Chuyên gia WHO đến Trung Quốc điều tra COVID-19
Giới khoa học xem chuyến công tác của nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là cơ hội để đưa những thông tin liên quan đến nguồn gốc COVID-19 chưa được công khai ra ánh sáng.
Hai nhân viên WHO - một nhà dịch tễ học, một chuyên gia y tế động vật (danh tính được giữ kín) cuối tuần trước đến Trung Quốc gặp các quan chức Ủy ban Y tế quốc gia và Bộ Khoa học - Công nghệ. Họ đến trước để chuẩn bị cho một đội ngũ quốc tế sang điều tra.
Theo giới khoa học, Trung Quốc công bố quá ít thông tin. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Daniel Lucey thuộc Đại học Georgetown chỉ ra một điểm: “Họ không cho biết đã lấy mẫu hay xét nghiệm loài vật nào, lấy mẫu hầu họng, mẫu trên da hay mẫu máu”.
Vi rút tìm thấy ở Vũ Hán được cho bắt nguồn từ động vật, có thể là dơi, nhưng đến nay đường lây sang người vẫn chưa rõ. Một số giả thuyết thì xác định vi rút từ dơi truyền qua một động vật hoang dã trung gian bị buôn bán rồi mới lây sang người.
Vào tháng 5, Chủ nhiệm Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc tuyên bố các mẫu động vật lấy tại chợ hải sản Hoa Nam đều âm tính, qua đó bác bỏ nghi vấn đây là nơi đầu tiên vi rút xuất hiện. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng mẫu động vật có khả năng bị hư hại do cơ quan chức năng địa phương tiến hành vệ sinh khu chợ sau lúc dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ.
Nhà dịch tễ học Dirk Pfeiffe thuộc Đại học Hồng Kông nhận định quá trình thu thập mẫu dù sai thì cũng có giá trị cho biết: “Với mỗi lần bùng phát dịch bệnh, luôn có một báo cáo ghi rõ công tác đã thực hiện, sai sót và kết luận. Gặp gỡ trực tiếp giữa chuyên gia quốc tế với chuyên gia Trung Quốc tạo điều kiện trao đổi về những nghiên cứu của phía Trung Quốc, ngoài thông tin đã công khai”.
Chuyên gia Lucey còn quan tâm đến thông tin về trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) từng dẫn nguồn tin không chính thức tiết lộ từ tháng 11.2019 đã có ca nhiễm, sớm hơn thời điểm công bố dịch.
Nếu được cung cấp, thông tin về trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên sẽ giúp ích lớn cho việc truy tìm “bệnh nhân số 0”.
Ngoài ra, giới khoa học cũng cần thêm dữ liệu để bác bỏ giả thuyết vi rút gây COVID-19 là sản phẩm nhân tạo lọt từ Viện Vi rút học ở Vũ Hán. Chuyên gia y tế Chung Nam Sơn - người phụ trách chống dịch tại Trung Quốc, từng khẳng định cơ quan chức năng chẳng phát hiện điều gì bất thường ở phòng thí nghiệm này.
Cẩm Bình (theo SCMP)