Chuyện 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt' ở giải hạng Nhất

Trong hệ thống các giải đấu của bóng đá Việt Nam, giải hạng Nhất tuy không danh giá bằng giải chuyên nghiệp vô địch quốc gia (V. League) nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng: Giải hạng Nhất có vững chắc, giàu tính cạnh tranh thì sân chơi V. League mới vững mạnh. Mà V. League vững mạnh, đội tuyển quốc gia mới chất lượng, đủ lực đua tài ở khu vực và châu lục. Thông thường, giải hạng Nhất có nhiều đội bóng, thi đấu cũng cống hiến hơn sân chơi V. League. Ấy thế nhưng, ở ta lại không được quan tâm đúng mức, nhiều đội bóng sẵn sàng bỏ giải, thậm chí tồn tại theo kiểu 'Hồn Trương Ba, da hàng thịt'. Đây là những nghịch lý rất đáng suy ngẫm!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ban đầu, giải hạng Nhất quốc gia mùa bóng 2024-2025 gồm 12 đội tham dự và sẽ khởi tranh vào cuối tháng 10/2024. Thế nhưng, có tới 4/12 đội bóng trong số đó là Khánh Hòa, Long An, Đồng Nai, Định Hướng Phú Nhuận... gặp những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nào không đủ kinh phí trang trải, hoạt động; nào chưa kịp chuyển sang mô hình chuyên nghiệp. Điều này buộc Ban tổ chức phải nhiều lần trì hoãn các kế hoạch có liên quan như gia hạn thời điểm xác nhận tham dự, bốc thăm xếp lịch thi đấu. Cùng với đó là sự chung tay tìm cách tháo gỡ các nút thắt. Cuối cùng, chỉ đội Định Hướng Phú Nhuận bỏ cuộc, Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Long An tiếp tục tham gia sau khi được ông bầu Đoàn Nguyên Đức - chủ CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và đối tác của đội bóng phố núi là LPBank giúp đỡ bằng các hoạt động vô cùng thiết thực. Theo đó, HAGL sẽ hỗ trợ quân số cho CLB Long An, với nòng cốt là lứa cầu thủ trẻ vừa vô địch giải U.21 quốc gia 2024, còn Chủ tịch LPBank Nguyễn Đức Thụy bảo lãnh về tài chính cho đội bóng miền Tây. Chả gì thì CLB Long An của một “thời chưa xa, người chưa cũ” từng là niềm tự hào của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 2 chức vô địch liên tiếp sân chơi V.League (các năm 2005, 2006); 3 lần giành ngôi vị Á quân; 2 lần vô địch giải hạng Nhất; 1 Cúp quốc gia, 2 Siêu cúp quốc gia... Đội Long An ngày nào cũng là địa chỉ cung cấp khá nhiều tuyển thủ quốc gia mà đến hôm nay người hâm mộ vẫn còn nhớ tên như: Phan Văn Santos (thủ môn nhập tịch người Brazil), Phan Văn Tài Em, Nguyễn Minh Phương...

Xung quanh chuyện giải cứu đội bóng Long An vào phút chót, không thể không ghi nhận tâm huyết và trách nhiệm của ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Gần hai mươi năm trước, CLB Long An và HAGL là đại kình địch ở giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia. Nếu HAGL có sự góp mặt của các ngôi sao Thái Lan trong đội hình (Kiatisuk, Tawan Sripan, Dusit) đã vô địch 2 mùa liên tiếp 2003-2004 thì CLB của ông bầu Võ Quốc Thắng lúc bấy giờ được chiến lược gia người Bồ Đào Nha Henrique Calisto huấn luyện, luôn chơi sòng phẳng với đội bóng phố núi, giành ngôi Á quân các năm 2005-2006... Giờ HAGL vẫn tồn tại mà đội bóng miền Tây lay lắt như ngọn đèn trước gió thì thật không đành lòng. Ở phương diện khác, giúp đỡ CLB Long An cũng là cách để các cầu thủ trẻ, thuộc lứa kế cận của HAGL được ra sân nhiều hơn, được trui rèn để tích lũy thêm kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu. Một năm chơi ở giải hạng Nhất chắc chắn giá trị hơn nhiều giải trẻ. Chính HAGL từng sử dụng lứa Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh... nhiều năm ở sân chơi V. League. Nhờ đó, các cầu thủ này mới mau chóng trưởng thành, trở thành trụ cột dưới thời huấn luyện viên Park Hang - seo.

Mừng cho người miền Tây bao nhiêu thì người hâm mộ lại thấy ngậm ngùi bấy nhiêu về cái gọi là “màu cờ sắc áo” của một đội bóng. Thật vậy, độc giả hãy thử hình dung một ngày kia trong đội hình ra sân của CLB Long An toàn là cầu thủ trẻ của HAGL hoặc cầu thủ trẻ HAGL chiếm phần lớn đội hình thì có phải chuyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” lúc đó được tái hiện ở giải hạng Nhất? Bóng đá ngày nay chấp nhận các cầu thủ “đánh thuê”, thậm chí nhập tịch... song đó chỉ là một hoặc vài trường hợp, còn trường hợp một CLB lấy nguyên đội hình hoặc phần lớn đội hình của CLB khác khoác lên tấm áo địa phương mình thì rất đáng để nghĩ ngợi!

Thế nhưng, với huấn luyện viên Quang Sang và đội Long An lúc này, chuyện quan trọng nhất là trả lời câu hỏi: Tồn tại hay không tồn tại? Mọi vấn đề khác, kể cả chuyện “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đều là thứ yếu!

THANH HÀ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-hon-truong-ba-da-hang-thit-nbsp-o-giai-hang-nhat-32793.htm