Chuyển hóa các giá trị văn hóa vào quản trị doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, trước yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc chuyển hóa các giá trị văn hóa vào quản trị doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa là những giải pháp quan trọng khai thông và phát huy các tiềm năng văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.
Chuyển hóa các giá trị văn hóa vào quản trị doanh nghiệp
Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hướng đến giá trị văn hóa đích thực và phát huy giá trị của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, trong đó có việc chuyển hóa các giá trị văn hóa vào quản trị doanh nghiệp. Chính vì thế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một vấn đề liên quan đến sự tồn tại và phát triển bền vững của các doanh nghiệp thời hiện đại.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã khẳng định những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống. Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Vậy, làm thế nào để chuyển hóa các giá trị đó vào sự nghiệp xây dựng đất nước, phát triển kinh tế mà cụ thể là vào quản trị doanh nghiệp ở nước ta hiện nay?
Trước đây, trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh định hướng giá trị cho dân tộc, hướng tới mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ngày nay, trước nhiệm vụ mới, to lớn, chưa từng diễn ra ở nước ta là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng xã hội mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra định hướng mục tiêu là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, mỗi khi có giặc xâm lăng thì lòng yêu nước lại trỗi dậy, kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, cuốn phăng bè lũ cướp nước và bán nước. Nhiệm vụ của chúng ta là phải phát huy, khơi dậy tinh thần ấy trong thời kỳ mới hiện nay, kết hợp hài hòa lợi ích “độc lập, tự do” của dân tộc với lợi ích chính đáng của mỗi người dân. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(1). Vì thế, sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn với việc nâng cao đời sống của nhân dân, để người dân thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, nỗ lực phấn đấu, lao động, sáng tạo, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó cũng là tiền đề, điều kiện để chuyển hóa “ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc” trong chiến tranh thành “ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - doanh nghiệp (cơ quan, đơn vị) - Tổ quốc” trong phát triển kinh tế và xây dựng đất nước hiện nay.
Các quan hệ của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải hướng đến giá trị đoàn kết, năng động, sáng tạo, hiệu quả và phát triển bền vững... Các giá trị đó rất phù hợp với các giá trị vốn có của dân tộc Việt Nam đã được vun đắp qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Song chuyển hóa giá trị đó thành “tinh thần doanh nghiệp” không phải là công việc dễ dàng. Do vậy, trên cơ sở giá trị dân tộc, như “đồng bào”, “nhân ái”, “nghĩa tình”, “đạo lý”, cần kiến tạo nên giá trị “cộng sinh”, “cộng tồn” và “đồng thuận xã hội” trong doanh nghiệp; cần giải quyết đúng đắn và hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động trên cơ sở lợi ích chung của cộng đồng và giá trị “nghĩa tình”, “đạo lý” của dân tộc. Khi Việt Nam có những doanh nghiệp được quản trị bằng tinh thần Việt Nam, giá trị văn hóa Việt Nam, thì khi đó chúng ta đã chuyển đổi thành công giá trị văn hóa vào quản trị doanh nghiệp.
Chuyển đổi giá trị văn hóa dân tộc vào quản trị doanh nghiệp không chỉ là làm cho người chủ và người lao động trong doanh nghiệp sống “hòa thuận”, “nhân ái”, “nghĩa tình” mà còn để chăm lo con người, nâng cao đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, cũng như văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp...
Các doanh nhân nổi tiếng đầu thế kỷ XX, như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà,... kinh doanh không chỉ để làm giàu mà vì lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, sự không chịu thua kém các doanh nghiệp nước ngoài. Tất cả đã góp phần xây đắp truyền thống tự cường của con người Việt Nam trong phát triển kinh tế. Ngày nay, truyền thống cao quý đó cần được giáo dục, bồi đắp và nhân lên trong đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đang ngày càng phát triển và lớn mạnh. Muốn làm được điều đó cần sự thay đổi cách nhìn nhận thiên kiến, cũ kỹ về vai trò của kinh tế tư nhân, doanh nhân ngoài quốc doanh. Kinh tế tư nhân phải trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước. Các nhà kinh tế thế giới đưa ra tiêu chuẩn xác định một nền kinh tế phát triển là tỷ lệ dân số tham gia vào công việc kinh doanh và số lượng các doanh nghiệp lớn, số tỷ phú đô la của nước đó. Trước đây, trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, chúng ta tôn vinh những người chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh là những người anh hùng dân tộc, biểu hiện cho tinh thần bất khuất, tự cường dân tộc. Ngày nay, chúng ta cần biểu dương những doanh nhân chân chính, những “anh hùng” trên thương trường, đang nỗ lực ngày đêm với tinh thần quả cảm và sáng tạo trên mặt trận kinh tế, góp phần to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước, đưa đất nước vươn lên cùng các cường quốc trên thế giới. Trong Thư gửi các giới công thương Việt Nam, ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi giới công thương Việt Nam “làm nhiều việc ích quốc lợi dân”, “phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế vững vàng và thịnh vượng”(2). Người đề cao sự đóng góp của doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ, gọi họ là những “ân nhân của dân tộc”.
