Chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học vào đời sống

Với quyết tâm cao của các ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao kết quả sản phẩm nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT – XH nơi địa đầu cực Bắc.

Người dân xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) trồng cam Sành theo quy trình VietGap.

Người dân xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) trồng cam Sành theo quy trình VietGap.

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh tập trung vào các định hướng phát triển KT – XH, như: Phát triển hàng hóa thế mạnh về mật ong, bò Vàng, cam Sành, dược liệu; phát triển vùng nguyên liệu, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn truy xuất nguồn gốc, giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho vùng cao. Đến nay, có 48 đề tài, dự án cấp tỉnh được nghiệm thu công nhận và bàn giao kết quả, sản phẩm cho các đơn vị, địa phương ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có nhiều mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao, góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác, nâng cao thu nhập của người dân; lĩnh vực khoa học kỹ thuật công nghệ, chuyển giao hàng chục quy trình công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra một số sản phẩm từ nguyên liệu của địa phương, như Cao Atiso, cao Đương quy, cao Hà thủ ô, cao Mạnh gân hoạt cốt, bổ khí ích não, trà gừng Cao nguyên đá, mật ong Bạc hà, trà giảo cổ lam. Lĩnh vực y tế, nhiều kỹ thuật mới được chuyển giao, ứng dụng, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh, như kỹ thuật phẫu thuật thay khớp háng, kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối, xét nghiệm Genxpest chẩn đoán nhanh bệnh lao và kháng thuốc; lĩnh vực công nghệ thông tin tạo bước đột phá về chỉ số xếp hạng công nghệ thông tin của tỉnh, từng bước đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Sản phẩm cam Vàng Hà Giang được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm cam Vàng Hà Giang được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Từ các kết quả nghiên cứu, đến nay, có thêm 4 sản phẩm đặc sản của tỉnh được Bộ KH&CN cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý là cam Sành Hà Giang, gạo tẻ Già dui Xín Mần, chè Shan tuyết Hà Giang, bò Vàng Hà Giang; nâng tổng số chỉ dẫn địa lý của tỉnh lên 6 chỉ dẫn, là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ dẫn địa lý. Qua đó, các sản phẩm nông sản được nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần phục vụ Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); với việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm thế mạnh của tỉnh có mặt tại các siêu thị lớn trong nước, được nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kết quả ứng dụng, mở rộng các đề tài, dự án vào thực tiễn đời sống chưa theo kịp nhịp độ phát triển xã hội, hiệu quả của hoạt động chuyển giao tiến bộ KH&CN chưa cao; các doanh nghiệp ít quan tâm ứng dụng KH&CN và sản xuất; chưa có nhiều đề tài, dự án gắn kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông); việc huy động nguồn lực xã hội cho ứng dụng, mở rộng kết quả nghiên cứu vào sản xuất chưa nhiều…

Đồng chí Phan Đăng Đông, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Xác định vai trò, tầm quan trọng của KH&CN, tỉnh đã và đang huy động sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức xã hội để đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; bảo đảm các đề tài được đề xuất có địa chỉ ứng dụng cụ thể; khuyến khích hình thành các đề tài, dự án triển khai theo cơ chế khép kín từ khâu nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng đến đào tạo, chuyển giao công nghệ để nâng cao tính khoa học, tính khả thi của kết quả nghiên cứu. Xây dựng cơ chế hợp tác công tư, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu ươm tạo công nghệ, đổi mới công nghệ.

Về lâu dài, tỉnh xúc tiến thành lập một số cơ sở nghiên cứu KH&CN chuyên ngành, lĩnh vực; hình thành khu công nghệ cao nhằm phát huy nội lực của địa phương, doanh nghiệp gắn với việc đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN với các viện, trường Đại học, tổ chức nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, nhằm thu hút nguồn lực bên ngoài cho địa phương. Cùng đó là ưu tiên nghiên cứu chọn, tạo các giống cây, con chủ lực; đổi mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có; ưu tiên bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc. Áp dụng các thành tựu mới về KH&CN để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong các ngành, lĩnh vực...

Bài, ảnh: HẢI ĐĂNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202101/chuyen-giao-san-pham-nghien-cuu-khoa-hoc-vao-doi-song-770394/