Chuyện giữa đường
Sớm ra, một thanh niên rồ ga vượt mặt xe tôi rồi đột ngột dừng lại. Anh nhặt mấy hòn đá nằm rải rác giữa mặt đường rồi ném sang vỉa hè, sau đó lên xe phóng đi. Những hòn đá kia, biết đâu sẽ gây họa cho người đi đường nếu chẳng may vấp phải. Chút bực mình trước đó của tôi đột nhiên tan biến trước hành động tưởng chừng đơn giản kia.
Tôi chợt nhớ một người bạn hồi đại học, bạn rất hiền, giọng nói nhẹ nhàng, cử chỉ luôn từ tốn. Có lần, trên đường đạp xe đi học, bạn đột nhiên dừng lại, nhìn trước ngó sau rồi chạy ra giữa đường nhặt một cục đá đem vứt. Vài bạn học ngang qua thấy vậy thì cười nhạo, kiểu “dở hơi”, hay “rảnh ghê”. Riêng tôi, khoảnh khắc ấy, tôi thấy cô bạn trưởng thành hơn mình nhiều quá. Bạn bảo, ba bạn dạy vậy, thấy đá giữa đường thì nhặt vứt đi, biết đâu người vấp đá ngã lại là người thân quen của mình.
Có một câu chuyện xưa thế này. Một ông vua nọ sai người đặt một hòn đá to ngay giữa đường đi. Bao nhiêu thương nhân thồ hàng ngang qua đều chỉ cố lách để tránh hòn đá. Một lão nông đánh xe ngựa đi qua, lão bước xuống khệ nệ đẩy hòn đá sang vệ đường. Tảng đá khá to và nặng, vất vả lắm ông mới thành công. Khi dịch hòn đá đi, ông thấy phía dưới có một bao tiền, đó là món quà mà đức vua ban tặng cho người nào chịu khó dịch chuyển hòn đá. Bây giờ, sẽ chẳng ai đặt một bao tiền ở những hòn đá giữa đường như vậy, nhưng chắc chắn một ngày nào đó ta sẽ nhận về món quà khác, là món quà quý giá và bình an chẳng bạc tiền nào mua được. Như thể lời dạy của người cha kia, rằng khi ta giúp đời vứt đi một hòn đá giữa đường, biết đâu ta tránh được cú ngã cho mình và người thân ở một lúc nào đó.
Nhà tôi ở quốc lộ, ngày xưa chưa có đường hai chiều như bây giờ nên rất hay xảy ra tai nạn. Tôi nhớ lần chứng kiến va chạm giữa ô tô và xe máy của một ông cụ tầm bảy mươi tuổi. Xe đụng phải ông cụ đã bỏ chạy, hồi đó chẳng có camera để ghi lại như bây giờ. Ông cụ nằm bất tỉnh bên đường, nhiều người thấy vậy nhưng sợ, không dám làm gì. Ba tôi chạy ra, xem xét tình hình rồi đứng bắt xe, bồng ông cụ lên xe đi bệnh viện. Vài người nghi ngại trước đó thấy ba xăng xái đã chạy lại giúp. Sau đó, nghe đâu tình hình ông cụ khá nặng, con cháu ông trách ba tôi sao không đem ông đi cấp cứu sớm hơn. Ba nói đời là vậy, đôi khi làm ơn mắc oán nhưng không phải sợ oán mà mình cứ làm ngơ.
Thi thoảng đọc báo, bạn sẽ gặp vài ba câu chuyện kể lại những trường hợp dàn cảnh gặp tai nạn rồi lừa tiền, cướp xe hay cứu người gặp nạn xong bị người nhà vây đánh... Bạn ở thành phố hay bảo làm người tốt thời nay thật khó khi đâu đâu cũng gặp lọc lừa giăng bẫy như vậy. Trước sự việc cần giúp đỡ, người ta đâm chần chừ, lưỡng lự. Thế nên, hình ảnh một thanh niên mình trần cầm búa đập tường cứu người gặp nạn trong vụ hỏa hoạn hay những người sẵn sàng cứu người giữa dòng nước lũ luôn khiến chúng ta thán phục.
Năm 2020, UNICEF Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế triển khai chiến dịch “Lòng tốt dễ lây”. Đây là một chiến dịch khuyến khích những hành động tử tế trong thanh thiếu niên và cộng đồng nói chung. Giữa thời điểm dịch bệnh khó khăn, những hành động tử tế, sự quan tâm giúp đỡ giữa người và người đã có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng.
Trong cuộc sống, ranh giới giữa chính và tà rất mong manh, tâm chúng ta cũng dễ biến động khi gặp bất trắc, bất bình. Nhưng tôi nghĩ làm người, dù không theo một tôn giáo nào cũng nên tin vào chuyện có trước có sau, tin vào chuyện có gieo thì sẽ gặt, tin vào nhân quả. Những mầm tốt mình gieo vô tình, mình sẽ gặt lại bằng cách nào đó chẳng hay. Cuộc đời sẽ luôn để dành quà cho những người sống tử tế, lương thiện, nói lời tốt và làm điều lành ở mọi nơi, trong mọi lúc có thể.
Nên đôi khi giữa đường, tôi hay để ý những người chạy với theo để gọi chị ơi gạt chân chống xe, anh ơi, tắt xi nhan kìa. Có người không buồn nói, chỉ đưa tay hoặc hất hàm trỏ vào xe vậy thôi. Dầu cách thể hiện khác nhau nhưng ai cũng mong một kết quả rằng người ngồi trên xe sẽ không phải gặp tai họa chỉ vì bất cẩn. Cuộc đời dễ thương biết mấy khi người ta biết nghĩ cho nhau.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chuyen-giua-duong-190693.htm