Chuyển giới, chữa bệnh tâm lý, du học và những mục tiêu năm mới

Đặt mục tiêu cho năm mới là một thông lệ cũ, song nhiều người trẻ đang thiết lập những kế hoạch mới mẻ như chuyển giới, chữa bệnh tâm lý, phẫu thuật thẩm mỹ... trong năm 2023.

 Không phải tiền bạc hay sự thăng tiến trong sự nghiệp, nhiều người trẻ đặt mục tiêu cải thiện sức khỏe tinh thần hoặc phẫu thuật thẩm mỹ trong năm mới. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Không phải tiền bạc hay sự thăng tiến trong sự nghiệp, nhiều người trẻ đặt mục tiêu cải thiện sức khỏe tinh thần hoặc phẫu thuật thẩm mỹ trong năm mới. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

"Tôi sẽ phẫu thuật chuyển giới trong năm nay để loại bỏ bộ phận sinh dục nam, thay đổi giọng nói".

"Tôi cần chuẩn bị 1,5 tỷ đồng để lên máy bay đi du học vào nửa cuối năm 2023".

Đây là 2 trong số nhiều mục tiêu lớn, mang tính bước ngoặt mà các bạn trẻ đặt ra trước thềm năm mới. Để hiện thực hóa những dự định này, họ chấp nhận dành ra nhiều tiền bạc, công sức và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian dài.

Zing trò chuyện cùng 4 người trẻ để tìm hiểu về các bước họ hiện thực hóa dự định lớn của mình vào năm mới.

Phẫu thuật chuyển giới tại Thái Lan
Tracy Lưu (25 tuổi, quận 4, TP.HCM)

 Tracy Lưu đặt mục tiêu phẫu thuật chuyển giới vào năm 2023.

Tracy Lưu đặt mục tiêu phẫu thuật chuyển giới vào năm 2023.

Tôi mắc chứng Gender disphoria (đau khổ bởi sự không nhất quán giữa bản dạng giới và giới tính sinh học). Từ lúc học cấp một, tôi đã thích mặc váy, đi giày cao gót và nuôi tóc dài. Khi trưởng thành, tôi dần thấy khó chịu khi nhìn thấy yết hầu và cơ thể của mình trong gương.

2 năm trước, tôi từng uống thuốc ức chế khả năng sinh sản nam và bổ sung hormone nữ hàng ngày.

Tuy nhiên, sau một thời gian không nhận thấy tác dụng rõ rệt, tôi quyết định tiêm hormone trực tiếp lên bắp tay một lần/tuần. Nhận thấy kỹ thuật tiêm cơ khá khó và nguy hiểm, tôi chấp nhận chi trả 150.000 đồng/lần để tiêm tại bệnh viện uy tín.

Chỉ sau 2-3 tuần, tôi đã nhận ra những thay đổi trên cơ thể như da đẹp hơn, lông mọc ít đi, tóc trở nên dài và mượt. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy yêu cơ thể mình khi các mô mỡ dần phát triển ở ngực và mông.

Sau 2 năm sử dụng hormone và sống như một người chuyển giới nữ (trans-girl), tôi đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật thay đổi ngoại hình trong năm 2023. Chưa comeout (thú nhận bản dạng giới) với bố mẹ, tôi coi cuộc đại phẫu này là lời tuyên bố chính thức cho gia đình.

Tôi đã chi trả 5 triệu đồng để thăm khám tiền phẫu từ cuối năm 2022. Dự định của tôi là nâng ngực, hạ đường chân tóc, gọt hàm tại bệnh viện trong nước.

Giữa năm 2023, tôi sẽ sang Thái Lan để thực hiện cắt yết hầu và buộc dây thanh quản nhằm thay đổi giọng nói với chi phí 200 triệu đồng. Kỹ thuật này chưa được thực hiện tại các cơ sở y tế tại Việt Nam.

