Chuyên gia Trung Quốc chỉ trích Ấn Độ định triển khai tên lửa Brahmos ở biên giới
Các nhà quan sát Trung Quốc đã chỉ trích kế hoạch triển khai tên lửa BrahMos của Ấn Độ ở biên giới với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo điều này chỉ làm gia tăng rào cản mới trong các cuộc đàm phán giải quyết căng thẳng biên giới và làm xấu thêm quan hệ.
Nhưng họ lưu ý rằng vũ khí mới sẽ chỉ được sử dụng trên lý thuyết trong khi không gây ra mối đe dọa thực tế nào đối với an ninh của Trung Quốc.
Tên lửa Brahmos của Ấn Độ là loại hiện đại và nguy hiểm nhất trong kho vũ khí của nước này - Ảnh: Indiatimes
Hãng tin India TV hôm thứ Sáu (12/11) đưa tin chính phủ Ấn Độ đã ủng hộ dự án đường Char Dham đầy tham vọng, vì "cần có những con đường rộng hơn để vận chuyển tên lửa như BrahMos và các thiết bị quân sự khác" tới phần phía tây của biên giới Ấn Độ - Trung Quốc.
BrahMos là tên lửa hành trình siêu thanh tiên tiến nhất mà Ấn Độ có. Được phát triển từ năm 2007, nó có thể được lắp đặt trên tàu thủy, tàu ngầm, máy bay và các phương tiện mặt đất, có tầm hoạt động lên tới 290 km và tốc độ tối đa Mach 3, theo Army Technology.
Song Zhongping, một chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết: “Đây là lý do tại sao căng thẳng tiếp tục gia tăng dọc theo biên giới Trung Quốc - Ấn Độ và các cuộc xung đột quân sự không mong muốn đã nổ ra”.
Ông Song nói rằng bất chấp mối đe dọa về lý thuyết đối với an ninh biên giới của Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vẫn đang tăng cường khả năng phòng không của mình để đánh chặn tên lửa hành trình siêu thanh như BrahMos.
Ông Song nhấn mạnh, Trung Quốc thậm chí có thể tấn công và phá hủy các hầm chứa tên lửa BrahMos và các cơ sở quân sự khác trong trường hợp xung đột xảy ra, đồng thời giải thích rằng "việc xây dựng cơ sở hạ tầng kém của Ấn Độ ở khu vực phía tây của biên giới Trung - Ấn đã hạn chế khả năng cơ động và tàng hình của căn cứ tên lửa".
Trong khi đó, theo Qian Feng, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại Viện Chiến lược Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa, việc triển khai BrahMos có thể được hiểu là Ấn Độ có ý giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề này, trái ngược với thực tế là cả hai bên đều nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề biên giới thông qua các cuộc đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ hôm thứ Sáu (12/11) tuyên bố Trung Quốc là "mối đe dọa an ninh lớn nhất" của Ấn Độ, việc triển khai vũ khí mới ở khu vực biên giới sẽ chỉ tạo thêm rào cản mới cho các cuộc đàm phán nhằm giải quyết hòa bình căng thẳng biên giới và làm xấu thêm quan hệ song phương.