Chuyên gia vũ khí phản đối việc cấm dùng súng trên phim trường

Các chuyên gia cho rằng sự thiếu hiểu biết và làm việc cẩu thả với súng mới gây ra tai nạn. Súng thật hoặc súng đạo cụ không có tội.

Theo Variety, sau sự cố Alec Baldwin vô tình bắn chết đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins, khiến đạo diễn Joel Souza bị thương trên phim trường Rust, Hollywood đã nổ ra những tranh cãi xung quanh việc sử dụng súng và đạn thật khi quay phim.

Eric Kripke - nhà sản xuất The Boys - nói trên Deadline: "Tôi thề sẽ loại bỏ việc sử dụng súng trong tất cả dự án tiếp theo". Đoàn phim The Rookie đang ghi hình cũng tuyên bố dùng đạo cụ thay thế Air Soft (loại súng hơi mô phỏng súng thật), thay vì súng thật.

Thậm chí, Dave Cortese - Thượng nghị sĩ bang California - chuẩn bị ban hành luật cấm dùng súng thật trong phim. Ngành giải trí có nguy cơ bị phạt nếu không tự nguyện thực hiện điều này - theo chia sẻ của Thống đốc bang New Mexico, Michelle Lujan Grisham.

Tuy nhiên, trả lời tờ Variety, nhóm nhà nghiên cứu điện ảnh và chuyên gia về vũ khí (hay còn gọi là armorer) không đồng tình quan điểm trên. Họ cho rằng giới làm phim đang đổ lỗi cho vũ khí, nhưng thực tế, vấn đề cốt lõi nằm ở con người.

"Đổ lỗi cho vũ khí là sai lầm"

"Tai nạn trên phim trường Rust là hậu quả của việc coi thường biện pháp an toàn và không thuê đội ngũ chuyên gia vũ khí đã qua đào tạo bài bản", một bậc thầy về vũ khí nói.

Trong tuyên bố ngày 26/10, nhóm các chuyên gia vũ khí gửi lời chia buồn đến gia đình và bạn bè của đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins. Với tư cách là những người đủ chuyên môn, nhóm nói rằng: “Sự an toàn của diễn viên và thành viên đoàn phim là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”. Đồng thời, họ cung cấp thống kê số ca tử vong do súng đạn gây ra trên phim trường.

Từ năm 1984, hồ sơ của ngành xác nhận có tổng cộng 3 trường hợp tử vong vì trúng đạn khi quay phim. Trong số đó, theo ghi nhận, có 2 diễn viên (làm việc ngoài bang California) cùng các nhân viên không có kinh nghiệm dùng súng.

"Jon-Erik Hexum thiệt mạng năm 1984 do xem nhẹ việc sử dụng súng. Lý Quốc Hào (con trai huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long) cũng tương tự. Từ đó đến nay, ngoài vụ của Halyna Hutchins thì không ghi nhận trường hợp tử vong nào ở Mỹ hoặc Canada", nhóm chuyên gia vũ khí nói.

Tai nạn khi dùng súng của Jon-Erik Hexum và Lý Quốc Hào được nhắc lại sau vụ việc trên phim trường Rust. Ảnh: People.

Tai nạn khi dùng súng của Jon-Erik Hexum và Lý Quốc Hào được nhắc lại sau vụ việc trên phim trường Rust. Ảnh: People.

Dùng súng trên phim trường rất nguy hiểm, nhưng tỷ lệ tử vong cực kỳ nhỏ. Do vậy, nhóm cho rằng nếu đổ lỗi hoàn toàn cho vũ khí là sai lầm. Rủi ro hay không cần phải xem xét ở tính chuyên môn, trình độ và kỹ năng của người được thuê quản lý súng.

Trao đổi trên Variety, nhóm nhìn nhận sự kiện 60.000 nhân viên IATSE dự định đình công giữa tháng 10 và vụ tai nạn trên phim trường Rust chính là hậu quả của cùng một vấn đề trong toàn ngành.

Nhóm cho biết: "Nhân viên đang làm việc quá sức, không được đào tạo và thiếu sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều hãng phim không trả lương xứng đáng với công sức mà nhân viên bỏ ra".

"Cấm dùng súng thật trên phim trường là thiếu hiểu biết về ngành"

Theo lời khai ngày 27/10, nhân viên đạo cụ Hannah Gutierrez-Reed - người chuẩn bị súng cho Alec Baldwin - nói đạn thật không xuất hiện ở trường quay Rust. Nhưng Cảnh sát trưởng Adan Mendoza nói ngoài viên đạn đã giết chết Hutchins và làm Souza bị thương, họ còn thu được 500 viên đạn thật giả lẫn lộn.

Trợ lý đạo diễn David Halls cũng thừa nhận đã không kiểm tra súng trước khi đưa cho Baldwin. Hiện, người đàn ông tai tiếng này đang hứng chịu sự phẫn nộ của giới điện ảnh.

Theo Variety, nhóm chuyên gia vũ khí tin Hollywood hoàn toàn có thể ngăn được tai nạn. Vấn đề cốt lõi ở đây là nhà sản xuất phải chấp nhận rót tiền nhiều hơn để thuê người có năng lực, kinh nghiệm, tuân thủ các quy trình an toàn súng.

Với lập luận này, Rust lần nữa được mang ra làm ví dụ cho thấy lỗ hổng từ chính nhà sản xuất. Tính tổng cộng phim Rust được điều hành bởi 10 nhà sản xuất, nhưng tất cả đều không chủ động liên hệ với Văn phòng Biện lý New Mexico để trình bày sự cố của Alec Baldwin. Hơn nữa, họ cũng không khai ai mới là người đứng ra thuê đội ngũ quản lý vũ khí rởm.

 Allen Cheney (áo vest) - nhà sản xuất tai tiếng của bộ phim Rust. Ảnh: Rust Wire.

Allen Cheney (áo vest) - nhà sản xuất tai tiếng của bộ phim Rust. Ảnh: Rust Wire.

Ryan Smith và Allen Cheney - hai trong số các nhà sản xuất của phim - từng bị tố còn non trẻ, thiếu kiến thức trong ngành. Họ từng bị nhà đầu tư kiện vì biển thủ hơn 40.000 USD trong dự án năm 2017.

Dựa trên lý lẽ được đưa ra, chuyên gia vũ khí cho rằng thay vì cấm súng vì lo ngại rủi ro, các cơ quan ban ngành cần lưu ý đến bộ phận lãnh đạo của đoàn phim. Và hơn hết, nhân viên phụ trách vũ khí cần kiểm tra chính xác, tuân thủ tất cả quy trình an toàn được nêu trong bộ quy tắc.

“Không gì thay thế được độ chân thực mà một khẩu súng mang lại trong dự án điện ảnh hoặc truyền hình, dưới sự giám sát của bậc thầy vũ khí. Sau thảm kịch Rust, nhiều lời kêu gọi loại bỏ súng, thay thế bằng nhiều phương án khác. Chúng tôi cho rằng kiểu phản ứng đó là thiếu hiểu biết về ngành. Các bạn có biết Hollywood phải mất đến hàng thập kỷ để tạo ra tiếng súng nổ sao cho chân thực nhất bằng mô phỏng máy tính hay không?", chuyên gia vũ khí nói.

Cuối bài phỏng vấn trên Variety, nhóm chuyên gia lần nữa nhấn mạnh nếu một dự án đảm bảo được tính an toàn trên phim trường, chắc chắn họ không yêu cầu thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh.

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-vu-khi-phan-doi-viec-cam-dung-sung-tren-phim-truong-post1273929.html