Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân
Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn đã làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông, giúp nông dân sản xuất hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp ở địa phương.
Thị trấn Hát Lót hiện là vùng trồng na nhiều nhất huyện Mai Sơn với trên 90 ha và khoảng 350 hộ trồng. Gần 20 năm gắn bó với cây na, các hộ trồng na ở thị trấn đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng hành với nông dân, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã tích cực chuyển giao kỹ thuật giải pháp điều chỉnh rải vụ, vị trí ra hoa, đậu quả, thụ phấn nhân tạo cho cây na.
Từ mô hình điểm đầu tiên tại thị trấn Hát Lót, nông dân đã đến tham quan, học tập và nhân rộng tới các xã lân cận như Cò Nòi, Nà Bó... Kỹ thuật rải vụ na được áp dụng với cả na dai giống địa phương và na Hoàng hậu, na Thái mới du nhập những năm gần đây. Bằng can thiệp kéo dài thời gian cho thu hoạch quả, cho đậu quả từ thân đã nâng cao năng suất, chất lượng quả đối với na giống địa phương trọng lượng 0,3-0,5kg/quả, với các giống na Thái, na Hoàng hậu trọng lượng từ 0,5-1kg/quả, vì thế giá bán cao hơn nhiều so với na giống địa phương chăm sóc truyền thống, mức thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha na, gấp nhiều lần so với trước đây.
Còn mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ tại các xã Mường Chanh, Chiềng Mung, Chiềng Mai và Chiềng Dong do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của huyện đã giúp lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn so với trước. Ông Hà Văn Hè, bản Len, xã Mường Chanh, chia sẻ: Chúng tôi được tiếp cận việc cấy lúa theo phương pháp SRI, biết cách phân biệt bệnh hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; thực hiện ủ phân bón hữu cơ từ các phế phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương... Hiệu quả rõ rệt là cải tạo đất, cải thiện năng suất cây trồng, sản xuất mới bền vững, bảo vệ môi trường.
Chỉ riêng trong năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn đã tổ chức, phối hợp với các đơn vị, dự án, các Trung tâm học tập cộng đồng tổ chức được trên 800 cuộc tư vấn hướng dẫn, tập huấn, hội thảo cho gần 17.500 lượt nông dân với các nội dung, như: Kỹ thuật ủ phân vi sinh, cải tạo vườn tạp, cắt tỉa cà phê, chăm sóc xoài, nhãn giai đoạn ra hoa, đậu quả; hướng dẫn kỹ thuật làm mạ chiêm xuân; kỹ thuật cấy, chăm sóc giống lúa mới, cấy lúa theo phương pháp SRI; phòng chống đói rét kết hợp vệ sinh môi trường cho gia súc, phòng chống đói rét cho trâu bò...
Xây dựng và duy trì các câu lạc bộ khuyến nông ở cơ sở, qua sinh hoạt câu lạc bộ lồng ghép tuyên truyền, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Trong năm, xây dựng 81 mô hình trồng trọt, chăn nuôi tự nguyện với 152 hộ thực hiện tại 8 xã. Đồng thời, tích cực tham gia vào Mô hình nông lâm kết hợp tại xã Cò Nòi, Hát Lót; Dự án “Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam” tại xã Chiềng Chung, Chiềng Chăn... Cung ứng hơn 2,3 tấn thóc giống; hơn 47.140 con gà, vịt giống; trên 900 gói men ủ cỏ, men vi sinh hoạt tính, men ủ phân hữu cơ (EMUNIV), thuốc khử trùng ao, gói thuốc úm gà, thuốc bảo vệ thực vật và gần 33 tấn phân viên nén nhả chậm, phân vi sinh, cho nông dân các xã.
Trung tâm đã phối hợp tốt với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động thực hiện xã hội hóa tiêm phòng viêm da nổi cục ở trâu, bò, tạo hệ miễn dịch cộng đồng. Đến nay, toàn huyện đã tiêm 30.250 liều vắc xin viêm da nổi cục, đạt 76,57% so với tổng số trâu, bò của toàn huyện. Đồng thời, Trung tâm kịp thời tiếp nhận, điều tiết vắc xin phòng bệnh và dung dịch thuốc phun chống các dịch bệnh động vật khác kịp thời, nhanh chóng.
Ông Vũ Văn Hường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, bày tỏ: Niềm vui của kỹ sư, cán bộ Trung tâm là giúp nông dân biết áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc đàn vật nuôi đúng cách, đem lại hoa thơm, trái ngọt, đàn gia súc, gia cầm không ngừng phát triển phù hợp với từng vùng, địa phương.
Nông nghiệp Mai Sơn ngày càng được biết đến nhiều hơn qua những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với những tỷ phú nông dân trên đất dốc. Những thành tựu nông nghiệp đạt được có những góp sức không nhỏ của cán bộ, kỹ sư Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân tạo những nhân tố mới giúp nông nghiệp Mai Sơn phát triển bền vững, hiệu quả.