Chuyên gia y tế hiến kế để Hà Nội làm tốt công tác kiểm soát giấy đi đường

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Hà Nội đã siết chặt hơn việc cấp, sử dụng giấy đi đường. PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, Hà Nội nên kiểm soát tại các 'ngõ nhỏ, phố nhỏ' và đẩy mạnh kiểm soát lưu động trên đường phố.

Ngày đầu tiên Hà Nội áp dụng việc siết chặt kiểm soát giấy đi đường đã khiến hàng loạt chốt kiểm soát bị ùn ứ, đông đúc. Đồng thời không ít người dân cảm thấy lúng túng khi không kịp chuẩn bị các giấy tờ theo yêu cầu của UBND TP. Hà Nội.

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), anh Trần Văn Nam – trú tại quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: "Hà Nội ra văn bản quá gấp nên bản thân tôi cũng như nhiều người không thể chuẩn bị đúng theo yêu cầu. Trong buổi sáng nay (9/8), cán bộ trực chốt vẫn linh động cho di chuyển qua để đến cơ quan làm việc nhưng bản thân tôi thấy thực sự không an toàn khi dòng xe máy xếp hàng dài để chờ qua".

PGS.TS Trần Đắc Phu. Ảnh: Trần Minh

Trước vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội đưa ra phương án siết chặt kiểm soát giấy đi đường do đợt giãn cách xã hội 14 ngày đầu người dân vẫn đi lại nhiều, đường phố vẫn đông. Từ đó, xuất hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao. Chính vì vậy, trong lần giãn cách xã hội lần thứ 2, Hà Nội muốn hạn chế, kiểm soát chặt hơn nữa người dân ra đường khi không thật cần thiết nên đã ban hành những quy định trên.

"Hạn chế người dân ra đường là điều cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, việc kiểm soát chặt tại các chốt đã khiến nhiều người lo ngại về vấn đề đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay. Theo PGS Trần Đắc Phu, Hà Nội cần có cách làm thế nào cho phù hợp để vừa hạn chế người ra đường vừa hạn chế các nguy cơ lây lan.

"Theo tôi, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Nhưng, cá nhân tôi muốn Hà Nội nên kiểm soát các "ngõ nhỏ, xóm nhỏ". Thực tế, hiện nay Hà Nội thực hiện tốt mô hình "vùng xanh an toàn" do nhiều lực lượng tự quản. Tại đây, lực lượng chức năng kiểm soát người ra/vào, kiểm soát người lạ để bảo vệ vùng an toàn. Những người tự quản có thể đã biết cư dân ở đó nên chỉ phải lưu ý người lạ vào. Riêng với lưu thông ở đường lớn Hà Nội nên bố trí các đội kiểm soát, xử lý lưu động để kiểm tra, xử phạt những người dân vi phạm quy định và cũng để răn đe những ai vi phạm", PGS.TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến.

PGS.TS Trần Đắc Phu hi vọng, từ ngày 10/8 trở đi người dân chấp hành đúng quy định, hạn chế ra đường khi không thật cần thiết để cùng chung tay với thành phố trong việc khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19.

Chuyên gia của Bộ Y tế hi vọng từ ngày 10/8, người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.

Chuyên gia của Bộ Y tế hi vọng từ ngày 10/8, người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết.

Ngày 8/8, UBND TP. Hà Nội ra thông báo về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố.

UBND TP. Hà Nội cũng nêu rõ, thời gian qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt nhưng vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng; Có một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua.

Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch UBND thành phố về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn đến 6h ngày 23/8; siết chặt công tác cấp và sử dụng giấy đi đường, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND thành phố đề nghị: Về mẫu giấy đi đường: Theo mẫu đã được ban hành kèm theo Công văn số 2434/UBND-KT ngày 29/7của UBND thành phố. Người đi đường xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//chuyen-gia-y-te-hien-ke-de-ha-noi-lam-tot-cong-tac-kiem-soat-giay-di-duong-169210809185418815.htm