Chuyên gia: Việt - Nhật tin cậy lẫn nhau, tăng cường phát triển

Chuyên gia nhận định cách Thủ tướng Kishida Fumio nhìn nhận mối quan hệ với Việt Nam không chỉ đơn thuần là kinh tế. Hai nước có sự tin cậy cao và sẽ tiếp tục hợp tác tốt đẹp.

 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: Bloomberg.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: Bloomberg.

“Việt Nam là quốc gia rất quan trọng đối với Nhật Bản. Chuyến thăm (của Thủ tướng Nhật Kishida Fumio) diễn ra vào đúng ngày Việt Nam thống nhất đất nước - một ngày quan trọng đối với người dân và chính phủ nước này. Tôi nghĩ Nhật Bản thấy được điều đó, vì vậy, muốn thể hiện mối quan hệ chiến lược sâu rộng giữa hai nước”, Jonathan B. Miller, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản (JIIA) và Diễn đàn Á châu Nhật Bản (AFJ), trả lời Zing.

Cùng chung nhận định với ông Miller, giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales (Australia), cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới Hà Nội khẳng định cam kết phát triển mối quan hệ của lãnh đạo hai nước.

“Thủ tướng Việt Nam là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Tokyo sau khi ông Kishida đắc cử. Cả hai nhà lãnh đạo đã tuyên bố công khai rằng quan hệ song phương đang ở mức cao nhất. Chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới Hà Nội chứng tỏ hai nhà lãnh đạo cam kết phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”, giáo sư Thayer nói với Zing.

Ông Kishida đến Hà Nội ngày 30/4 và bắt đầu chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị thủ tướng Nhật Bản kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2021.

 Thủ tướng Kishida đến sân bay quốc tế Nội Bài vào ngày 30/4. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Kishida đến sân bay quốc tế Nội Bài vào ngày 30/4. Ảnh: TTXVN.

Coi trọng mối quan hệ với Việt Nam

“Ngày 30/4 có ý nghĩa đặc biệt ở Việt Nam, đánh dấu 47 năm thống nhất đất nước. Điều này sẽ tạo cơ hội cho Thủ tướng Kishida củng cố cam kết của Nhật Bản trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển”, giáo sư Thayer nhận định.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của ông Miller, Thủ tướng Kishida đánh giá cao vai trò của ASEAN và Việt Nam trong chính sách khu vực của Nhật Bản.

 Jonathan B. Miller, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản (JIIA) và Diễn đàn Á châu Nhật Bản (AFJ). Ảnh: Jberkshiremiller.

Jonathan B. Miller, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản (JIIA) và Diễn đàn Á châu Nhật Bản (AFJ). Ảnh: Jberkshiremiller.

“Nhật Bản coi quan hệ với Việt Nam và Đông Nam Á nói chung là trọng tâm trong chính sách đối ngoại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, vị chuyên gia nói. Vì vậy, ông cho rằng thủ tướng Nhật Bản ưu tiên các mối quan hệ với Việt Nam, Indonesia và các nước khác.

Nhận định về mối quan hệ Việt - Nhật, giáo sư Thayer khẳng định “sự độc lập, uy tín quốc tế cao và vai trò mang tính xây dựng của Việt Nam trong ASEAN mang lại lợi ích cho các mục tiêu đối ngoại của Nhật Bản”.

“Mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhờ sự ổn định chính trị ở cả hai nước. Sự trường tồn của đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã tạo nên sự nhất quán trong chính sách của Tokyo đối với Hà Nội”, vị giáo sư cho biết.

Mối quan hệ về kinh tế giữa hai nước cũng được các chuyên gia đánh giá là "rất tốt đẹp".

“Việc phát triển và đầu tư trực tiếp của Nhật Bản góp phần tăng cường sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Các khía cạnh kinh tế, viện trợ phát triển, thương mại và đầu tư là nền tảng chính cho quan hệ song phương”, ông Miller nói.

Bên cạnh đó, ông Miller cho rằng người dân và doanh nghiệp Nhật Bản rất yêu thích Việt Nam và muốn thúc đẩy đầu tư. Việt Nam là một điểm đầu tư hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản khi chuyển hướng khỏi thị trường Trung Quốc, ông nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng cách ông Kishida nhìn nhận mối quan hệ giữa hai nước không chỉ đơn thuần là kinh tế.

