Chuyện giờ ra chơi
Tình yêu bắt đầu từ những điều rất bình dị trong cuộc sống hàng ngày.
1.
Tối qua, ông giáo văn ghé vào nhóm “Nghi Lộc 2 Confessions” và tình cờ đọc được câu chuyện “cảm nắng” của học trò. Bức thư của bạn bị “cảm nắng” rất dài và lãng mạn. Bức thư có đoạn: “Chắc có lẽ em cũng không biết được rằng, lần đầu chúng mình gặp nhau, tôi đã có thiện cảm với em rất nhiều. Lần ấy, em đang trên đường đi bưng nước về, tôi cũng không nghĩ rằng em là một người con gái nhỏ bé như thế mà lại có thể bưng được bình nước 20l như vậy.
Khi gặp tôi cùng đám bạn đi qua, em đã nhường đường cho chúng tôi đi trước, rồi em mới bưng nước về sau. Quả thực hành động đó của em làm tôi cảm thấy em là một cô gái rất… biết điều. Và sau lần đó thì mỗi ngày tôi đều kiếm cớ đi qua lớp em để được ngắm nhìn sự hồn nhiên và vui tươi của em. ”.
Hóa ra, tình yêu chẳng phải bắt đầu từ ánh mắt đắm đuối như nhạc sĩ nào đó đã viết. Tình yêu bắt đầu từ… bưng nước. Tình yêu bắt đầu từ những điều rất bình dị trong cuộc sống hàng ngày. Sáng nay, bước vào lớp học có bạn được “cảm nắng”, nhìn lên thấy hai bình nước không còn một giọt nào, ông giáo vờ hỏi:
- Sáng nay, lớp ta sao không ai đi đổi nước à?
Thế là cả lớp cười như trúng số, chỉ trừ mỗi bạn… đỏ mặt.
2.
Trong giờ nghỉ giải lao, học trò hỏi thầy giáo văn:
- Thưa thầy! Đứa mà trong lớp ai cũng ưa thì đứa đó là người như thế nào?
Thầy giáo văn trả lời:
- Cũng chưa chắc đã tốt.
Học trò lại hỏi:
- Còn đứa mà trong lớp ai cũng ghét thì thế nào?
Thầy giáo văn đáp:
- Cũng chưa hẳn là xấu.
Học trò của thầy giáo văn tỏ vẻ vẫn chưa hiểu. Thầy giáo văn nói thêm:
- Hay nhất là người mà mọi người tốt trong lớp đều ưa và mọi kẻ xấu trong lớp đều ghét.
Đời này yêu ghét vô cùng. Đừng vì ghét mà buồn. Đừng vì yêu mà kiêu.
Muốn người khác yêu mình thì bản thân phải thật đáng yêu. Quan trọng người ưa bạn là ai và ghét bạn là những kẻ nào?
“Yêu ta, ta cũng như vầy
Ghét ta, ta cũng như ngày mình yêu”
(Cao dao)
Xấu tốt. Khen chê. Cũng như đôi bờ của một dòng sông. Bên lở, bên bồi. Nhưng dù như thế nào thì sông vẫn cứ trôi đi.
3.
“Ngày xửa ngày xưa, có hai con ếch yêu nhau say đắm. Sau khi cưới, ếch mẹ sinh ra một đàn ếch con xấu xí. Ếch bố thấy vậy tức giận hỏi:
- Thế này là thế nào?
Ếch mẹ vừa khóc vừa ngập ngừng:
- Trước khi quen anh, em từng… em từng…..
Ếch bố quát:
- Từng gì… từng với người khác phải ko? Khai nhanh… không là…
Ếch mẹ òa khóc và thú nhận:
- Dạ, em từng… đi phẫu thuật thẩm mỹ.
Trong giờ nghỉ giữa hai tiết, ông giáo văn đọc được câu chuyện vui trên, nghĩ mãi về ý nghĩa của nó mà chưa thấu. Bất chợt, có cậu học trò vào xin lại phù hiệu với thái độ rất lễ phép (hồi sáng bị thu vì không đội mũ bảo hiểm). Tiện thể, ông giáo văn hỏi lí do vì sao nhà trường nhắc nhở nhiều rồi mà em vẫn không mang mũ bảo hiểm, không chấp hành nội quy về an toàn giao thông…
Cậu học trò lặng im nghe ông giáo lên lớp một lúc rồi mới nhẹ nhàng trình bày: “Bình thường hôm nào em cũng đội mũ bảo hiểm. Nhưng lúc sáng, trước khi đi học, em phát hiện thấy bố cũng sắp đi làm mà không có mũ bảo hiểm (có lẽ bố bỏ quên đâu đó) nên em im lặng bỏ chiếc mũ lại cho bố và đi…”. Ông giáo nghe đến đấy thấy nghèn nghẹn ở cổ. Ông giáo nhẹ nhàng hỏi cậu học trò: “Bố em làm nghề gì?”. Cậu học trò đáp: “Bố em đi làm phụ hồ tận trong thành phố Vinh. Sáng bố đi làm sớm và đến tận tối mới về thầy ạ!…”.
Cậu học trò ấy đi rồi, tôi cứ suy nghĩ mãi, rồi quyết định sửa lỗi cho trò.
Tối về, trong bữa ăn đem chuyện vui kia với chuyện cậu học sinh lúc sáng kể cho bạn cùng nhà. Nghe xong, bạn ấy cười bảo rằng, ý nghĩa câu chuyện là SỰ THẤU HIỂU RẤT QUAN TRỌNG thầy giáo ạ! Thật vậy, trong bất cứ mối quan hệ nào, đặc biệt, là mối quan hệ thầy trò, thấu hiểu rất quan trọng. Từ thấu hiểu, chúng ta sẽ có sự chia sẻ, cảm thông và yêu thương. Giáo dục dù có đổi mới đến đâu cũng không thể phủ nhận được vai trò quyết định của tình yêu thương, sự gần gũi, chân thành của người thầy đối với học trò.
(* Tác giả Nguyễn Đình Ánh hiện là giáo viên công tác tại Trường THPT Nghi Lộc 2 – Nghệ An)
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gio-ra-choi-post619468.html