Giải pháp chuyển hóa các giá trị văn hóa dân tộc vào quản trị doanh nghiệp mang tính cơ bản và tiên quyết là chuyển đổi định hướng giá trị của xã hội Việt Nam hiện nay. Vấn đề này về vĩ mô đã được Đảng làm rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Muốn thực hiện được định hướng giá trị đó cần phải chuyển hóa tinh thần yêu nước, anh hùng, bất khuất trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược sang tinh thần yêu chủ nghĩa xã hội, quyết tâm đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Giáo dục và nâng cao ý thức tự cường dân tộc của các nhà doanh nghiệp là một giải pháp văn hóa vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó cần chuyển hóa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thành động lực tinh thần của người lãnh đạo, quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp. Hiện nay, trong quá trình xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hợp tác quốc tế, phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt với các quốc gia, nhiều doanh nhân Việt Nam cần được tôn vinh vì những đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và Việt Nam cần phải có các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế dân tộc có tiềm lực lớn mạnh ở tầm khu vực và thế giới.
Chuyển hóa các giá trị văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa
Có thể thấy, ngành công nghiệp văn hóa (còn có tên gọi là công nghiệp trải nghiệm, công nghiệp bản quyền, công nghiệp giải trí, công nghiệp sáng tạo - văn hóa) là một khu vực kinh tế mới, ra đời ở phương Tây vào cuối thập niên 60 thế kỷ XX và phát triển mạnh trong cơ cấu kinh tế của các nước phát triển. Đó là một hiện tượng kinh tế - văn hóa ra đời trong điều kiện của nền kinh tế tri thức, dựa vào các tiềm năng văn hóa con người cùng với các yếu tố công nghệ và phát triển kinh tế thị trường. Có nghiên cứu khẳng định, công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp sử dụng các sáng tạo, kỹ năng và trí tuệ nguyên gốc của các cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải vật chất dưới dạng hàng hóa có hàm lượng trí tuệ cao và tạo ra công việc cho nhiều thế hệ. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) quan niệm, ngành công nghiệp sáng tạo - văn hóa là sự kết hợp sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có tính chất phi vật thể và văn hóa tạo thành các sản phẩm hay dịch vụ văn hóa, được bảo vệ bởi luật bản quyền. Đặc điểm chung của các loại hàng hóa hay dịch vụ văn hóa này là vừa mang giá trị văn hóa vừa mang giá trị kinh tế, có hàm lượng chất xám cao, được vận hành theo quy luật của nền kinh tế hàng hóa và có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các yếu tố công nghệ. Các ngành công nghiệp văn hóa là sản phẩm của kinh tế tri thức xoay quanh các trụ cột sự sáng tạo cá nhân và sở hữu trí tuệ, thị trường, công nghệ(3).
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, nhưng thực tiễn cho thấy vẫn chưa có sự chuyển biến căn bản trong nhận thức cũng như hành động của nhiều nhà lãnh đạo, quản lý các cấp ở các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra giải pháp “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa lành mạnh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa; tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội”(4).
Quan điểm trên mang tính bao quát, toàn diện, tạo ra điều kiện “thị trường” cho sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo - văn hóa. Song, vấn đề đặt ra hiện nay là cần cụ thể hóa bằng những bước đi phù hợp.
