Chuyến hàng viện trợ y tế khẩn cấp đầu tiên của Anh tới Ấn Độ

Hàng dài thi thể xếp hàng để vào hỏa táng ở Ghaziabad, Ấn Độ. Nguồn: Hindustian Times

Sáng 27/4, một máy bay của hãng hàng không Lufthansa (Đức) chở chuyến hàng viện trợ y tế đầu tiên của Anh, bao gồm 100 máy trợ thở và 95 máy tạo ôxy đã tới thủ đô New Delhi.

Theo Cao ủy Anh tại New Delhi, 9 container hàng viện trợ y tế gồm 495 máy tạo ôxy, 120 máy thở không xâm nhập và 20 máy trợ thở sẽ được gửi tới Ấn Độ bằng đường hàng không trong tuần này.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Anh, Đức và Mỹ, cũng đã cam kết viện trợ y tế khẩn cấp cho Ấn Độ trong bối cảnh hệ thống y tế của nước này đang "oằn mình" chống chọi với số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến.

Ấn Độ ngày 27/4 thông báo ghi nhận thêm 323.144 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, trở thành ngày thứ 6 liên tiếp có số ca nhiễm vượt trên 300.000 ca/ngày.

Trước đó, ngày 26/4, Ấn Độ ghi nhận 352.991 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ trước đến nay ở quốc gia Nam Á này. Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 2.771 ca tử vong mới do COVID-19 trong 24 giờ qua và các chuyên gia y tế cảnh báo số ca tử vong có thể còn tiếp tục gia tăng.

Tại thủ đô Delhi, với trung bình hơn 350 trường hợp tử vong/ngày trong những ngày gần đây, thành phố này ngày càng có ít không gian để hỏa táng người chết. Hiện các cơ sở mới, kể cả tạm thời, đang được phát triển để đáp ứng số lượng bệnh nhân tử vong ngày càng tăng trong đại dịch.

Sự thiếu hụt này chỉ là một phần trong tình trạng khó khăn chung mà Ấn Độ đang phải đối mặt khi làn sóng lây nhiễm bùng phát dữ dội tại nước này. Hiện toàn bộ Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng thiết bị và vật tư y tế quan trọng như ôxy, máy thở, thuốc men, vaccine và cả giường bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo rằng nền kinh tế Ấn Độ có thể suy yếu mạnh mẽ và kìm hãm nền kinh tế toàn cầu.

Theo Phó Chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant, nguy cơ suy thoái đang hiện hữu ở Ấn Độ. Ông Brilliant lo ngại tình hình dịch bệnh phức tạp tại Ấn Độ cũng có nguy cơ kéo nền kinh tế Mỹ tụt dốc và tạo hiệu ứng dây chuyền, khi nhiều công ty Mỹ sử dụng hàng triệu lao động Ấn Độ trong các công việc khác nhau.

Cùng ngày, Phòng Thương mại Mỹ cùng giám đốc điều hành của 40 công ty đã thành lập một đội đặc nhiệm để hỗ trợ cung cấp các trang thiết bị, vật dụng y tế, máy trợ thở và cho Ấn Độ. Nhóm này cũng lập một trang web để các công ty Mỹ có thể quyên góp hiện vật.

Các quan chức của Phòng Thương mại Mỹ cùng các giám đốc điều hành đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cố vấn Nhà Trắng Kurt Campbell vào ngày 26/4 để bàn thảo về mức độ sâu rộng của cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo mà Ấn Độ đang đối mặt.

Trong khi đó, hạ nghị sĩ Mỹ Ro Khanna cho biết, các giám đốc điều hành người Mỹ gốc Ấn Độ làm việc tại những hãng công nghệ lớn như Google, IBM và Microsoft đã cam kết sẽ hợp tác với các nghị sĩ để tìm cách tăng nguồn hỗ trợ y tế cho Ấn Độ. Nhóm các giám đốc điều hành công nghệ này sẽ là cầu nối giữa các bệnh viện và cơ sở y tế của Ấn Độ với những nguồn hỗ trợ.

Tập đoàn công nghệ Google cũng công bố khoản tài trợ bổ sung trị giá 18 triệu USD dành cho các bệnh nhân COVID-19 và hỗ trợ y tế, trong khi Giám đốc điều hành Sundar Pichai cũng sẽ tài trợ 700.000 USD cho hoạt động ứng phó dịch bệnh của văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Ấn Độ.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/254995/chuyen-hang-vien-tro-y-te-khan-cap-dau-tien-cua-anh-toi-an-do.html