Chuyển giao quyền yêu cầu trả nợ trước khi giải thể – giải pháp thiết thực

Tình trạng giải thể doanh nghiệp gần đây đã gia tăng khó cưỡng được. Chuyện trả nợ và thu hồi nợ ra sao trước khi giải thể được các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài có công ty con tại Việt Nam quan tâm. Bên cạnh việc chuẩn bị khởi kiện theo thủ tục thông thường hoặc yêu cầu mở thủ tục phá sản thì quy định về chuyển giao quyền yêu cầu cũng là một quy định rất có ý nghĩa cho doanh nghiệp, tạo thêm giải pháp cho quyền yêu cầu trả nợ trước khi chấm dứt giải thể.

Trong bối cảnh khủng hoảng chung của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khá sâu. Gần đây, số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn dẫn đến phải quyết định giải thể doanh nghiệp tăng đáng kể so với năm trước. Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (https://dangkykinhdoanh.gov.vn), trong tháng 9 vừa qua, cả nước có 5.273 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này trong tháng 10 là 4.898, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2022 và sang tháng 11 có 6.598 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2022, 1443 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện có khá nhiều lãnh đạo công ty mẹ ở nước ngoài quan tâm nhiều về thủ tục giải thể các công ty con của họ tại Việt Nam cũng như có nhiều mối băn khoăn về vấn đề giải quyết các khoản nợ trước khi thực hiện giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Phải giải quyết hết các nghĩa vụ trước khi giải thể

Pháp luật doanh nghiệp quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài(1). Các khoản nợ của doanh nghiệp đối với người lao động, đối tác, nhà nước và các chủ thể khác (nếu có) cần được hoàn tất việc thanh toán trước khi giải thể, gồm (i) các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết, (ii) nợ thuế, (iii) các khoản nợ khác.

Giải thể xuất phát từ ý chí quyết định đơn phương của doanh nghiệp thì trong chính quyết định giải thể doanh nghiệp phải có nội dung về thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi cho cơ quan quản lý doanh nghiệp nghị quyết, quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Như vậy, doanh nghiệp phải giải quyết xong các khoản nợ của mình trước khi giải thể doanh nghiệp thì mới được coi là chấm dứt hoạt động hay rút lui khỏi thị trường một cách hợp pháp.

Doanh nghiệp có phải thực hiện hết các quyền trước khi giải thể hay không?

Trong khi pháp luật doanh nghiệp yêu cầu doanh nghiệp phải trả hết nợ của mình trước khi giải thể thì lại không đề cập đến việc doanh nghiệp có cần phải thu hồi hết khoản nợ từ đối tác mới được giải thể hay không? Liệu có cách giải quyết các khoản nợ trước khi giải thể không?

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp cũng do bị các khách hàng mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ nhưng không trả tiền hoặc chiếm dụng vốn trong thời gian dài khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và mất hết tiềm lực để tiếp tục trên thương trường, theo đó, phải quyết định giải thể trong khi chưa thu hồi hết các khoản nợ từ các khách hàng. Những doanh nghiệp này quan tâm giải pháp giải quyết khoản tiền của họ trước khi giải thể.

Thông thường, doanh nghiệp giải quyết thu hồi các khoản nợ tiền hàng/phí dịch vụ thông qua thương lượng, nếu không thành công thì sẽ tiến hành quy trình khởi kiện và yêu cầu thi hành án hoặc nếu có cơ sở yêu cầu mở thủ tục phá sản thì áp dụng quy trình yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với bên nợ để tìm kiếm cơ hội thu hồi các khoản nợ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài thì không thỏa mãn điều kiện để được giải thể. Thực tế, quy trình giải quyết tranh chấp thường mất nhiều thời gian có khi kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Đứng trước thế khó của việc giải quyết nợ, có doanh nghiệp đã từ bỏ quyền yêu cầu trả nợ để tiến hành thủ tục giải thể. Song cũng có thể tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề bằng cách áp dụng quy định về chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo Bộ luật Dân sự 2015.

Chuyển giao quyền yêu cầu trả nợ

Bộ luật Dân sự 2015(2) cho phép bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền theo thỏa thuận (trừ một số ít trường hợp hạn chế như quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín; bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu). Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

Với sự cho phép của pháp luật, doanh nghiệp có quyền yêu cầu (doanh nghiệp muốn giải thể) có thể cân nhắc xác lập thỏa thuận ba bên giữa doanh nghiệp có quyền yêu cầu, bên thế quyền và bên có nghĩa vụ, trong đó các bên thỏa thuận và thống nhất về vấn đề chuyển giao quyền yêu cầu.

Ví dụ, công ty A đang có khoản nợ tiền hàng mà công ty C chưa trả. Công ty A trước khi giải thể muốn chuyển giao quyền yêu cầu trả nợ này cho công ty B để cấn trừ một khoản công nợ tiền hàng khác mà công ty A nợ công ty B. Theo đó, ba công ty A, B, C cùng ký thỏa thuận ba bên để cấn trừ công nợ.

Tất nhiên, các bên lưu ý bên cạnh mục đích chuyển giao quyền yêu cầu không được vi phạm điều cấm của luật, đạo đức xã hội thì các bên cần đáp ứng các điều kiện về chủ thể giao kết đúng thẩm quyền, ý chí tự nguyện giữa các bên để tránh tranh chấp có thể xảy ra. Nếu có sự đồng thuận của bên nợ như ví dụ nêu trên thì thực sự là một sự thuận lợi cho các bên. Song có trường hợp bên nợ không hợp tác thì doanh nghiệp vẫn có quyền chuyển giao quyền yêu cầu cho bên thế quyền theo thỏa thuận.

Tuy nhiên, để đảm bảo rằng khi doanh nghiệp đã giải thể nhưng bên được thế quyền vẫn có thể thực hiện quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng/phí dịch vụ được chuyển giao trước đó thì doanh nghiệp chuyển giao quyền và bên thế quyền cần lưu ý rằng, mặc dù việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ nhưng bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu.

Việc thông báo này rất quan trọng bởi pháp luật cho phép bên có nghĩa vụ từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với bên thế quyền nếu rơi vào các trường hợp(3): (i) trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu và người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với bên thế quyền, hoặc (ii) trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với bên chuyển giao quyền yêu cầu thì bên thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.

Nhìn chung, một khi doanh nghiệp quyết định giải thể, bên cạnh việc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ giải quyết nợ của doanh nghiệp đối với các chủ nợ thì doanh nghiệp cũng mong muốn dù họ có chấm dứt hoạt động của mình trên thị trường thì các quyền và lợi ích hợp pháp của họ vẫn được pháp luật bảo vệ bởi khi đó có bên thế quyền được thực hiện quyền yêu cầu giải quyết khoản nợ tồn đọng giữa các bên theo quy định của pháp luật.

(*) Công ty Luật TNHH ADK Vietnam Lawyers

(1) Khoản 2 điều 207 của Luật Doanh nghiệp 2020,

(2) Điều 365 của Bộ luật Dân sự 2015

(3) Điều 369 của Bộ luật Dân sự 2015

LS. Hồ Thị Trâm - Lê Nguyễn Hoàng Ly(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-giao-quyen-yeu-cau-tra-no-truoc-khi-giai-the-giai-phap-thiet-thuc/