Phẫu thuật mà tôi mong muốn nhất là tạo hình vùng sinh dục. Tôi có thể phải chi trả 500-800 triệu đồng để tiến hành thủ thuật đặc biệt này.

Từng chứng kiến nhiều bạn bè tự ti và buồn bã vì gặp vấn đề ngực quá to hoặc tạo hình xấu, tôi sẵn sàng bỏ ra 1-2 tỷ đồng cho toàn bộ cuộc đại phẫu.

Tôi đang gấp rút chuẩn bị thủ tục xuất ngoại để lên máy bay sang Thái Lan vào tháng 8/2023 với tâm lý sẵn sàng vào phòng mổ một mình và tự chăm sóc hậu phẫu.

Tự chữa bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu
Bảo Ngọc (24 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

 Bảo Ngọc đặt mục tiêu giảm cấp độ bệnh trầm cảm (từ cấp độ 3 xuống cấp độ 1) trong năm mới.

Bảo Ngọc đặt mục tiêu giảm cấp độ bệnh trầm cảm (từ cấp độ 3 xuống cấp độ 1) trong năm mới.

Đối mặt với hội chứng rối loạn lo âu và trầm cảm theo mùa suốt 5 năm, tôi quyết tâm ngừng sử dụng thuốc đặc trị trong năm 2023.

Từ trước đến nay, mỗi khi hoảng loạn bất chợt, tôi đều lập tức uống thuốc ức chế serotonin (một loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm phổ biến) hoặc liên hệ bác sĩ tâm lý yêu cầu trợ giúp.

Nhiều lần không thể liên lạc với bác sĩ, tôi phải tìm đến sự trợ giúp của bạn bè thân thiết ngay trong đêm.

Mặc dù những người bạn vẫn sẵn sàng lắng nghe, tôi không muốn liên tục làm phiền người khác.

Việc tìm đến thuốc, chuyên gia hay người thân giống như một cơn nghiện và mục tiêu năm mới của tôi là cắt cơn nghiện này.

Nếu bệnh trạng trở nên khả quan hơn, tôi mong muốn giảm cấp độ bệnh trầm cảm (từ cấp độ 3 xuống cấp độ 1) trước cuối năm 2023.

Tôi đã bắt đầu giãn lịch tư vấn và trị liệu với bác sĩ tâm lý. Thay vì đến phòng khám hàng tháng, tôi chỉ còn hẹn gặp chuyên gia 2 tháng/lần.

Theo hướng dẫn của bác sĩ, tôi không dùng thuốc ngay mà thực hành tập thở và đánh lạc hướng bản thân bằng hoạt động thể chất mỗi lần run rẩy tay, chân, khóc lóc liên tục. Tôi cũng đăng ký thẻ thành viên tại phòng gym, tham gia lớp học yoga từ đầu năm 2023.

Tại nhà, tôi chủ động loại bỏ vật sắc, nhọn để tránh khả năng self-harm (tự hại) khi không kiểm soát được cảm xúc.

Phẫu thuật thẩm mỹ
Mai Nguyễn (26 tuổi, quận 8, TP.HCM)

 Mai Nguyễn muốn thay đổi dáng mũi để tự tin hơn.

Mai Nguyễn muốn thay đổi dáng mũi để tự tin hơn.

Tôi không thích chiếc mũi thấp của mình. Mỗi lần chụp ảnh, tôi đều phải sử dụng chức năng nâng mũi tự động của ứng dụng chỉnh sửa trên điện thoại.

Tôi từng can thiệp nhiều phương pháp thẩm mỹ trên cơ thể như tiêm filler, kích mí mắt, điêu khắc chân mày, phun xăm môi, song chưa dám phẫu thuật nâng mũi. Những vấn đề khiến tôi băn khoăn là chi phí, di chứng và sự thay đổi tướng mặt.

