Chuyển giao xã quản lý hành chính, trường mầm non đến THCS kỳ vọng điều gì?
Khi cấp xã trực tiếp chịu trách nhiệm về mặt hành chính, các trường trên địa bàn kỳ vọng quy trình giám sát, quản lý sẽ linh hoạt và rút ngắn thời gian hơn.
Mục 3 Tổ chức thực hiện của Công văn 1581/BGDĐT-GDPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp, nêu rõ: “Thực hiện giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp”.
Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang do Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện quản lý.
Xã quản lý hành chính giúp công tác chỉ đạo, phối hợp với các trường linh hoạt, sát thực tế hơn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tiến Lực - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) nhận định, việc chuyển giao chức năng quản lý hành chính các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở từ cấp huyện về cho cấp xã là một sự thay đổi lớn và có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành giáo dục tại các địa phương.
Theo thầy Lực, đây là một bước đi cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường giảm thiểu các thủ tục hành chính vốn còn rườm rà và mất nhiều thời gian. Khi cấp xã trực tiếp chịu trách nhiệm về mặt hành chính đối với các trường học trên địa bàn, việc giải quyết ngân sách, chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên hay xử lý các thủ tục về cơ sở vật chất, trang thiết bị… sẽ trở nên nhanh chóng hơn, rút ngắn các khâu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các trường vùng sâu vùng xa, bởi trước đây mỗi thủ tục hành chính đều mất nhiều thời gian do khoảng cách địa lý và điều kiện hạ tầng còn chưa thuận lợi.

Một lớp học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tà Ghênh (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NTCC
“Bên cạnh đó, việc cấp xã tham gia trực tiếp vào quản lý hành chính cũng giúp công tác chỉ đạo, phối hợp với nhà trường trở nên linh hoạt, sát thực tế hơn. Cấp xã là nơi gần dân, sát cơ sở nhất, hiểu rõ tình hình kinh tế - xã hội, đặc điểm của từng thôn, từng hộ dân cũng như nhu cầu học tập của học sinh. Do đó, nếu đủ năng lực và công cụ quản lý, chính quyền cấp xã hoàn toàn có thể hỗ trợ nhà trường trong việc huy động học sinh ra lớp, đảm bảo an toàn trường học, kết nối giữa nhà trường với cộng đồng cũng như xử lý nhanh các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động.
Tuy nhiên, chuyển giao không chỉ là thay đổi về địa chỉ quản lý, mà còn là một quá trình tái cấu trúc cả hệ thống vận hành. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa quản lý hành chính thuộc xã và quản lý chuyên môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tỉnh cần được làm rõ để tránh chồng chéo trong quá trình triển khai.
Đến nay, nhà trường cũng chưa thể hình dung khó khăn khi mô hình mới đi vào thực tế, nhưng chắc chắn công tác chuyên môn sẽ bị tác động ít nhiều, đặc biệt trong giai đoạn đầu chuyển giao. Sự phân tách giữa quản lý hành chính và chuyên môn nếu không có cơ chế phối hợp cụ thể, chặt chẽ, có thể sẽ nảy sinh các khó khăn”, thầy Lực nêu quan điểm.
Cùng bàn vấn đề này, cô Nguyễn Nhâm Nhị - Hiệu trưởng Trường Mầm non 3/10 (thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) cho biết, hiện tại nhà trường chưa có sự thay đổi hay xáo trộn nào đáng kể trong tổ chức và vận hành hoạt động. Đến nay, nhà trường vẫn đang thực hiện các nhiệm vụ năm học theo kế hoạch đã được xây dựng từ đầu năm, đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị quản lý cấp trên trong khuôn khổ công việc được phân công.
Theo cô Nhị, chủ trương chuyển giao chức năng quản lý từ cấp huyện về cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn, sát với thực tiễn địa phương. Tuy nhiên, việc thay đổi cơ cấu quản lý này chưa được triển khai cụ thể tại đơn vị, nên giáo viên và cán bộ quản lý trong trường vẫn đang thực hiện công việc như bình thường.
“Theo tôi, đối với giáo viên và cán bộ quản lý trường học, việc thuộc sự quản lý của huyện hay xã không quan trọng bằng việc thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ chuyên môn và quản lý theo hướng dẫn được ban hành chính thức.
Đến thời điểm hiện tại, nhà trường vẫn đang trong giai đoạn chờ văn bản hướng dẫn cụ thể về việc báo cáo cho cơ quan nào, làm việc trực tiếp với ai ở cấp xã, cũng như cơ chế phối hợp giữa nhà trường với cơ quan quản lý mới. Do đó, mọi hoạt động của trường vẫn được triển khai theo quy trình cũ, tức là báo cáo với phòng giáo dục và đào tạo, phối hợp với các phòng ban chức năng của huyện khi cần”, cô Nhị thông tin.
Cô Nhị cho rằng, mọi sự thay đổi lớn về cơ chế quản lý đều cần có thời gian để thích nghi. Hiện nay, cấp xã ở một số nơi chưa có đủ cán bộ chuyên trách về giáo dục, kinh nghiệm quản lý nhà trường còn hạn chế, nên nếu việc chuyển giao được thực hiện một cách đột ngột, thiếu sự chuẩn bị, có thể gây ra những lúng túng nhất định trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nếu có hướng dẫn rõ ràng từ cấp trên, kèm theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ xã thì việc chuyển giao này hoàn toàn có thể được triển khai suôn sẻ và hiệu quả.
“Tôi cho rằng, mọi ý kiến hay phản hồi sẽ chỉ có ý nghĩa thực chất khi việc chuyển giao đã được triển khai, khi các đơn vị đã thực sự vận hành theo cơ chế mới. Khi đó, nhà trường mới có cơ sở để đánh giá những điểm tích cực hoặc những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, việc chuyển giao quyền quản lý trường mầm non cho cấp xã là điều tất yếu, nhưng phải đi kèm với việc đảm bảo năng lực quản trị của cấp xã. Cụ thể, cấp xã cần có cán bộ phụ trách giáo dục được đào tạo bài bản, có hiểu biết về nghiệp vụ quản lý trường học, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng, minh bạch giữa xã và các đơn vị trường học. Nếu phối hợp hiệu quả, việc phân cấp quản lý về xã sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách quản lý, giúp các quyết định điều hành sát với thực tiễn hơn, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục tại địa phương”, cô Nhị nêu quan điểm.
Đòi hỏi các trường chủ động, tự chịu trách nhiệm và đổi mới quản lý giáo dục
Để đảm bảo việc chuyển giao diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, thầy Lực bày tỏ, trước hết các trường cần có sự chuẩn bị tốt về tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trong đó, việc ổn định tâm lý, xây dựng sự tin tưởng và thống nhất trong nhận thức là điều kiện tiên quyết để mọi thay đổi được tiếp nhận một cách tích cực. Khi cán bộ, giáo viên hiểu đây là chủ trương đúng đắn, nhằm tinh gọn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, họ sẽ chủ động hơn trong việc thích nghi.
Thứ hai, cơ quan quản lý cũng cần tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ xã về công tác quản lý giáo dục, đặc biệt là những nội dung liên quan đến quản trị trường học, quy trình xử lý hồ sơ, tài chính và cơ chế phối hợp với các phòng ban chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Thứ ba, việc phân cấp mạnh mẽ cho xã quản lý hành chính cần đi kèm với cơ chế giám sát rõ ràng, minh bạch. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng như các cơ quan kiểm tra, thanh tra cần có quy trình phối hợp định kỳ để nắm tình hình, hỗ trợ xã tháo gỡ các khó khăn, đồng thời đảm bảo chất lượng giáo dục không bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển giao.
“Chủ trương chuyển giao quản lý hành chính các trường học về cho cấp xã là một bước đi quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy quản lý. Đây là cơ hội để địa phương hóa công tác giáo dục, tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong quản lý. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, các trường cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tư tưởng, con người và cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các cấp. Khi đó, giáo dục cơ sở sẽ thực sự được trao quyền, đồng thời vẫn đảm bảo được chất lượng và sự ổn định cần thiết cho hoạt động dạy và học”, thầy Lực nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của thầy Nguyễn Nam Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), việc triển khai đề án sắp xếp lại các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Văn Quan theo hướng chuyển giao quyền quản lý hành chính từ cấp huyện về cấp xã là một chủ trương hợp lý và khả thi, không gây áp lực cho các trường. Trái lại, sự thay đổi này còn mở ra những thuận lợi nhất định trong công tác quản lý và vận hành trường học.

