có được tài sản đó sẽ suy yếu. Nhưng hiện tại, trò chơi mèo vờn chuột giữa các nhà hoạch định chính sách và người dân cho thấy nhu cầu về tiền mã hóa sẽ vẫn còn và bất kỳ sự sụt giá nào về tài sản cũng sẽ mang lại người mua”.