Chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình: Làm gì để tiếp tục duy trì ngọn lửa kinh doanh?

Hơn 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước. Hiện thế hệ đầu tiên (F1) các doanh nhân Sao Đỏ, doanh nhân trẻ của thời kỳ mở rộng kinh tế những năm cuối thế kỷ trước đã đến lúc phải chuyên giao các thế hệ kế cận (F2,F3). Tuy nhiên, làm gì để chuyển giao thành công, tiếp tục duy trì ngọn lửa kinh doanh đang là một thách thức lớn của các doanh nghiệp gia đình Việt.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Vì vậy, với vai trò và sự đóng góp ngày một quan trọng đối với nền kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân nên câu chuyện chuyển giao thế hệ tại các doanh nghiệp là vấn đề lớn, giành nhiều sự quan tâm. Bởi thực tế, đây không đơn thuần là chuyển giao tài sản, mà là chuyển giao cả một sự nghiệp được xây dựng rất nhiều năm trời.

Thế hệ F1 của doanh nghiệp gia đình kỳ vọng truyền thống kinh doanh sẽ được kế thừa và bắt nhịp được với nhịp thở của kinh tế toàn cầu hóa hiện đại

Thế hệ F1 của doanh nghiệp gia đình kỳ vọng truyền thống kinh doanh sẽ được kế thừa và bắt nhịp được với nhịp thở của kinh tế toàn cầu hóa hiện đại

Tại tọa đàm đàm “Thế và thời của thế hệ nhận chuyển giao” do Alphanam Group phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam và Deloitte tổ chức mới đây, ông Phạm Đình Đoàn, Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam - thừa nhận, vẫn có nhiều thách thức trong quá trình chuyển giao giữa các thế hệ tại doanh nghiệp gia đình. Việc chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình là rất khó, dù hơn 80 – 90% doanh nghiệp ở thế giới và Việt Nam là doanh nghiệp gia đình.

Theo ông Đoàn, sự khác biệt lớn nhất là thế hệ của ông – thế hệ F1 – làm theo kinh nghiệm và quan hệ, trong khi thế hệ F2 tại Việt Nam hiện tại hầu hết đều được đào tạo từ nước ngoài. Sự cách biệt văn hóa, cách làm, kinh nghiệm là những điều cần được điều chỉnh, dung hòa để tạo ra tiếng nói chung, giúp cho doanh nghiệp gia đình phát huy từ những truyền thống được kế thừa và bắt nhịp được với nhịp thở của kinh tế toàn cầu hóa hiện đại. “Nhiều doanh nghiệp lớn không thành công trong chuyển giao là điều đáng buồn nhất. Với doanh nghiệp nhỏ lại càng khó, nên nếu không gặp gỡ giao lưu thì khó mà F1, F2 có cùng ngôn ngữ”- ông Đoàn nói.

Chuyển giao thế hệ là một quá trình, không phải là một thời điểm, vì vậy, ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ doanh nghiệp tư nhân của Deloitte Việt Nam chỉ ra rằng, thách thức lớn mà các doanh nghiệp gia đình gặp phải trong quá trình chuyển giao chính là việc dung hòa sự khác biệt trong hệ tư tưởng giữa thế hệ chuyển giao và thế hệ kế cận. Theo đó, để thành công chuyển giao cho thế hệ F2, những điều kiện cần chính là có thể chuyển giao được kiến thức và phương thức đào tạo; đào tạo được “tư duy ông chủ” như cách mà các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang thực hiện; đồng thời gia đình phải có kế hoạch chuyển giao từ sớm. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự giao tiếp chuyên nghiệp giữa các thế hệ trong gia đình, cũng như hệ thống quản trị gia đình và hệ thống quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp.

Còn ông Nguyễn Tuấn Hải - Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam - chia sẻ, sự định hướng tương lai vào năm 14 tuổi là rất quan trọng, định hình cả cuộc đời. Lấy ví dụ cụ thể, ông có trao đổi với con trai (Nguyễn Minh Nhật, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Alphanam E&C) rằng, hai mươi năm sau, quản trị tài chính chính là công cụ đắc lực nhất để quản trị doanh nghiệp, và khơi dậy sự hứng thú, đam mê ở con. Tuy nhiên, tất cả những sự chuẩn bị của gia đình cũng chỉ là tạo ra nền tảng, mà quan trọng nhất là cùng với quá trình rèn luyện và đào tạo từng bước, thế hệ F2 sẽ tìm ra đam mê và nghị lực của chính mình, nỗ lực thực hiện đam mê đó thì mới có thể thành công.

"Vấn đề của gia đình doanh nhân cũng chính là vấn đề của xã hội – vì Việt Nam mới bước vào kinh tế thị trường không lâu, doanh nghiệp Việt Nam tuy đóng vai trò là thành phần chính của nền kinh tế, nhưng sự non trẻ và thiếu kinh nghiệm trong việc xây dựng thế hệ kế cận là rất rõ ràng, so với các doanh nghiệp lâu đời trên thế giới, trải qua hàng chục, hàng trăm thế hệ"- là nhìn nhận của ông Trương Gia Bình Chủ tịch Tập đoàn FPT.

