Chuyển hướng kết nối, gia tăng cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, hết 7 tháng của năm 2023, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ. Những ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, có mức sụt giảm nhiều nhất. Vì vậy, cần có giải pháp chuyển hướng kết nối, gia tăng cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt.

Doanh nghiệp lao đao vì thiếu đơn hàng

Bình luận về tình hình xuất khẩu (XK) hàng Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm hiện nay, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, sự sụt giảm ở hầu hết các thị trường, nhưng giảm sâu nhất là thị trường XK Hoa Kỳ, EU… Cụ thể, 7 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch XK dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch XK giày dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ.

Gia công may xuất khẩu sang EU. Ảnh: Hải Anh

Gia công may xuất khẩu sang EU. Ảnh: Hải Anh

Dưới góc độ của doanh nghiệp (DN), bà Bùi Thị Hoàn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần thêu may Mỹ Đức cho biết, chưa bao giờ ngành dệt may gặp khó khăn như hiện nay, thị trường sụt giảm, đơn hàng đối với các doanh nghiệp nhỏ hầu như bị cắt. Từ tháng 3 - 7 còn có đơn hàng để duy trì hoạt động, nhưng từ nay tới cuối năm chưa có đơn hàng nào.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, hiện nay đơn vị đang nỗ lực vượt qua khó khăn "lấy ngắn nuôi dài" trước mắt đang tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường châu Á, châu Phi, để bán được những sản phẩm đã sản xuất, giá thành thấp hơn để thu hồi vốn và tiếp tục bổ sung nguyên phụ liệu, duy trì việc làm cho công nhân.

Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, hiện nay đơn vị đang nỗ lực vượt qua khó khăn "lấy ngắn nuôi dài" trước mắt đang tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường châu Á, châu Phi, để bán được những sản phẩm đã sản xuất, giá thành thấp hơn để thu hồi vốn và tiếp tục bổ sung nguyên phụ liệu, duy trì việc làm cho công nhân.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ sụt giảm mạnh sau nhiều năm tăng trưởng 2 con số. Kim ngạch XK của DN gỗ Việt trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỗi tháng bình quân cả nước chỉ XK được 1 tỷ USD, trong khi năm ngoái bình quân mỗi tháng XK được 1,4 tỷ USD. Mức sụt giảm khá sâu. Nguyên nhân là sự giảm sút tiêu thụ sản phẩm gỗ trên toàn cầu. Tiếp đó, nhiều quốc gia, điển hình như Hoa Kỳ, đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, gây khó khăn cho hoạt động XK của DN gỗ Việt.

Còn đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội cho hay, XK hàng dệt may đang đứng trong môi trường biến động khó lường. Hiện 85% năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam dành cho XK .Vì vậy, ngành rất cần thông tin thị trường để ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Tăng cường xúc tiến thương mại, khai thác thị trường ngách

Về giải pháp vượt qua khó khăn hiện nay, ông Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may từ nay đến hết năm sẽ rất khó khăn, nếu duy trì tốt mới có thể đạt 40 tỷ USD. Do vậy, ông Cẩm kiến nghị cần có sự hỗ trợ về xúc tiến thương mại, thông tin xác thực, nhanh và cập nhật nhiều hơn về thị trường, đối tác từ các thương vụ hơn nữa để doanh nghiệp có thể dự báo, ứng phó kịp thời, cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại để quảng bá, kết nối, mở rộng tìm kiếm thị trường.

Đồng tình với ý kiến của ông Cẩm, bà Phan Thanh Xuân - Tổng Thư ký, Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam cũng cho rằng, mức suy giảm đơn hàng dự báo kéo dài tới quý I/2024. Vậy, làm sao để giải quyết được tình trạng thiếu đơn hàng này, bởi tại các thị trường truyền thống lớn đã giảm tới 30 - 40%. Để bù đắp được sự thiếu hụt đơn hàng từ các thị trường lớn thì cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm từ các thị trường khác, tận dụng các FTA.

Hiện, hiệp hội đã lên danh sách doanh nghiệp đang tham gia XK của Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm khách hàng để thương vụ ở nước ngoài có thể giới thiệu danh sách này cho các khách hàng tại nước sở tại. “Hiệp hội cần thương vụ cung cấp thông tin về thị trường, cần mang những cái thị trường cần, chứ không phải mang cái mình sản xuất ra đi chào hàng tại các hội chợ quốc tế” - bà Xuân nói.

Bà Xuân cho biết thêm, hiện một số DN có khách hàng Trung Đông đang ở mức chào hàng, nhưng DN Việt cũng e dè trong việc ký kết hợp đồng. Do vậy, thông tin và hỗ trợ của thương vụ là rất quan trọng trong việc xác minh độ tin cậy của đối tác và tránh được rủi ro.

Bốc xếp sản phẩm dăm gỗ xuất khẩu tại cảng Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Hải Anh

Bốc xếp sản phẩm dăm gỗ xuất khẩu tại cảng Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Hải Anh

Trong khó khăn, ông Sỹ Hoài vẫn có cái nhìn lạc quan vào sự phát triển. Ông Sỹ Hoài cho rằng, dù đang đối diện thách thức lớn nhưng không nên quá bi quan bởi đây chỉ là nhất thời. Doanh nghiệp cần có sự chủ động để ứng phó với khó khăn lớn hiện nay. Với gần 90% sản phẩm gỗ Việt Nam được XK vào 5 thị trường lớn, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU, trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay, tìm kiếm thêm các thị trường mới, thị trường nhỏ, thị trường ngách là câu chuyện mà ngành gỗ phải tính đến.

Cung ứng xanh, sản xuất xanh để trụ vững thị trường Hoa Kỳ

Ông Đỗ Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn của các sản phẩm, gỗ, dệt may, da giày. Để lấy lại đà tăng trưởng XK cho các mặt hàng tỷ USD, DN cần xác định lại chiến lược kế hoạch sản xuất kinh doanh, xác định rõ thị trường và sản phẩm, đẩy mạnh tìm hiểu các quy định, rào cản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; cải thiện chất lượng, ưu tiên sản xuất xanh.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-huong-ket-noi-gia-tang-co-hoi-xuat-khau-cho-hang-viet-133398.html