Chuyện học ở vùng khó khăn
Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện An Phú (tỉnh An Giang) luôn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành, toàn xã hội, tạo điều kiện thực hiện các nhiệm vụ GD&ĐT tại địa phương. Tuy nhiên, hoạt động GD&ĐT của địa phương vẫn còn không ít khó khăn.
Trường Tiểu học "A" Phú Hội nằm ở địa bàn khó khăn của xã Phú Hội (huyện An Phú), với 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên; có 13 lớp với 380 học sinh. Qua nhiều năm nỗ lực phấn đấu, tập thể sư phạm trường ngày càng phát triển, 100% cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo quy định.
Vừa qua, trường long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia (mức độ 1) của UBND tỉnh. Đây là sự ghi nhận công lao đóng góp, sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ nhà giáo và học sinh, là động lực để tập thể sư phạm nhà trường phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới.
Được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành và toàn xã hội, cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn được đầu tư ngày càng khang trang; trang thiết bị dạy học hàng năm được bổ sung và hoàn thiện dần, góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng dạy và học. Trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới, các địa phương được đầu tư theo đúng yêu cầu chuẩn hóa về cơ sở vật chất trường học, giúp các trường nâng cao chất lượng dạy và học.
Tình trạng trường lớp xuống cấp, phòng học tạm dần được khắc phục. Từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện sửa chữa 29 danh mục công trình ở 23 điểm trường học với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng; có 314 danh mục thiết bị, sách được mua sắm phục vụ công tác giảng dạy tại các trường, tổng kinh phí trên 4,6 tỷ đồng.
Toàn huyện An Phú có 15/57 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 26,32%, trong đó trường mầm non - mẫu giáo (4/14), tiểu học (8/31), THCS (3/12). Huyện còn có Trường THPT An Phú, Trường THPT Vĩnh Lộc, Trường THPT Quốc Thái, Trường THCS - THPT Long Bình, trong đó Trường THPT An Phú đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT 3 năm liền đạt 99,92%.
Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu công tác. Đối với những trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực; cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Theo Phòng GD&ĐT huyện An Phú, cơ sở vật chất trường học dù đã được đầu tư đáng kể nhưng nhìn chung chưa đồng bộ và chưa đáp ứng tốt yêu cầu của sự phát triển (chủ yếu xây dựng phòng học, còn thiếu nhiều phòng chức năng, phòng bộ môn...). Một số trường còn thiếu diện tích theo quy định nhưng rất khó mở rộng. Mạng lưới trường lớp không tập trung, phân tán nhiều điểm lẻ, đặc biệt khu vực nông thôn. Cơ sở vật chất các trường mầm non còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng so với yêu cầu hiện nay. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ ở các điểm lẻ còn nhiều hạn chế…
Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra; nhiều đơn vị trường học gặp nhiều khó khăn về phòng học, phòng dạy tin học, đặc biệt cấp tiểu học dạy 2 buổi/ngày. Năm học 2023 - 2024, cấp tiểu học thiếu 39 phòng học, 18 phòng tin học; cấp THCS thiếu 12 phòng học để phục vụ giảng dạy phụ đạo học sinh yếu và tuyển sinh vào lớp 10…
Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú Võ Hoàng Lâm cho biết, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục khắc phục khó khăn để tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, phát triển mạnh mẽ sự nghiệp GD&ĐT; quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, ý thức công dân, kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề. Huyện tiếp tục điều chỉnh mạng lưới GD&ĐT, dạy nghề theo hệ thống giáo dục mở.
Trong đó, đề nghị tiếp tục được hỗ trợ kinh phí để các địa phương đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chí xây dựng trường học đạt chuẩn. Xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường trong danh mục xã nông thôn mới, trường đạt chuẩn quốc gia.
Huyện An Phú đẩy mạnh xã hội hóa GD&ĐT, phát huy mọi nguồn lực của xã hội nhằm phát triển sự nghiệp GD&ĐT bền vững; xây dựng giải pháp sáng tạo, phù hợp, khắc phục những tồn tại, yếu kém, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chuyen-hoc-o-vung-kho-khan-a375485.html