Chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình: Xây dựng văn hóa giao thông văn minh, bền vững

Theo chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, muốn giảm thiểu vi phạm giao thông trong học sinh cần chuyển hóa hành vi tham gia giao thông trở thành văn hóa. Một khi thành văn hóa thì mọi người thực hiện nó không bởi sự bắt buộc mà giống như một niềm vui, giống như một lẽ tự nhiên.

PV: Thưa ông, học sinh vi phạm giao thông vẫn là “bài toán” đang cần lời giải của ngành Giáo dục, của xã hội. Để xảy ra tình trạng này có những nguyên nhân sâu xa gì?

PGS.TS Trịnh Hòa Bình.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình.

PGS.TS TRỊNH HÒA BÌNH: Thời gian vừa qua, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh các cấp, được đánh giá là đang tăng lên đáng kể. Có thể nói đây là thực tiễn rất đáng lo ngại. Sở dĩ có tình trạng này, nguyên nhân chắc chắn vẫn là ở khâu ý thức tham gia chấp hành giao thông của chính các học sinh. Ý thức đó được kết hợp, hình thành, tồn tại trong nhận thức, trong suy nghĩ, trong tình cảm, trong hành xử của các học sinh hàng ngày. Tức là nhận thức về việc làm này chưa trở thành kỹ năng, ý thức mang tính chất thường xuyên của các em.

Tôi nói như vậy bởi vì thực ra trong nhà trường phổ thông không phải không chú ý đến vấn đề giáo dục hoặc đề cập đến câu chuyện đó. Các nhà trường vẫn nhắc đến trong các giờ sinh hoạt, giáo dục công dân, đạo đức, hay các giờ ngoại khóa khác.

Thứ hai là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Chúng ta thấy rằng, một bộ phận học sinh chưa đủ điều kiện về mặt tâm lý, lứa tuổi, thể chất để có thể điều khiển xe máy, nhưng cha mẹ vẫn giao xe cho con đi. Hoặc nếu không giao, các em tìm cách nào đó để cha mẹ không kiểm soát được...

Thứ ba, dẫu nhà trường đã rất nghiêm trong việc kiểm soát học sinh sử dụng điện thoại di động hay đi xe máy không đúng lứa tuổi, nhưng không phải ở trường nào cũng làm được chuyện đó. Điều này chưa được thực hiện một cách thường nhật, xuyên suốt và đồng bộ. Cũng như biến nó thành một sinh hoạt thường ngày.

Tôi không thấy có nguyên nhân từ phía cơ quan chấp pháp, các lực lượng chức năng. Bởi lẽ không có chuyện nương tay, giảm nhẹ cho vi phạm của học sinh. Thời gian vừa rồi, hoạt động nổi lên rất mạnh mẽ, thường xuyên liên tục, đó là câu chuyện kiểm tra nồng độ cồn, nhưng việc này dường như không dành cho trẻ vị thành niên.

Vậy nên nguyên nhân hàng đầu vẫn nằm ở ý thức thường xuyên liên tục, bền vững hay không trong nhận thức học sinh, chứ không phải chỉ là chuyện vận động mang tính chất kỳ dị.

Có ý kiến cho rằng, muốn xây ý thức văn hóa và ý thức văn hóa giao thông thì phải bắt đầu từ chính mỗi gia đình. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào? Thực tế có rất nhiều bậc phụ huynh chở con em mình vừa vi phạm giao thông, lại văng tục, chửi bậy, hoặc xô xát với người khác trong khi tham gia giao thông. Những hành động, lời nói này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các em, thưa ông?

- Chính tôi đã từng nói về vấn đề này. Trong rất nhiều trường hợp, các bậc phụ huynh chở con đằng sau nhưng lại vi phạm Luật Giao thông. Lúc này, chính đứa trẻ còn nhắc.

Một số đáng kể các em còn cảm thấy xấu hổ với bạn bè vì phụ huynh vi phạm giao thông. Hình ảnh phụ huynh chở con đi vào đường ngược chiều, không chấp hành luật giao thông... cũng là tấm gương xấu cho trẻ em.

Hình ảnh phụ huynh chở con đi vào đường ngược chiều, không chấp hành luật giao thông... cũng là tấm gương xấu cho trẻ em.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình

Trong những trường hợp xô xát, va chạm nhẹ hay bị lực lượng chức năng nhắc nhở thì thái độ không đàng hoàng, đứng đắn, chuẩn mực của các bậc phụ huynh khi đưa con đi học bằng phương tiện của mình cũng nêu gương xấu. Trong một môi trường, bối cảnh giáo dục như vậy trẻ em cũng bị ảnh hưởng, noi theo. Bởi giáo dục hiện nay vẫn là giáo dục nêu gương. Học trò có những hình ảnh, những thần tượng để noi theo như thầy cô giáo, bố mẹ, người nổi tiếng...

Cho nên chúng ta cần nhắc nhở đến các hành vi tham gia giao thông của những người này. Ví dụ rõ nhất gần đây là câu chuyện người mẫu Ngọc Trinh bị đưa ra xét xử, ngoài gây rối trật tự cũng liên quan đến cả vi phạm an toàn giao thông.

Về phía các Sở GDĐT, các nhà trường, được biết cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền. Tuy nhiên, có vẻ như vẫn chưa đủ, hoặc chưa được thực hiện nghiêm. Theo ông, cần có những việc làm cụ thể gì để thực trạng vi phạm giao thông, tai nạn giao thông trong học sinh thật sự được kéo giảm?

- Rõ ràng Luật Giao thông đã có những yêu cầu về độ tuổi, cách thức chấp hành giao thông... Nếu ở các địa phương, nhà trường mà chưa thực hiện tốt thì đó là thực hiện chưa nghiêm. Nhưng ở đây, tôi muốn nhấn mạnh việc triển khai thực hiện, việc giáo dục về hành vi tham gia giao thông phải thường xuyên liên tục, trở thành một nề nếp, trở thành bình thường chứ không phải gồng mình lên để làm cho kỳ dị.

Và tất cả những thứ gồng mình lên để làm theo kiểu kỳ dị, theo kiểu từng chiến dịch, mang tính phong trào thì không thể bền vững. Tôi muốn câu chuyện giáo dục đó phải đạt được đến độ bền vững. Để trở thành kỹ năng, trở thành lối ứng xử một cách thường xuyên của học sinh.

Ở đây chúng ta bàn câu chuyện phải chuyển hóa nó thành văn hóa. Một khi thành văn hóa thì mọi người sẽ thực hiện nó không bởi sự bắt buộc mà giống như một niềm vui, giống như một lẽ tự nhiên. Muốn đạt tới điều này, rõ ràng phải thường xuyên liên tục, chứ không phải câu chuyện phạt mạnh hay nhẹ. Bởi tất cả các hình phạt sinh ra không phải để cố đạt đến chỉ số phạt làm sao được nhiều tiền nhất, phạt sao được nhiều người nhất. Hình phạt đặt ra để người ta không vi phạm nữa.

Điều này tôi nghĩ không dễ gì có ngay được. Nhưng rõ ràng, đích của chúng ta là phải đạt đến câu chuyện đó!

Trân trọng cảm ơn ông!

HUYỀN TRANG (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-gia-xa-hoi-hoc-pgs-ts-trinh-hoa-binh-xay-dung-van-hoa-giao-thong-van-minh-ben-vung-10274427.html