Tôi từng chứng kiến 2-3 người bạn, đồng nghiệp gặp vấn đề lệch sống mũi, tỷ lệ mũi không phù hợp với khuôn mặt và cần tái phẫu thuật.

Thậm chí, có người phải thực hiện đến lần thứ 3 mới cảm thấy hài lòng.

Để tránh rủi ro, tôi sẽ tiêm filler nâng sống mũi trước khi thực hiện phẫu thuật chính thức.

Filler sẽ tan dần sau vài tháng sử dụng, trong thời gian đó tôi có thể quan sát dáng mũi phù hợp với khuôn mặt.

Mong muốn hoàn thành mục tiêu thu hẹp cánh mũi, nâng mũi trong năm 2023, tôi cần đến viện thẩm mỹ tiêm định hình dáng mũi ngay sau Tết Nguyên đán.

Chi phí tiêm chất làm đầy dao động khoảng 5-7 triệu đồng, không quá khả năng chi trả của tôi. Lựa chọn phương pháp nâng S-Line khi chính thức tác động dao kéo, tôi mới cần bỏ ra khoảng 80 triệu đồng.

Nhận thấy sự do dự của tôi do số tiền khá lớn, bạn trai quyết định tài trợ 50% chi phí phẫu thuật. Nhờ sự hỗ trợ tài chính từ nửa kia, tôi mới có thể yên tâm về khả năng hoàn thành mục tiêu trong năm nay.

Thời gian thực hiện lý tưởng được bác sĩ tư vấn là tháng 10/2023.

Đi du học sau 3 lần nộp hồ sơ thất bại
Phan Trang (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

 Phan Trang quyết tâm làm hồ sơ du học ở tuổi 27 bất chấp sự phản đối của gia đình, bạn bè.

Phan Trang quyết tâm làm hồ sơ du học ở tuổi 27 bất chấp sự phản đối của gia đình, bạn bè.

Tôi đã theo đuổi giấc mơ du học Australia gần một thập kỷ. Năm 18 tuổi, tôi lần đầu nộp hồ sơ vào chuyên ngành truyền thông marketing, Đại học Sydney, Australia.

Mặc dù đã đáp ứng đủ các yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, bảng điểm tốt nghiệp THPT, hồ sơ của tôi vẫn bị nhà trường từ chối. Trong suốt 4 năm đại học ở Việt Nam, tôi tiếp tục nộp đơn đăng ký nhập học một số trường tại Australia.

Nhiều lần chứng kiến hồ sơ của bạn bè được duyệt, tôi khá chạnh lòng vì trường hợp của mình.

Sau 2 lần thất bại liên tiếp, tôi tặc lưỡi cho rằng bản thân không có “số” xuất ngoại.

Tốt nghiệp đại học và đi làm 5 năm, tôi vô tình biết đến một chương trình cao học hấp dẫn tại Đại học Melbourne.

Trăn trở hơn một tuần, tôi quyết định gác lại toàn bộ công việc hiện tại và hoàn thành giấc mơ du học.

Quyết định của tôi vấp phải sự phản đối của bố mẹ, đồng nghiệp và bạn bè.

Họ cho rằng khi tôi hoàn thành 3 năm học, số tuổi 30 là quá già để tái gia nhập thị trường tuyển dụng.

Dù biết 3 năm này là thời điểm vàng để được thăng chức, phát triển sự nghiệp, tôi chấp nhận đánh đổi và bắt tay vào làm hồ sơ. Mục tiêu của tôi trong năm mới là đặt chân đến đất nước Australia với visa du học sinh.

Tôi đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi SAT vào tháng 3/2023, chứng minh tài chính, xin thư giới thiệu. Quan trọng nhất, tôi phải chuẩn bị đủ 1,5 tỷ đồng trong tài khoản để yên tâm lên máy bay, hoàn thành giấc mơ du học.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gioi-chua-benh-tam-ly-du-hoc-va-nhung-muc-tieu-nam-moi-post1392046.html