Thị trường văn hóa cần được bảo đảm sự vận hành thông suốt, minh bạch, công bằng trong các chính sách của Nhà nước và sự quản lý của các cơ quan hữu quan. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, những người sáng tạo, sản xuất sản phẩm văn hóa “kinh doanh lành mạnh”, “cạnh tranh bình đẳng” và “phục vụ trung thực”. Để thực hiện được yêu cầu trên, vấn đề quản lý sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa phải thực sự đặt trong cơ chế thị trường. Trước hết, phải coi các sản phẩm văn hóa là hàng hóa (hàng hóa đặc biệt) của nền kinh tế thị trường, lấy quy luật giá trị, cung - cầu, cạnh tranh điều tiết việc sản xuất, kinh doanh; đồng thời phải chuyển đổi nhận thức của người tiêu dùng sản phẩm văn hóa, từ thói quen hưởng thụ phúc lợi được bao cấp sang sử dụng sản phẩm phải trả tiền và chủ động, tự chủ thỏa mãn nhu cầu, nghĩa là phải tạo ra một công chúng mới - những “thượng đế” thực thụ của thị trường văn hóa, tức là những khách hàng tiêu dùng sản phẩm văn hóa vừa đa dạng nhu cầu, vừa tự chủ chọn lựa và vừa chủ động chi trả thù lao. Họ phải có năng lực và trình độ nhất định trong việc thưởng thức các sản phẩm văn hóa để chọn lọc các sản phẩm bổ ích cho mình mà không gây hại cho xã hội, không sa vào tiêu cực.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra, vai trò của khoa học - công nghệ ngày càng tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo tinh thần. Khoa học - công nghệ không chỉ đưa lại cho con người những công cụ sáng tạo mới, phương thức sáng tạo mới mà cả vật liệu mới làm thay đổi nhanh chóng không chỉ đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần. Công nghệ giúp cho người sáng tạo (sản xuất), nhà kinh doanh các sản phẩm của các ngành công nghiệp sáng tạo - văn hóa tạo ra sản phẩm nhanh chóng hơn, đa dạng hơn và chất lượng tốt hơn; quảng bá, phổ biến sản phẩm sâu rộng hơn; bảo quản, lưu giữ sản phẩm lâu bền hơn; công chúng (khách hàng) được tiêu dùng sản phẩm văn hóa luôn mới mẻ, phong phú và đa dạng hơn. Như vậy, công nghệ đã thúc đẩy sáng tạo, sản xuất tiêu dùng các sản phẩm của ngành công nghiệp sáng tạo - văn hóa phát triển mạnh mẽ và điều quan trọng là giá cả phù hợp với năng lực chi trả của công chúng.
Thực tiễn đời sống xã hội đã chứng minh, muốn phát triển văn hóa không thể không tiếp thu các thành tựu khoa học - công nghệ (hay các thành tựu văn hóa, văn minh) của nhân loại. Từ năm 1997, nước ta đã sử dụng mạng internet vào khai thác, góp phần phát triển đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, nhờ đó mà ngành công nghiệp văn hóa từng bước phát triển và có những tiến bộ đột phá.
Tuy nhiên, việc tiếp thu công nghệ sáng tạo, sản xuất, quản trị của nước ngoài được xem là rất cần thiết hiện nay nhưng vẫn phải khẳng định rằng, việc sử dụng công nghệ truyền thống, tri thức truyền thống và bí quyết nghề nghiệp cổ truyền cũng rất quan trọng, đặc biệt trong sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống ở các vùng, miền, làng, xã. Do đó, cần có sự kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, tri thức truyền thống với tri thức khoa học, công nghệ hiện đại để sáng tạo, sản xuất ra các sản phẩm vừa truyền thống, vừa hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có những tiền đề cần thiết cho sự chuyển hóa và thúc đẩy sự chuyển hóa các tiềm năng, giá trị văn hóa - con người vào các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của ngành công nghiệp văn hóa. Từ thực tiễn nước ta, để phát triển công nghiệp văn hóa, cần dựa vào các trụ cột là: Sáng tạo - thị trường - công nghệ và cần thực hiện đồng bộ hệ thống giải pháp nhằm hướng sự chuyển hóa vào các trụ cột đó.
Thứ nhất, là những giải pháp thúc đẩy sự sáng tạo. Trụ cột sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa chính là năng lực của các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất và kinh doanh ngành công nghiệp. Trong đó, chủ yếu là chủ thể lãnh đạo, quản lý và chủ thể sản xuất sản phẩm. Do đó, phải hình thành và bồi đắp năng lực sáng tạo của chủ thể lãnh đạo, quản lý và điều kiện tiên quyết là phải nhận thức đúng, đầy đủ về giá trị, ý nghĩa của văn hóa. Chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội nói chung và chủ thể lãnh đạo, quản lý văn hóa nói riêng cần phải thức nhận rằng, trong đời sống xã hội hiện đại, văn hóa không chỉ có chức năng tuyên truyền, cổ động tinh thần, tư tưởng mà còn có chức năng kinh tế. Sáng tạo văn hóa, nghệ thuật không chỉ thực hiện chức năng “tải đạo”, “ngôn chí” và “xướng họa” như trong xã hội truyền thống phương Đông quan niệm. Văn hóa, nghệ thuật ngày nay cần phải tham gia vào phát triển kinh tế, làm giàu cho mỗi cá nhân và xã hội. Quá trình này chính là quá trình cởi bỏ những “nút thắt” căn bản từ trong nhận thức của chủ thể lãnh đạo, quản lý, chủ thể sáng tạo, biểu diễn, tổ chức sản xuất các sản phẩm văn hóa ở nước ta để giải phóng tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp sáng tạo nói riêng, văn hóa nói chung.
