Nhà phân tích quân sự nổi tiếng - ông Vladislav Shurygin rất chú ý đến động thái thay thế Tư lệnh Hải quân Nga của Tổng thống Putin và đã đưa ra một số bình luận.
Theo chuyên gia này, chuỗi những vụ cách chức nhằm vào các lãnh đạo cấp cao của hạm đội Nga là sự phản ánh tự nhiên của tình hình hiện nay, bởi không có đơn vị nào của Lực lượng vũ trang Nga có kết quả mơ hồ sau 20 năm cải cách như Hải quân.
Thời gian qua, gần như tất cả các chương trình đóng tàu đều bị gián đoạn, từ tàu sân bay cho đến khinh hạm và tàu hộ tống, Hải quân Nga giờ đây chỉ còn là "hạm đội muỗi" chuyên tác chiến ven bờ.
Ông Shurygin lưu ý: "Một trong những nguyên nhân chủ quan chính là 'bước nhảy vọt' ngự trị suốt bao năm qua trong tâm trí các đô đốc của chúng ta".
"Họ là những người luôn mong muốn nhận được các con tàu mới hơn, tiên tiến hơn, dẫn đến việc liên tục 'hiện đại hóa' những dự án hiện có và kết quả là sự chậm trễ hơn nữa".
Ngoài ra cần chú ý đến thực tế là vô số lệnh trừng phạt từ năm 2014 và việc cắt đứt quan hệ với Ukraine đã có "tác động tàn khốc" đến các chương trình xây dựng và nâng cấp hạm đội.
Trước đó phía Ukraine đã vận động hành lang trong các dự án chung với Nga, tốt đến mức bộ chỉ huy Hải quân Nga trên thực tế đã từ bỏ việc chuẩn bị các nguồn lực thứ 3.
Do vậy đến năm 2014, Ukraine đã trở thành nhà sản xuất độc quyền turbine khí và một số hệ thống khác cho tàu chiến Nga. Khi biến cố địa chính trị xảy ra giữa hai nước, nhiều chương trình đóng tàu bị tê liệt và Nga phải khắc phục trong vòng 5 năm.
"Kết quả là hạm đội mặt nước đã biến thành một mớ hỗn tạp, nơi các tàu cùng loại luôn chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Trong giai đoạn 2014 - 2016, có tới 3 loại tàu hộ tống khác nhau được đặt đóng và chế tạo cùng lúc", ông Shurygin chỉ ra.
Ông Shurygin gọi vấn đề quan trọng thứ hai là sự chậm chạp của bộ chỉ huy đối với các nhiệm vụ mà Quân đội Nga phải đối mặt trên chiến trường. Các chỉ huy Hải quân Nga đã không thể thích ứng với môi trường hoạt động và tính chất tác chiến đang thay đổi nhanh chóng.
"Kết quả là Hạm đội Biển Đen đầu tiên đã mất thế chủ động, sau đó phải rút lui về bờ, và đến mùa hè năm 2023, lực lượng này buộc phải chuyển sang thế phòng thủ hoàn toàn".
"Các tàu chiến tự nhốt mình trong các căn cứ cách xa, nơi mà thỉnh thoảng tàu mới xuất hiện để 'chạy ra biển và phóng tên lửa hành trình', chỉ có vậy", nhà phân tích cho biết thêm.
Bộ chỉ huy cấp cao của Hải quân Nga rõ ràng phải chịu trách nhiệm về điều này, vì họ đã không thể đánh giá chính xác tình hình và đưa ra các quyết định cần thiết, khiến Hạm đội Biển Đen phải một mình gánh những vấn đề lớn.
Điều này dẫn đến việc Hải quân Ukraine với quy mô cực nhỏ, nhưng dựa vào khả năng trinh sát của NATO, hiện đang nắm thế chủ động trên biển và đang truy lùng tàu Nga.
"Tất nhiên tình trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi căn bản! Chỉ là vẫn chưa rõ ban lãnh đạo mới của Hải quân Nga sẽ có khả năng đến mức nào và quan trọng nhất là giải quyết thỏa đáng cuộc khủng hoảng ra sao", vị chuyên gia kết luận.
Hiện tại tên của người kế nhiệm ông Evmenov đã được biết đến - chức vụ Tư lệnh Hải quân Nga hiện do Đô đốc Alexander Moiseev đảm nhiệm và dự báo vị chỉ huy này sẽ trải qua một giai đoạn rất khó khăn trước mắt.