“Ông Kishida nhận thấy Việt Nam có thể xây dựng vị thế trong khu vực này, và đã thực hiện được điều đó. Do đó, thay vì phải phụ thuộc vào ASEAN, tôi nghĩ ông Kishida đang tìm kiếm các quốc gia nổi bật nhất và phù hợp nhất với giá trị và lợi ích của Nhật Bản. Và Việt Nam là một trong số đó”, ông Miller nói.

 Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có dệt may. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ.

Ngoài ra, khi nhắc tới mối quan hệ Việt - Nhật, ông Miller khẳng định chắc chắn không thể bỏ qua yếu tố Trung Quốc.

“Nhật Bản và Việt Nam đều là nước láng giềng của Trung Quốc, song đều có những lo ngại chung liên quan đến quốc gia này. Đó cũng là một yếu tố để hai bên phát triển mối quan hệ”, ông Miller chia sẻ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng “cả hai quốc gia đều muốn đảm bảo Bắc Kinh tuân thủ pháp quyền và chuẩn mực quốc tế”.

Đề cập đến Thủ tướng Kishida, giáo sư Thayer nhìn nhận rằng thủ tướng Nhật đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vào năm 2014.

“Vương quốc Mặt Trời mọc” là nhà tài trợ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác du lịch lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, theo Báo điện tử Chính phủ.

Hướng tới tương lai

“Quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển vì đã có sự tin cậy cao giữa các nhà lãnh đạo cấp cao”, giáo sư Thayer dự đoán.

Ông chia sẻ rằng Tuyên bố chung hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, được đưa ra nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản vào tháng 12/2021, sẽ định hình mối quan hệ hai nước trong thời gian tới.

“Trong tương lai, Việt - Nhật sẽ ưu tiên phối hợp giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, phục hồi hậu đại dịch Covid-19, phát triển nguồn nhân lực và chuyển đổi năng lượng”, vị giáo sư nói. Theo ông, chính quyền Thủ tướng Kishida có khả năng sẽ tán thành những ưu tiên này và thực hiện trong thời gian tới.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: TTXVN.

Khi được hỏi về triển vọng mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong tương lai, giáo sư Miller nhận định: “Tôi nghĩ rằng nó có thể rất tươi sáng. Phần lớn phụ thuộc vào những gì Nhật Bản mong đợi từ Việt Nam và ngược lại. Nếu cả hai bên duy trì mối quan hệ thân thiện nhưng không thúc ép đối phương quá nhiều, mối quan hệ giữa hai nước sẽ rất tốt đẹp”.

“Trên thực tế, Việt Nam và Nhật Bản đều là những quốc gia độc lập, có lợi ích riêng và có mối quan tâm riêng. Tuy nhiên, cả hai cũng chung nhiều mối lo ngại và lợi ích", ông nhận định.

"Trong tương lai, Nhật Bản cần tôn trọng những lợi ích độc lập của Việt Nam, cũng như mong muốn không can thiệp vào xung đột Mỹ và Trung Quốc, đồng thời theo đuổi các cách thức khác để tăng cường sức mạnh cho Việt Nam, nhằm đảm bảo rằng nước này trở thành một tiếng nói mạnh mẽ trong khu vực”, ông nói thêm.

Theo ông Miller, trong thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản nên tập trung vào hai lĩnh vực chính là đầu tư thương mại và hợp tác an ninh trong khu vực.

“Việt Nam và Nhật Bản đã có hiệp định thương mại tự do riêng và một hiệp định chung qua ASEAN. Nhưng cần nâng lên cấp độ tiếp theo và thực sự thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước”, ông nói.

Về hợp tác an ninh, giáo sư Miller nhận định “ngay từ bây giờ Nhật Bản đang giúp Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải. Hai nước không nhất thiết phải trở thành đồng minh, nhưng xây dựng mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này cũng rất quan trọng”.

Vân Đinh - Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-viet-nhat-tin-cay-lan-nhau-tang-cuong-phat-trien-post1313437.html