Thầy Nguyễn Nam Thái - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh tư liệu nhân vật từng cung cấp
“Hiện tại, việc tổ chức, nhân sự và các hoạt động cơ bản của nhà trường không có sự xáo trộn lớn. Khi trường được đưa về xã quản lý trực tiếp thì mối quan hệ giữa nhà trường và chính quyền địa phương sẽ trở nên gắn bó hơn. Với quy mô quản lý nhỏ hơn so với cấp huyện, Ủy ban nhân dân xã có điều kiện tiếp cận sát sao hơn với hoạt động giáo dục của địa phương, từ đó giúp nhà trường xử lý nhanh các vấn đề về tổ chức, nhân sự, hợp đồng lao động hay cơ sở vật chất.
Theo tôi, khi đó, việc cập nhật thông tin về đội ngũ, ra quyết định về nhân sự hay triển khai các hoạt động phục vụ năm học sẽ được thực hiện nhanh, kịp thời hơn, phù hợp với đặc điểm thực tiễn của từng trường”, thầy Thái bày tỏ.
Theo thầy Thái, mô hình mới sẽ không làm gián đoạn sự phối hợp giữa các bên liên quan trong hệ thống giáo dục địa phương. Trước đây, Ủy ban nhân dân huyện Văn Quan vẫn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn để triển khai nhiệm vụ giáo dục; nay chuyển về xã thì cơ chế phối hợp này về cơ bản vẫn giữ nguyên. Điểm khác biệt lớn nhất là thay vì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quản lý chuyên môn thì trách nhiệm này sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đảm nhiệm. Điều này đồng nghĩa với việc yêu cầu về tính tự chủ, tinh thần trách nhiệm và năng lực quản lý của các nhà trường, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý sẽ phải nâng cao hơn.

Tiết dạy môn tiếng Việt tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Tân Đoàn (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: NTCC
“Đây chính là một bước chuyển đòi hỏi các trường phải chủ động hơn trong công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học cũng như giải quyết các tình huống phát sinh. Đồng thời, các cán bộ quản lý với vai trò là người đứng đầu đơn vị sẽ phải thực sự làm chủ chuyên môn, nắm chắc các quy định, linh hoạt trong xử lý công việc và thể hiện năng lực quản trị một cách rõ ràng hơn.
Việc không còn phụ thuộc vào cấp huyện mà làm việc trực tiếp với cấp tỉnh về chuyên môn và cấp xã về hành chính sẽ giúp trường phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời thúc đẩy quá trình đổi mới quản lý giáo dục.
Do đó, nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, chính quyền cấp xã và nhà trường, thì mô hình quản lý mới sẽ mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phù hợp với xu thế đổi mới cơ chế quản lý hiện nay”, thầy Thái nêu quan điểm.