'Chuyến hồi hương' đuối sức của đại gia Hưng Yên Đặng Trung Kiên
Dù tình hình kinh doanh không mấy khả quan, nhưng Tecgroup vẫn thông qua chủ trương đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu vui chơi thể thao và dịch vụ tổng hợp Trường Thành tại Hưng Yên với tổng mức đầu tư lên tới 300 tỷ đồng.
Dự án 300 tỷ đồng tại quê Chủ tịch
Mới đây, CTCP Bất động sản và Xây dựng Trường Thành (Tecgroup) đã thông qua chủ trương đầu tư thực hiện dự án "Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu vui chơi thể thao và dịch vụ tổng hợp Trường Thành" nằm ở xã Thanh Long (Yên Mỹ) với vốn đầu tư dự kiến là 300 tỷ đồng. Tecgroup dự kiến đầu tư 21,56% (khoảng 65 tỷ đồng) bằng vốn chủ sở hữu và 78,44% còn lại (tương đương 235 tỷ đồng) bằng vốn vay, vốn huy động.
HĐQT của Tecgroup cho biết thời gian thực hiện dự án trong khoảng 36 tháng, thời gian hoạt động trong 50 năm kể từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Mục tiêu của dự án này nhằm xây dựng khu phức hợp đa chức năng cung cấp các dịch vụ cao cấp, chất lượng tại Hưng Yên.
Được biết, Tecgroup thành lập từ tháng 2/2011 với lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh vật liệu xây dựng và cung cấp dịch vụ xây lắp.
Tecgroup do ông Đặng Trung Kiên làm Chủ tịch HĐQT, quê gốc tại huyện Phù Cử (Hưng Yên). Do đó, có thể coi dự án 300 tỷ đồng mà doanh nghiệp dự định đầu tư sẽ là “chuyến hồi hương” ghi dấu ấn của vị Chủ tịch Đặng Trung Kiên.
Doanh nhân này còn là Chủ tịch công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam (tập đoàn Trường Thành), doanh nghiệp đầu tư đa ngành với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, bao gồm 16 công ty thành viên. Hiện tập đoàn Trường Thành cũng là cổ đông lớn của Tecgroup với tỉ lệ sở hữu 37,44% vốn.
Trên thương trường, Trường Thành Việt Nam nổi tiếng với vai trò nhà đầu tư có nhiều dự án năng lượng tái tạo có tổng vốn hàng nghìn tỷ đồng, điển hình như dự án điện mặt trời Bình Nguyên tại Quảng Ngãi, dự án điện mặt trời Cát Hiệp tại Bình Định hay dự án điện mặt trời Hòa Hội liên doanh với B.Gimm của Thái Lan. Tuy nhiên, hầu hết các dự án động thổ xây dựng đến nay đã sang tay phần lớn giá trị dự án cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có BGrim Power và Sermsang của Thái Lan.
Tấm áo quá rộng của Tecgroup?
Về tình hình tài chính của Tecgroup, dù có sự hỗ trợ đắc lực từ cổ đông lớn nhưng nếu trở thành chủ đầu tư dự án tổ hợp 300 tỷ đồng tại Hưng Yên, có thể Tecgroup sẽ phải nỗ lực vượt bậc trong thời gian tới.
Báo cáo tài chính gần nhất của Tecgroup cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2020, Tecgroup ghi nhận doanh thu là 48,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 0,6 tỷ đồng - giảm tới 89,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính tới 31/3, tổng tài sản của doanh nghiệp chỉ xấp xỉ 550 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là 231,5 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng tài sản, các khoản phải thu ngắn hạn là 180,6 tỷ đồng, chiếm 32,9% tổng tài sản.
Nhìn vào cơ cấu tài sản của Tecgroup, doanh nghiệp – hay đúng hơn là các cổ đông sẽ chịu rủi ro lớn đến từ các khoản phải thu và hiệu quả hoạt động của các công ty liên doanh, liên kết không khả quan.
Quan sát quá trình hoạt động 5 năm gần đây, doanh thu của Tecgroup trồi sụt thất thường, dao động từ 130 – 180 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2019, công ty của đại gia Hưng Yên chỉ thu về 158 tỷ đồng doanh thu và 5,3 tỷ đồng lợi nhuận – lần lượt giảm 13% và 17% so với năm 2018. Lãnh đạo Tecgroup cho biết, nguyên nhân chính của sự sụt giảm doanh thu trên do năm 2018, một số dự án đã hoàn thành bàn giao, thực hiện quyết toán xong; năm 2019, công ty thực hiện các dự án gối đầu và tìm kiếm, phát triển các dự án mới,… và do chính sách quản lý của Nhà nước có các thay đổi ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, thực hiện dự án.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, cổ đông Tecgroup đã thông qua kế hoạch doanh thu đạt 511 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 64 tỷ đồng - gấp 12 lần kết quả thực hiện năm 2019.
Không chỉ là chỉ tiêu kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty, mà đây còn là một kế hoạch khá tham vọng của ban lãnh đạo Tecgroup khi nhìn vào kết quả thực hiện năm trước. Rất có thể, các cổ đông của Tecgroup phần nhiều sẽ bị thất vọng với kế hoạch trên khi mà tính đến hết quý I/2020, doanh nghiệp này mới chỉ lãi chưa đầy 1 tỷ đồng.
Liều dopping từ Trường Thành và bầu Hiển
Mới đây nhất, Tập đoàn Trường Thành đã được thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng 4,4 triệu cổ phiếu TEG mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, để nâng tỉ lệ sở hữu tại đây lên 51,01%. Nói cách khác, trong tương lai không xa, Tecgroup sẽ trở thành công ty con của tập đoàn Trường Thành.
Hiện nay, tầm ảnh hưởng của tập đoàn Trường Thành đến Tecgroup cũng không phải nhỏ, khi nhờ sự hỗ trợ của tập đoàn này, Tecgroup có cơ hội được xúc tiến các dự án đầu tư như Khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp Bãi Bàng (Phú Yên), khu dân cư Trung Hưng (Hưng Yên), khu nước nóng Hội Vân (Bình Định) hay được giao làm tổng thầu EPC cho các dự án điện mặt trời áp mái của tập đoàn và các công ty trong hệ thống.
Cùng với đó, mới đây nhất, ngày 30/6, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) vừa mua vào hơn 1.4 triệu cổ phiếu TEG, từ đó nâng sở hữu từ 3,09% lên thành 7,46% và trở thành cổ đông lớn của Tecgroup.
Sau hai thông báo trên, cổ phiếu TEG của Tecgroup như nhận được liều dopping hạng nặng khi tăng không ngừng nghỉ thời gian qua. Trong những phiên giao dịch đầu tháng Bảy, cổ phiếu TEG đã tăng tổng cộng 6 phiên, trong đó có 5 phiên tăng trần. Chốt phiên giao dịch ngày 8/7, giá cổ phiếu TEG ở mức 5.480 đồng/CP – tăng 45% so với cuối tháng Sáu.