Chuyên gia UNESCO khảo sát danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc
UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia tới khảo sát, đánh giá thực tế tại danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.
Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vừa có văn bản phúc đáp về hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới.
Theo đánh giá của UNESCO, hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới đáp ứng tất cả yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới.
UNESCO cũng đề nghị cung cấp bổ sung các hình ảnh về quần thể di tích theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn, quy định. Hồ sơ sẽ được gửi đồng thời tới Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS). Trên cơ sở đánh giá hồ sơ, các cơ quan của UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia tới khảo sát thực tế.
Trước đó, ngày 26/1/2024, hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình lên UNESCO để xét công nhận là Di sản thế giới.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 6 khu di tích quốc gia đặc biệt và 32 điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa.
Bộ hồ sơ gồm 2.139 trang tài liệu bản tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh, 101 sơ đồ, bản đồ, 196 bản vẽ kiến trúc, 260 bản vẽ khảo cổ, 1.141 bản ảnh, tái hiện các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, di sản phi vật thể, vật thể và kế hoạch quản lý tổng thể trên phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang.
Đây là hồ sơ khoa học đệ trình có nhiều tiêu chí theo Công ước 1972 nhất, vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương.
Để khẳng định giá trị của quần thể, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã đồng thời chỉ đạo triển khai phương pháp nghiên cứu, chứng minh, tổng hợp, làm rõ và viết câu chuyện về giá trị quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Trong đó, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế xác định giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích, triển khai các chuyên đề nghiên cứu khoa học, thu thập, tổng hợp tài liệu, tổ chức khai quật, khảo cổ.
Hơn 100 chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc nhiều lĩnh vực đã khảo sát, nghiên cứu và xây dựng hồ sơ, trong đó có nhiều chuyên gia hàng đầu của Hội Khảo cổ học Việt Nam, UNESCO, Trung tâm Karst và Di sản địa chất...
Đây là hồ sơ di sản đầu tiên ở Việt Nam theo chuỗi 18 cụm di sản với 32 điểm di tích tại liên tỉnh, địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi phức tạp.
Di tích quốc gia đặc biệt và danh lam thắng cảnh Yên Tử
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt.
Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).
Yên Tử là dãy núi thấp, thuộc hệ thống cánh cung Đông Triều, một vùng địa chất được hình thành từ kỷ Đệ tứ, với các loại đá gốc, như sa thạch, sỏi kết sạn và phù sa cổ… Địa hình, địa chất phức tạp của khu vực đã kiến tạo nên các điểm cảnh quan kỳ vĩ, như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử… nơi có những kiến trúc cổ như hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ.
Hội Yên Tử là lễ hội hành hương vào mùa xuân, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng hằng năm và kéo dài suốt 3 tháng.
Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc địa bàn xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, là nơi thờ Phật, đào tạo tăng đồ, thờ Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Pháp Loa (1284 - 1330) và Huyền Quang (1254 - 1334). Chùa là trung tâm đào tạo, định chức danh cho các tăng sĩ thời Trần, là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử Phật giáo thời Trần nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung.
Chùa Vĩnh Nghiêm trở thành chốn an cư, kiết hạ, giảng kinh, thuyết pháp, trụ sở chính thức đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Theo các nguồn tư liệu như bia ký, thư tịch cổ còn lưu lại, chùa Vĩnh Nghiêm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông trung hưng trên nền móng của một ngôi chùa nhỏ có từ thời Lý (chùa Chúc Thánh) vào cuối thế kỷ XIII, là ngôi chùa có vị trí đặc biệt trong các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm (Yên Tử). Từ Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tư tưởng của dòng thiền này lan rộng khắp các miền trong cả nước, lan tỏa ra khu vực và thế giới.
Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc
Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, Hải Dương, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Nơi đây gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến những chiến công lẫy lừng trong ba lần quân dân thời Trần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII và trong cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang… Điểm nhấn của khu di tích này là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.