Chuyện hài nhà có con sắp thi: Bố nóng mắt với quý tử, mẹ nhắc ngay 'thần chú'
Trong những ngày cận kề kỳ thi cuối cấp, nhiều cha mẹ cố gắng nhẫn nhịn, mềm mỏng với con - những đứa trẻ có tâm hồn đang cực kỳ mong manh.
Không khí nhiều gia đình có con thi cuối cấp hiện tại “nóng” không khác gì nhiệt độ Hà Nội ngoài trời mấy hôm nay.
Nhiều bậc cha mẹ tếu táo “thôi cố nhịn nốt chục ngày nữa”, khi nói về tâm lý “bất ổn” của đám trẻ con những ngày sát kỳ thi. “Nhiều khi nó gọi dạ, mình bảo vâng đấy” – một phụ huynh hài hước chia sẻ.
Trong những ngày chạy nước rút này, cứ mỗi tối, chị Nguyễn Hồng Hoa (Hà Đông, Hà Nội) lại ghé vào phòng cậu con trai lớp 9 hỏi nhỏ: “Con có muốn uống trà sữa để ngồi học bài cho mát không con?”.
Năm nay, con trai chị định hướng thi vào 2 trường, trong đó có 1 trường chuyên. Cả hai trường đều có tỷ lệ chọi rất cao, vì thế việc học tập của con vô cùng căng thẳng.
“Từ đầu năm lớp 9, con đã được giảm toàn bộ công việc nhà, để tập trung vào việc học. Trước đây, sơ hở là con bị bố mắng vì con là anh cả trong nhà. Mình đã phải nói chuyện với ông xã, đề nghị anh không được mắng con nữa”.
Dù vậy, đôi khi ông bố vẫn không kiềm chế được. Mỗi lần chồng mắng con, chị Hoa phải đẩy chồng về phòng ngay lập tức và nhắc nhở anh kiềm chế.
“Nhiều lúc, ông xã về đến nhà thấy con làm việc gì không hài lòng cũng nóng mắt lắm, nhưng mình thấy thái độ của chồng như vậy là phải ghé tai nhắc lại câu thần chú 'con sắp thi cuối cấp đấy'”.
Chị Hoa tâm sự, vừa rồi, cậu con đăng ký nhầm nguyện vọng. Bình thường cả bố và mẹ sẽ mắng cho một trận nhưng thời điểm này, anh chị chỉ nhìn nhau rồi cùng nhịn.
Bà mẹ này chia sẻ, ở lớp con, các gia đình khác cũng đang trong không khí tương tự. “Các bố mẹ đều ‘bảo ban’ nhau là ‘thôi, nhịn con thời điểm này cho chúng nó thi xong đã’”.
Có trường hợp, con biết mình được ưu ái hơn nên cũng “tận dụng” cơ hội triệt để.
Có nhà con muốn đăng ký một trường, bố mẹ lại muốn trường khác. Mẹ nhắc thì con gắt lại "bây giờ mẹ muốn thế nào? Mẹ muốn làm sao?". Thấy con nổi khùng, bà mẹ không dám nói thêm câu gì nữa, chỉ lẳng lặng ra khỏi phòng.
Một nhà khác, con chỉ còn mấy buổi ở lớp học thêm trước khi thi, nhưng con nhất quyết không đi học nữa. Bố mẹ cũng đành chấp nhận quyết định của con.
Cũng có con thi cuối cấp, chị Đỗ Thị Giang (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ, con trai chị đang miệt mài “cày cuốc” nốt những ngày cuối cùng trước kỳ thi sẽ diễn ra vào cuối tuần này. “Gần như con học đến sát ngày thi luôn”.
Hiện tại, diễn biến tâm lý của con khiến chị khá lo lắng. Trước đây, con tự tin và gia đình cũng tin ngôi trường con đặt mục tiêu vừa với sức học. Nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, con bắt đầu căng thẳng, nói chuyện với bố mẹ hơi gắt gỏng.
Thấy con lo lắng về môn Văn, chị Giang chia sẻ và nhờ cô giáo dạy Văn động viên con những ngày cuối. Nhưng không biết cô nói với con những gì, mà ngay lập tức con nhắn tin cho mẹ: “Mẹ đừng có chia sẻ gì với cô giáo con nữa nhé! Không thì mẹ đi học hộ con luôn đi!”.
Thấy con cáu, từ đó đến nay chị không dám nói gì với các thầy cô nữa, xác định “còn mấy ngày cuối để yên cho nó học”.
Cũng vài tháng nay, chị thay đổi hẳn thái độ cư xử với con trong những tình huống không vừa mắt. “Nếu như trước kia lên phòng thấy con ngồi bấm điện thoại, tôi có thể gắt ầm lên ‘sao giờ này còn cầm điện thoại?’, nhưng bây giờ tôi chỉ nói nhẹ nhàng ‘sao giờ này vẫn cầm điện thoại hả con?’. Nhẹ nhàng đến vậy mà anh chàng vẫn cắm cảu với mẹ: 'Mẹ kệ con, lúc nào cần học con tự biết!'".
Cùng chung tâm trạng, những ngày này, chị Nguyễn Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ra sức tẩm bổ cho cậu con trai chuẩn bị thi vào lớp 10. Đặt mục tiêu vào ngôi trường công lập khá “hot” trong quận, cả gia đình đều rất lo lắng cho sức khỏe, tâm lý của con trước ngày thi.
“Lớp con tôi, có hôm hơn 10 bạn nghỉ ốm. Các con học đến ngày hôm nay đều rất áp lực, căng thẳng. Việc học quá nặng với tầm tuổi các con khi mà cánh cửa vào trường công lập năm nào cũng rất hẹp”.
Con chị Trang và bạn bè của con chị hiện tại vẫn đi học từ 7h sáng, có hôm đến 9h mới về đến nhà. Hầu như bố mẹ rất ít khi được gặp con.
“Tôi chỉ biết chăm sóc con bằng cách bồi bổ để tăng sức khỏe, sức đề kháng cho cháu”. Mặc dù công việc của chị rất bận rộn nhưng mấy ngày này, những món đắt tiền và chế biến cầu kỳ như gà hầm, yến chưng… chị đều chăm chỉ làm để con ăn thay đổi mỗi ngày.
Thấu hiểu sự vất vả của con thời điểm này, chị Minh Thư (Thanh Xuân, Hà Nội) đồng ý với đề xuất của con gái: “Khi nào thi xong con khắc dọn phòng”. Khi bị mẹ nhắc nhở, cô bé tuyên bố rất rành rọt: “Nếu phòng con đang chất đống sách vở thế kia nghĩa là con đang học, đang ôn nhé. Chỗ này con để sách Toán, chỗ kia là sách Văn – một sự bừa bộn rất trật tự. Mẹ không phải lo!”.
“Lý lẽ thuyết phục như vậy thì đành phải nghe thôi chứ biết làm sao! Tôi cũng đâm ra phải dễ tính, mềm mỏng hơn, không cao giọng trách móc như trước. Đúng là tâm lý của những đứa trẻ đang vắt mình cho kỳ thi nghẹt thở thật vô cùng mong manh, nên bậc làm cha làm mẹ cũng phải thấu hiểu và điều chỉnh một chút, ưu tiên việc gì là quan trọng nhất lúc này”.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi