Chuyện hai ông Đức ngày trở về
Sau ngày chiến thắng 30.4.1975, nhiều người lính Hải Dương đã vượt chặng đường xa từ Nam ra Bắc, trở về hưởng niềm vui đoàn tụ.
Điều may mắn nhất
Nhớ lại những ngày tháng 4 lịch sử, trong lòng cựu binh Đồng Xuân Đức, 76 tuổi, ở thôn Phú Văn, xã Phú Điền (Nam Sách) lại lâng lâng cảm xúc. Những ký ức về một thời “mưa bom, bão đạn” ùa về, niềm vui, tự hào trong ngày chiến thắng xen lẫn nỗi ngậm ngùi, xót xa bởi nhiều đồng đội của ông vẫn mãi mãi nằm lại chiến trường. Bên cạnh kỷ niệm về những trận chiến ác liệt cùng đồng đội, kỷ niệm được về thăm nhà sau ngày giải phóng cũng để lại cho ông Đức nhiều xúc động - được trở về là điều may mắn nhất với ông.
Tháng 6.1968, chàng thanh niên Đồng Xuân Đức tạm biệt gia đình và người vợ mới cưới 3 tháng lên đường nhập ngũ. Ông trở thành lính của Tiểu đoàn Đặc công 401 được giao nhiệm vụ làm suy yếu sinh lực địch ở phía bắc thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ. Tiểu đoàn Đặc công 401 sau này trở thành huyền thoại với nhiều chiến công hiển hách.
“Chiến dịch hoàn toàn thắng lợi, đất nước thống nhất. Đó là những giây phút tôi không thể nào quên, niềm vui trong ánh mắt, nụ cười của mỗi người lính, người dân. Khi ấy tôi mừng quá mà trào nước mắt”, ông Đức xúc động nhớ lại.
Tháng 11.1975, ông Đức được nghỉ phép 2 tháng trở về thăm gia đình. Gần 9 năm chiến đấu xa nhà, ông Đức không nhận được tin tức gì của gia đình, lần nghỉ phép này mang theo bao nỗi nhớ quê hương, gia đình và người vợ trẻ. Ông Đức tiết kiệm tiền mua được 1 chiếc khung xe đạp. “Người ta có con gái thì mua búp bê làm quà, tôi thì chỉ có chiếc khung xe đạp”, ông Đức kể.
Ở đơn vị của ông Đức, những người ở Bắc về được đi ô tô của Tỉnh đội Đắk Lắk. Xe đi ròng rã nhưng đến Bình Định gặp cơn bão phải dừng lại 2 ngày nên khoảng 7 ngày ô tô mới ra tới Hải Dương.
Về tới thị xã Hải Dương, ông Đức đi xích lô về thị trấn Nam Sách, rồi đi bộ về nhà. Ông Đức không báo tin mình về cho gia đình. Khi đi bộ đến xã An Lâm, ông gặp em gái đi bán hàng. Em gái bất ngờ reo lên: “Ôi! Anh Đức đây rồi!”. Em gái ông không bán hàng nữa và đèo ông bằng xe đạp về nhà.
Bà Nguyễn Thị Xuân (73 tuổi), vợ của ông Đức xúc động nhớ lại: “Hôm đó, tôi đang gặt lúa ngoài đồng. Khi nghe em chồng gọi: Chị ơi, về thôi, anh về rồi, tôi còn không tin nhà tôi còn sống”. Bỏ ruộng lúa đang gặt dở, bà Xuân tất tả chạy về. Vừa về đến đầu làng đã nghe thấy mọi người trong làng bàn tán xôn xao có người ở miền Nam về. Lúc đó, bà Xuân mới dám tin chồng còn sống.
"Trước đó, ở xã có người báo tin với gia đình tôi rằng chồng tôi một vài ngày nữa có giấy báo tử. Rồi lại có người báo tin chồng tôi bị bắt, trao trả ở Quảng Ninh, tôi cũng ra Quảng Ninh đón nhưng không thấy. Lúc tôi chạy về đến nhà, ở sân đã đông bà con dân làng tới chơi, hỏi thăm", bà Xuân nói.
Về sau, ông Đức mới biết tin báo tử năm đó về ông bị nhầm với một người khác cũng tên Đức ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ).
Sau 2 tháng nghỉ phép, ông Đức quay trở lại đơn vị và nhận quyết định điều động làm Phó Chủ nhiệm quân y phụ trách Thành đội Buôn Ma Thuột. Đến tháng 12.1977, ông Đức chuyển về Bắc phục viên. Rời chiến trường, ông mang trên mình vết thương ở chân trái, là thương binh hạng ¾. Ở quê nhà, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ, Thanh tra nhân dân xã Phú Điền, hiện ông là cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Phú Điền.
Ngày đoàn tụ
Còn với ông Ngô Quý Đức, 75 tuổi, ở thị trấn Gia Lộc, khoảnh khắc được đoàn tụ với gia đình sau bao năm xa cách là kỷ niệm ông không bao giờ quên. Ông nhập ngũ tháng 8.1968, vào Lữ đoàn 675, Binh chủng Pháo binh. Sau ngày giải phóng, ông về tập kết ở khu vực Thủ Dầu Một (Bình Dương). Sau đó chừng 5 tháng, ông được ra Bắc, tranh thủ về thăm gia đình. Đó cũng là ngày ông được đoàn tụ sau 7 năm nhập ngũ. “Tôi rất háo hức ngóng chờ ngày được về thăm gia đình, quê hương. Tôi tiết kiệm tiền mua được cái đài cũ của Nhật. Nhiều chiến sĩ khác mua búp bê, khung xe mang ra Bắc nhưng tôi chỉ đủ tiền mua được cái đài”, ông Đức nói.
Ông Đức đi ô tô từ Bình Dương ra đến TP Vinh (Nghệ An) thì đi tàu ra Bắc. Ông kể lại, 7 ngày từ Nam ra Bắc là một hành trình khó khăn. Ô tô thường xuyên dừng lại các trạm nghỉ. Vì không có tiền nên ông phải bán tạm một số đồ dùng cá nhân để mua trứng vịt, mì tôm ăn thêm. Khi xuống ga Hà Nội, ông cùng đồng đội về trạm an dưỡng ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang). Từ Bình Giang phóng tầm mắt về Gia Lộc, ông Đức thầm nghĩ rằng gian khổ đã ở lại phía sau, đất nước đã thống nhất, Bắc Nam thu về một mối, xong nhiệm vụ với đất nước, ông cũng sẽ tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Trước khi tranh thủ 2 ngày cuối tuần về thăm gia đình, ông Đức mượn được 10.000 đồng mua chè, thuốc, kẹo, bánh. Gặp lại bố mẹ, người thân, ông vỡ òa hạnh phúc. Họ hàng, người dân trong làng đến chơi đông kín cả nhà.
Năm 1976, ông ra quân trở về quê hương, xây dựng gia đình và phát triển kinh tế. Hiện ông Đức là Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh huyện Gia Lộc.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/chuyen-hai-ong-duc-ngay-tro-ve-232828