Chuyên gia y tế Malaysia lưu ý về cách phát hiện và điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Theo các chuyên gia y tế Malaysia, mặc dù bệnh đậu mùa khỉ (mpox) và bệnh COVID-19 đều do virus gây ra nhưng về cơ bản hai dịch bệnh này khác nhau về nguồn gốc, triệu chứng, phương thức lây truyền và phương pháp điều trị, đồng thời cũng có các biểu hiện lâm sàng riêng biệt.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân tại Chicago, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân tại Chicago, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, người dân không cần quá lo lắng hoặc hoảng sợ về bệnh đậu mùa khỉ vì virus gây bệnh này không lây truyền qua đường không khí như virus SARS-CoV-2, do đó nguy cơ lây truyền rộng rãi thấp hơn virus gây bệnh COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Giáo sư Rafdzah Ahmad Zaki, Tiến sĩ Lim Say Hiang và Tiến sĩ Lim Yin Cheng, khoa Y học xã hội và phòng ngừa dịch bệnh của Đại học Malaya, cho biết thời gian ủ bệnh của mpox là từ 3-17 ngày và các triệu chứng bắt đầu từ 5-21 ngày sau khi bị nhiễm virus với các triệu chứng phổ biến như sốt, nhức đầu, đau họng, đau nhức cơ, sưng hạch bạch huyết và phát ban với mụn nước trên mặt, tay, chân, cơ thể, mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục.

Theo ba chuyên gia nói trên, khi thế giới đang đối phó với nhiều bệnh truyền nhiễm hiện có và mới xuất hiện, điều quan trọng là người dân phải phân biệt và hiểu được cách lây truyền, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa.

Các chuyên gia cho biết mpox có hai phân nhóm: clade 1 và clade 2. Trong đó, clade 1 được biết đến là nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Chủng đột biến mới của clade 1 là clade 1b dường như lây lan chủ yếu qua đường tình dục và đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể ở CHDC Congo vào năm 2023.

Đề cập đến triệu chứng, các chuyên gia cho biết, những người mắc bệnh mpox có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm trùng da do vi khuẩn, viêm phổi, mất thị lực và mất nước nghiêm trọng hoặc suy dinh dưỡng do các triệu chứng đường tiêu hóa. Các biến chứng tiềm ẩn khác như nhiễm trùng huyết, viêm não, tim, trực tràng, cơ quan sinh dục hoặc đường tiết niệu, thậm chí tử vong. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong do mpox cao hơn.

Lưu ý đến các phương thức lây truyền, các chuyên gia cho rằng, mpox và COVID-19 cũng khác nhau đáng kể về phương thức lây truyền. Trước đợt bùng phát mpox năm 2022, phương pháp phổ biến nhất là tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh thông qua vết cắn, vết cào hoặc bằng cách chế biến/ăn thịt hoặc sử dụng các sản phẩm từ động vật bị nhiễm bệnh.

Trước đây, việc lây truyền từ người sang người rất hiếm. Tuy nhiên, sau đợt bùng phát năm 2022, mpox dường như lây lan qua tiếp xúc gần hoặc dịch cơ thể có khả năng lây nhiễm. Virus của bệnh này cũng có thể lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp trong thời gian tiếp xúc trực tiếp kéo dài hoặc trong quá trình tiếp xúc cơ thể.

So với mpox, COVID-19 lây lan nhanh hơn vì nó lây truyền qua đường hô hấp khi người bị nhiễm ho, hắt hơi, nói chuyện hoặc thở. Virus cũng có thể lây lan khi chạm vào các bề mặt bị nhiễm virus rồi chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi hoặc miệng.

Mpox có khả năng lây nhiễm từ khi xuất hiện triệu chứng cho đến khi tất cả các tổn thương lành lại, vảy bong ra và lớp da mới hình thành. Thời gian lây nhiễm có thể kéo dài từ 2-4 tuần, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và quá trình lành bệnh. Các biện pháp phòng ngừa mpox bao gồm tránh tiếp xúc với cá thể bị nhiễm bệnh và động vật hoang dã. Hiện tại đã có vaccine phòng ngừa mpox, chẳng hạn như vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ của hãng Bavarian Nordic.

Phương pháp điều trị mpox chủ yếu là hỗ trợ, tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các loại thuốc kháng virus như cidofovir và tecovirimat có thể được sử dụng để điều trị mpox.

Ngược lại, phương pháp điều trị COVID -19 khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các trường hợp nhẹ có thể cần nghỉ ngơi, bù nước và dùng thuốc không kê đơn để giảm triệu chứng. Các trường hợp từ trung bình đến nặng cần nhập viện. Các loại thuốc kháng virus như Paxlovid ở Malaysia hiện có sẵn và có thể được kê đơn nếu cần thiết.

Hằng Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-gia-y-te-malaysia-luu-y-ve-cach-phat-hien-va-dieu-tri-benh-dau-mua-khi-20240828071209515.htm