Theo ông Trương Gia Bình, một số vấn đề doanh nghiệp gia đình cần phải khai thác được khi đào tạo thế hệ doanh nhân F2 bao gồm: Đào tạo nên những người có đam mê, khát vọng, hoài bão, và đam mê đó phải xuất phát từ lúc còn nhỏ; một điều quan trọng không kém là phải có đủ “giờ bay” để nuôi dưỡng đam mê đó, cũng như việc phải tích lũy đủ kinh nghiệm sống để có thể thực hiện được công tác đào tạo con người. Sau cùng, ông Bình nhấn mạnh đó là quan hệ, ở bất kỳ thế hệ nào, cũng là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp - làm thế nào để có thể kết nối, được tin tưởng và được lắng nghe từ chính cộng đồng doanh nghiệp của mình.

Thế hệ F2 cũng nhận thức rõ sự kỳ vọng của F1, cũng như trách nhiệm của việc tham gia và gánh vác doanh nghiệp gia đình

Thế hệ F2 cũng nhận thức rõ sự kỳ vọng của F1, cũng như trách nhiệm của việc tham gia và gánh vác doanh nghiệp gia đình

Về phía thế hệ F2, với nền tảng, đầu tư của gia đình, họ đã nhận thức rõ sự kỳ vọng của F1, cũng như trách nhiệm của việc tham gia và gánh vác doanh nghiệp gia đình. Vì vậy, tại tọa đàm, họ đã rất cởi mở, thẳng thắn chia sẻ câu chuyện đi tìm kiếm những kiến thức, kinh nghiệm cuộc sống, tích lũy cho quá trình tiếp quản doanh nghiệp gia đình.

Mai Ngọc Hảo, con gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công ty Cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành Mai Hữu Tín, hiện đang quản lý Công ty Cổ phần Tầm Nhìn Xanh (Green View Shareholding Company), trực thuộc Unigroup đã chia sẻ về câu chuyện đi tìm sự cân bằng kiến thức về ngành khách sạn – du lịch, đặc biệt là ở mảng quản trị và làm việc với các đối tác quốc tế khi chị đảm nhận trách nhiệm phát triển khách sạn Fairfield by Marriott South Bình Dương.

Riêng với Vũ Thị Thu Quỳnh, con gái của doanh nhân Sao Đỏ Vũ Văn Tiền, hiện đang công tác tại ngân hàng An Bình với vị trí Chánh Văn phòng Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Phòng giao dịch tại Hà Nội, sau khi về nước, việc đầu tiên của Quỳnh là đi kiếm thầy để học, rồi đi thực tập tại nhiều phòng ban, trước khi quay về làm giám đốc chi nhánh như hiện tại. “F1 xây dựng doanh nghiệp do năng lực, trải qua nhiều khó khăn, còn F2 có điều kiện được học hành bài bản hơn nên có thể đóng góp từ những gì đã học được bằng cách sẵn sàng học hỏi, phản biện để mọi thứ win - win”- Quỳnh nói.

Ngoài những nỗ lực, cống hiến, để không chỉ mang danh những thế hệ ở vạch đích, Mai Ngọc Hảo - bày tỏ, khi làm việc, F2 cần sự công bằng, cần mọi người trong doanh nghiệp biết là F2 ngồi vào vị trí này là vì xứng đáng chứ không phải vì là con gái của ông chủ. “Thế hệ F2 cũng cần được F1 trao cho quyền tự quyết, có những phút giây ngồi tĩnh lại để tự phân tích và đưa ra quyết định. Chúng con cần F1 chỉ lối đi thay vì đích đến”- chị Hảo mong muốn.

Nữ doanh nhân thế hệ 9x Nguyễn Ngọc Mỹ - Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Alphanam, con gái của Chủ tịch Tập đoàn Alphanam- Doanh nhân Sao Đỏ Nguyễn Tuấn Hải, khẳng định rằng, buổi tọa đàm này mở ra một tương lai rất tươi sáng cho sự cởi mở và trao đổi thẳng thắn giữa các thế hệ, mà điển hình chính là sự thành lập của Học viện F2 Sao Đỏ. Học viện F2 Sao Đỏ sẽ là nơi mà không chỉ F2 được đào tạo, hướng dẫn trực tiếp bởi F1, mà đó còn là một diễn đàn để kết nối, chia sẻ các giá trị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam qua nhiều thế hệ, hướng tới sự trường tồn và bền vững của doanh nghiệp gia đình – những hạt nhân kinh tế vô cùng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần đẩy mạnh sự tiến bộ của giới doanh nhân – doanh nghiệp, đưa kinh tế đất nước ngày một phát triển.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-giao-the-he-trong-doanh-nghiep-gia-dinh-lam-gi-de-tiep-tuc-duy-tri-ngon-lua-kinh-doanh-146647.html