Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tại Hà Nội: Chặng đường dài phía trước
Hiện, Hà Nội có khoảng 300.000 hộ kinh doanh theo mô hình nhỏ gọn, tự quản là chính. Đây chính là lực lượng hùng hậu để phát triển thành doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Song, vẫn còn chặng đường dài phía trước để các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp.
Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong ảnh: Một hộ kinh doanh hàng tạp hóa tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm
Kết quả chuyển đổi còn hạn chế
Tình hình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến nay gần như “giậm chân tại chỗ”. Theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Trần Hà Thanh, nguyên nhân là do tâm lý e ngại gặp phiền hà trong quá trình hoàn thiện hồ sơ thủ tục; đặc biệt là sợ phải chi phí nhiều hơn khi trở thành doanh nghiệp. Về phía cơ quan chức năng, vẫn còn một số bất cập trong việc nắm bắt tình hình, áp dụng nghiệp vụ quản lý đối với hộ kinh doanh.
Từ góc độ của người trong cuộc, chị Phạm Thị Thư, chủ một ki ốt kinh doanh tổng hợp tại chợ Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết, gia đình chị đã kinh doanh ổn định hơn 20 năm, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới việc phát triển thành doanh nghiệp. “Nguyên nhân trước hết vì quy mô hoạt động nhỏ, chủ yếu dựa vào nhân lực trong gia đình nên chỉ quen vận hành theo cách thức đơn giản. Mặt khác, nếu “lên” doanh nghiệp thì sẽ vướng một số yêu cầu mang tính bắt buộc như phải đáp ứng quy định về sổ sách kế toán, nhân sự. Quản lý cũng phức tạp hơn”, chị Phạm Thị Thư chia sẻ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập trên là do chưa có hành lang pháp lý cho mô hình hộ kinh doanh. Tiến sĩ Phạm Thị Vân Anh (Học viện Tài chính) nhận xét, hộ kinh doanh được ví như doanh nghiệp siêu nhỏ, có quyền tự do kinh doanh nhưng lại không có tư cách pháp nhân. Vì thế, mô hình hoạt động bó hẹp, khó tiếp cận vốn, kém minh bạch… Bản thân chủ hộ kinh doanh không thấy được lợi ích khi phát triển thành doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, thiếu hành lang pháp lý làm cho việc quản lý các hộ kinh doanh gặp không ít khó khăn; đồng thời lại không bảo vệ được lợi ích hợp pháp khi hộ kinh doanh gặp sự cố.
Một hộ kinh doanh hàng tạp hóa tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang
Sớm khẳng định địa vị pháp lý
Như vậy, vấn đề đặt ra vẫn là tập trung vận động, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp để tăng cường sức mạnh của đội ngũ doanh nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách, thuận lợi hơn trong công tác quản lý cũng như tạo điều kiện hỗ trợ phát triển dài hạn, bài bản. Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã bàn về việc xây dựng hành lang pháp lý cho hộ kinh doanh.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Thái Bình) cho rằng, hộ kinh doanh là một đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh, có đóng góp xã hội nên cần được định danh một cách chính thức. Vì vậy, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tạo điều kiện cho việc phát triển doanh nghiệp nói chung. Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn thành phố Hà Nội) cũng ủng hộ đưa quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp. “Qua tham gia các đoàn giám sát, tôi thấy việc quản lý hộ kinh doanh đang là vấn đề khó của các địa phương nên cần sớm có hành lang pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nói.
Ngược lại, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, nên ban hành luật riêng về hộ kinh doanh; bởi hộ kinh doanh không phải là công ty nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Tính chung, số hộ kinh doanh hiện gấp khoảng 7 lần số doanh nghiệp và thực tế còn nhiều hơn vì nhiều hộ kinh doanh không đăng ký. Lý do khác cần có luật riêng là để quản lý thuế tốt hơn.
Dù xây dựng luật riêng hay là một phần của Luật Doanh nghiệp thì cũng không thể thiếu các cơ chế hỗ trợ để hộ kinh doanh phát triển hiệu quả. Tiến sĩ Phạm Thị Vân Anh kiến nghị, cần cho phép hộ kinh doanh khi chuyển thành doanh nghiệp được kế thừa giấy phép đã có; được miễn các loại thuế, phí trong thời gian đầu chuyển đổi… Còn theo Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Trịnh Thị Ngân, bên cạnh việc khuyến khích, cần có giải pháp đủ mạnh, để hộ kinh doanh thấy được lợi ích khi phát triển thành doanh nghiệp, như được hỗ trợ sản xuất, mặt bằng, nhân lực, chi phí, thuế… Đặc biệt, khi có tư cách pháp nhân, hộ kinh doanh có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Lê Văn Quân cho rằng, về lý thuyết mỗi hộ gia đình có quyền tự quyết, lựa chọn hình thức kinh doanh ở cấp độ hộ kinh doanh hay trở thành doanh nghiệp. Còn trên thực tế, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới về thủ tục hành chính, thuế, phí, đào tạo nhân lực, quản trị...
Tại hội nghị giao ban công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của UBND thành phố Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục tập trung các giải pháp thành lập doanh nghiệp mới, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, phấn đấu năm 2020 thành lập 30.000 doanh nghiệp.
Dù chặng đường phía trước còn dài, song bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, chỉ rõ lợi ích, việc sớm phân định rạch ròi, đầy đủ về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh đóng một vai trò rất quan trọng. Chỉ có như vậy mới khơi thông, phát huy được nguồn lực, tiềm năng của hộ kinh doanh thông qua chuyển đổi thành doanh nghiệp.