Chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, một chủ trương đúng đắn

Ngày 20/7/2017, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 3548/KH-UBND về việc thực hiện Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội (Đề án CHĐB). Sau 3 năm triển khai thực hiện đề án cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, mang tính thực tiễn cao, phù hợp với công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở trong tình hình mới.

 Ra mắt mô hình 3 không và cổng trường an toàn -Ảnh: K.H

Ra mắt mô hình 3 không và cổng trường an toàn -Ảnh: K.H

Ngay từ những ngày đầu thực hiện Đề án CHĐB, Ban chỉ đạo 138 tỉnh đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ về phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) để tổ chức có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương, qua đó huy động tốt sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Trên tinh thần quyết tâm thực hiện có hiệu quả Đề án CHĐB, trong năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ trực tiếp cho BCĐ 138 tỉnh, yêu cầu sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến địa phương, nhất là tại các xã, phường, thị trấn được chọn làm địa bàn chuyển hóa. Các sở, ban ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa vào chức năng nhiệm vụ của mình để chỉ đạo cấp cơ sở thực hiện việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội (TTATXH).

Thực hiện việc chuyển hóa địa bàn, 100% xã, phường được chọn làm điểm đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của đơn vị mình, đồng chí bí thư giữ vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện; chủ tịch UBND cấp xã làm trưởng ban; trưởng Công an cấp xã làm phó trưởng ban; các ban, ngành là thành viên ban chỉ đạo. Các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trên địa bàn luôn được củng cố, kiện toàn đảm bảo trong sạch vững mạnh, đoàn kết nội bộ và nhiệt huyết với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ban chỉ huy Công an cấp huyện không ngừng quan tâm, chỉ đạo tăng cường phương tiện, lực lượng, kinh phí cho Công an cấp xã. Đặc biệt là việc triển khai nghiêm túc đề án đưa Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, nhất là các xã thuộc địa bàn trọng điểm, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các địa bàn trọng điểm để thực hiện tốt việc chuyển hóa, đồng thời làm tốt công tác vận động Nhân dân tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở với hàng trăm lượt phát động; hàng ngàn lượt hộ gia đình và Nhân dân ký cam kết giữ gìn ANTT...

Lực lượng Công an cũng đã tập trung chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ công tác Công an, đặc biệt là công tác nghiệp vụ cơ bản nhằm phục vụ kịp thời các hoạt động điều tra. Theo đó, đã đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, sưu tra, xác minh hiềm nghi, đấu tranh chuyên án đảm bảo chất lượng, nội dung và quy trình. Thực hiện tốt kế hoạch về kiểm danh, kiểm diện đối tượng quản lý nghiệp vụ, các hệ loại đối tượng sưu tra, đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn để có biện pháp quản lý, đấu tranh có hiệu quả. Sau quá trình chuyển hóa, trên các địa bàn trọng điểm đã tiến hành gọi hỏi, răn đe 653 đối tượng. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực ANTT được chú trọng đẩy mạnh. Đã tiến hành 56 lượt kiểm tra tại 111 cơ sở kinh doanh có điều kiện, phát hiện 2 cơ sở vi phạm; vận động Nhân dân giao nộp nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (gồm 61 khẩu súng tự chế, 7 đạn các loại), kiểm tra, phát hiện 10 vụ tàng trữ trái phép vũ khí...

