Chuyện giữ rừng ở bản Pơ Mu

ĐBP - Bản Pơ Mu, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng) quản lý trên 160ha rừng, chủ yếu là cây pơ mu. Dân bản Pơ Mu luôn quan niệm rằng: 'Bản đặt theo tên cây, cây không còn thì tên bản cũng chẳng ý nghĩa gì'. Vì thế, việc giữ rừng được coi là sứ mệnh của mỗi người dân Pơ Mu, dân bản luôn yêu rừng, coi rừng là báu vật.

Tuần tra, chăm sóc, giữ rừng là công việc hàng ngày của người dân bản Pơ Mu.

Bản Pơ Mu cách trung tâm xã Mường Ðăng 10km. Con đường vào bản đã được các đơn vị thi công được 50% khối lượng, nếu trong năm nay hoàn thành như dự kiến, thì từ trung tâm xã chỉ 30 phút đi xe máy là tới. Bản Pơ Mu có 18 hộ, chưa đầy 100 khẩu. Bao bọc bản là rừng pơ mu có tuổi đời hơn 30 năm. Ðể có được rừng pơ mu như ngày hôm nay là cả một câu chuyện dài…

Dẫn chúng tôi tham quan dưới tán rừng xanh mát, ông Lý A Tủa, Trưởng bản Pơ Mu kể cho nghe chuyện xóa đói giảm nghèo và việc giữ rừng ở đây. Cùng đi có 5 người trong tổ bảo vệ rừng của bản, ai nấy đều đeo bình tông nước bên hông và tay chống gậy - công cụ hỗ trợ đắc lực cho cả việc lên dốc và xuống dốc của những người tuần tra rừng. Sau một hồi vượt dốc đến ngạt thở, tức ngực, một thành viên trong đoàn nói đùa như để “dọa” tôi: “Từ đây đến rừng pơ mu không xa đâu, nhưng leo bộ cũng phải một tiếng đồng hồ nữa”. Trưởng bản Lý A Tủa cười vang, chỉ tay về phía trước mặt nói: “Sắp đến rồi, chỉ một quãng nữa thôi”, rồi ông vượt lên trước dẫn đường.

Ðứng trước một lùm cây con cùng thảm thực vật dày, ông Lý A Tủa dùng câu liêm cào những đám lá khô tầng tầng lớp lớp ẩm ướt, lộ dần một gốc cây to có đường kính khoảng trên 1m. Ông Tủa nói: Ðây là gốc pơ mu còn sót lại từ những năm 1980 của thế kỷ trước.

Thấy tôi ngắm nghía gốc cây cổ thụ rộng lớn, ông Tủa giải thích: “Ngày ấy (khoảng gần 40 năm trước), tỉnh Lai Châu (cũ) cho phép các lâm trường khai thác gỗ pơ mu, người ta mang cưa cắt cả ngày lẫn đêm, kéo dài cả mấy tháng ròng. Cây cổ thụ ngã xuống, cây con cũng chẳng còn bởi sự dẫm đạp, vận chuyển gỗ của con người. Rừng pơ mu trở nên trơ trọi. Mỗi khi mưa xuống, nước từ trên rừng ập xuống như muốn cuốn trôi cả bản Pơ Mu!”

Ông Tủa tiếp tục câu chuyện: Sau vụ khai thác gỗ pơ mu đó, các cụ cao niên trong bản, trong đó có bố ông Tủa họp nhau lại. Các cụ thống nhất ý kiến “Dân bản Pơ Mu sẽ sống ra sao khi không có rừng bao bọc, chở che? Bản Pơ Mu còn ý nghĩa gì khi cây pơ mu trên núi không còn thơm hương?” Thế rồi các cụ bàn cách gây dựng lại rừng pơ mu.

Những cây non còn sót lại, bị nghiêng ngả hoặc đổ rạp được dựng lên, đóng cọc bên cạnh làm điểm tựa cho cây đứng vững. Cả người lớn và trẻ em trong bản tìm những chỗ trũng - nơi nước mưa dồn hạt pơ mu về nảy mầm để tách cây ra trồng. Cứ như thế, năm này qua năm khác rừng pơ mu dần được hồi sinh, bao bọc bản Pơ Mu đến bây giờ.

Ðể rừng được bảo vệ an toàn, bản Pơ Mu thành lập tổ tuần tra, bảo vệ rừng và đề ra hương ước giữ rừng. Theo đó, mỗi người dân đều xác định việc giữ rừng là trách nhiệm của mình, không phân biệt tuổi tác, trai hay gái. Không ai được phá rừng làm nương; không được thả trâu, bò lên khu rừng đã quy định; không ai được tự ý vào rừng chặt cây. Nếu phát hiện người tự tiện vào rừng chặt cây sẽ bị phạt tiền và thu toàn bộ số cây đó; mức phạt tùy thuộc vào đường kính và số lượng cây. Do quy ước chặt chẽ và được giáo dục từ khi còn bé nên dân bản Pơ Mu ai cũng quý rừng, coi rừng như báu vật.

Dang tay ôm cây pơ mu tỏa bóng giữa cái nắng tháng sáu, anh Lý A Phộng, Tổ trưởng quản lý bảo vệ rừng của bản Pơ Mu nói đầy tự hào: “Rừng pơ mu giờ đã xanh, cây to nhất có đường kính 45 - 50cm. Ngoài bao bọc dân bản khỏi nắng hạn, mưa lũ thì hàng năm bản được chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 70 triệu đồng; huyện cũng trả công quản lý bảo vệ rừng cho bản 800 nghìn đồng/ha rừng pơ mu. Tính ra mỗi năm bản thu về khoảng 200 triệu đồng từ khu rừng pơ mu này.”

Rời bản Pơ Mu trong nắng chiều. Trên cao, đàn chim nối nhau trở về sau một ngày sải cánh kiếm mồi. Xa xa, tiếng suối róc rách như bản nhạc của rừng xanh trả ơn người!

Tú Trinh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/178576/chuyen-giu-rung-o-ban-po-mu