Thứ hai, giải pháp về “thị trường” nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và tiêu dùng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, gắn với các vấn đề liên quan tới sở hữu tư nhân, sở hữu trí tuệ và thói quen tiêu dùng sản phẩm văn hóa của công chúng hiện nay. Trước hết, phải xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển thị trường văn hóa ở nước ta.
Thứ ba, Chính phủ cần có sự chỉ đạo tập trung, nhất quán, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa các bộ, ngành, bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm thúc đẩy, phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường phân cấp hành chính… Tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất việc xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành chưa được quan tâm để công nghiệp sáng tạo - văn hóa có sự phát triển đồng bộ, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà sáng tạo, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo - văn hóa, như chính sách đất đai, vay vốn, thuế, đầu tư kết cấu hạ tầng,… tạo ra những ưu đãi ban đầu cho thị trường văn hóa (thị trường đặc thù và mới mẻ) hiện nay dần phát triển. Bảo đảm quyền sở hữu tư nhân để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ văn hóa có tính đặc thù. Thực hiện nghiêm Luật Sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo và kinh doanh đối với ngành công nghiệp văn hóa. Có chính sách tôn vinh những người sáng tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, những nhà kinh doanh giỏi, làm giàu trong lĩnh vực văn hóa.
Thứ tư, giải pháp về “công nghệ” - yếu tố rất quan trọng cho sự ra đời và phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo - văn hóa trên thế giới và nước ta hiện nay. Trước hết, là giải pháp tiếp nhận, tiếp thu công nghệ mới của các nước tiên tiến về khoa học - công nghệ. Đây là chủ trương Đảng ta đã đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Tiếp thu các thành tựu khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và phát triển văn hóa không chỉ ở phương diện công nghệ máy móc mà cả công nghệ tổ chức sản xuất và quản lý kinh doanh, tức là cách thức tổ chức, quản lý sản xuất và cung cấp sản phẩm văn hóa theo phương thức công nghiệp. Một trong những “điểm nút” chúng ta cần tập trung giải quyết hiện nay là việc phân công và kết hợp giữa vai trò, vị trí của một dây chuyền, ê-kíp sản xuất sản phẩm văn hóa; sự phân khúc thị trường và mối quan hệ giữa nhà sáng tạo, nhà sản xuất, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà phân phối sản phẩm...
Thứ năm, phải coi trọng và có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mang tính đặc thù của ngành công nghiệp sáng tạo - văn hóa. Trong sáng tạo và sản xuất sản phẩm nghệ thuật cần đào tạo chuyên gia sáng tạo, các nhà biên dịch và đạo diễn, chuyên gia tổ chức các sự kiện văn hóa, các nhà lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp văn hóa. Ngoài năng lực quản trị, kinh doanh như các nhà doanh nghiệp, họ phải có tri thức và nghệ thuật kinh doanh đối với lĩnh vực đặc thù là hoạt động sáng tạo, sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm tinh thần của xã hội vốn hết sức tinh tế, đa dạng và phức tạp.
Đối với chủ thể lãnh đạo, quản lý xã hội, quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, ngoài việc phải đổi mới nhận thức về chức năng của văn hóa, nâng cao nhận thức về vai trò của ngành công nghiệp văn hóa, cần bồi dưỡng kỹ năng, công nghệ quản lý các ngành công nghiệp mới mẻ này. Bởi lãnh đạo, quản lý các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa hiện nay phức tạp hơn nhiều vì chúng vừa thuộc lĩnh vực tinh thần, tư tưởng vừa thuộc lĩnh vực kinh tế, vừa theo yêu cầu của công tác tư tưởng, vừa theo quy luật của kinh tế thị trường... Lãnh đạo, quản lý ngành công nghiệp sáng tạo hiện đại đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý cũng phải rất sáng tạo, sử dụng, vận dụng các công nghệ mới và hiện đại vào công việc để mang lại hiệu quả mong muốn, góp phần phát huy vai trò của văn hóa như một nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội./.
----------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 64
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64
(3) Theo Lương Hồng Quang: Các ngành công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2018
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 130.