Tại các địa bàn được lựa chọn để chuyển hóa, với vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, lực lượng Công an đã thực hiện có hiệu quả nhiều biện pháp phòng ngừa cũng như chủ động ngăn chặn, đấu tranh triệt phá nhiều tụ điểm phức tạp về hình sự, kinh tế, ma túy và tệ nạn xã hội, làm tốt công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng nhằm phát hiện các đối tượng truy nã, đối tượng bỏ trốn ẩn nấp trên địa bàn. Qua đó đã phát hiện, điều tra, làm rõ 42/45 vụ, phát hiện 65 đối tượng có hành vi phạm tội về TTXH, đạt tỉ lệ khám phá 93,3%; phát hiện, bắt 16 vụ/21 đối tượng phạm tội về ma túy; phát hiện và xử lý 26 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, lập hồ sơ 92 đối tượng nghiện ma túy; phát hiện và xử lý 3 vụ/5 đối tượng buôn bán, kinh doanh hàng hóa trái phép; tổ chức 920 lượt tuần tra, mật phục vũ trang với gần 8.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, phát hiện 103 trường hợp vi phạm, xử phạt 112 triệu đồng... Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp đưa ra xét xử lưu động 5 vụ/5 bị can, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, đem lại ý nghĩa răn đe, giáo dục, phòng ngừa cao.

Năm 2018, tỉnh Quảng Trị đã chuyển hóa thành công 4/7 địa bàn trọng điểm, chiếm tỉ lệ 57,1% (tăng 3 địa bàn so với năm 2017). Năm 2019 đã chuyển hóa thành công 4/6 địa bàn trọng điểm, chiếm tỉ lệ 66,7%, tăng 9,6% so với 2018 và đạt yêu cầu của Bộ Công an đề ra. Trong đó, xét đạt 3/3 tiêu chí theo Hướng dẫn số 10/C41-C42 và tại tiêu chí thứ nhất đạt 5/5 chỉ tiêu. Với 5 địa bàn được lựa chọn chuyển hóa trong năm 2020 cơ bản tình hình ổn định, trong đó 4 địa bàn tình hình tội phạm giảm và hy vọng chuyển hóa thành công.... Quá trình xét duyệt địa bàn chuyển hóa thành công đều đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo Hướng dẫn số 10/C41-C42, đảm bảo qua thời gian thử thách thực tế.

Việc xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự để tập trung giải quyết dứt điểm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm tội phạm đến mức thấp nhất, tình hình an ninh trật tự được giữ vững đã tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Kết quả tích cực của công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội được thể hiện rõ trên tất cả các địa bàn đã và đang được lựa chọn, các tiêu chí đánh giá đều được kiềm chế tiến đến đẩy lùi. Tội phạm và vi phạm pháp luật về TTXH, về ma túy, môi trường được đẩy lùi; vi phạm pháp luật về kinh tế tăng tỉ lệ phát hiện. Tỉ lệ chuyển hóa thành công các địa bàn tăng dần theo hằng năm, vượt mức yêu cầu đề ra của đề án. Các địa bàn chuyển hóa tốt năm 2018, 2019 đã duy trì bền vững kết quả đạt được, 100% các địa bàn đã chuyển hóa không tái phức tạp trở lại sau chuyển hóa và đủ điều kiện để đưa ra khỏi danh sách địa bàn trọng điểm...

Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, ở một số nơi vẫn còn tư tưởng coi nhiệm vụ phòng chống tội phạm chỉ là của lực lượng Công an. Chính vì vậy, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tính tích cực của khối đại đoàn kết toàn dân, vai trò chủ động sáng tạo của các ngành, các cấp trong bộ máy nhà nước vào công tác giữ gìn an ninh quốc gia và phòng chống tội phạm, chưa tập trung nguồn lực vào địa bàn trọng điểm, phức tạp để chuyển hóa. Mặt khác, việc phát động tuyên truyền tập trung ở một số điểm dân cư chưa mang lại hiệu quả cao, số lượng cán bộ và Nhân dân tham gia còn hạn chế, thành phần tham gia chủ yếu là những gia đình, cá nhân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đó là những tồn tại mà trong quá trình tiếp tục thực hiện việc chuyển hóa địa bàn phải quan tâm tháo gỡ, vận động, tuyên truyền để việc thực hiện đề án mang lại hiệu quả cao hơn.

Khánh Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=156751&title=chuyen-hoa-dia-ban-phuc-tap-ve-an-ninh-trat-tu-mot-chu-truong-dung-dan