Chuyện ít biết về khu Đồn Thủy - nhượng địa một thời cho thực dân Pháp ở Hà Nội
Năm 1873, Pháp mang quân từ Sài Gòn ra đánh chiếm thành Hà Nội. Vì vũ khí lạc hậu nên quan quân triều đình nhà Nguyễn có nhiệm vụ bảo vệ thành đã thua trận, Hà Nội thất thủ. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và tuẫn tiết khi sa vào tay quân địch...
1. Dưới sức ép của thực dân Pháp, triều đình Huế phải ký Hòa ước Giáp Tuất 1874 và cắt khu đất ven sông Hồng cho quân Pháp làm nhượng địa, đổi lại họ sẽ trao trả thành Hà Nội. Họ được quyền lập tòa lãnh sự ở khu vực này. Theo thỏa thuận ban đầu, diện tích khu nhượng địa (concession) chỉ rộng 2,5ha, nhưng sau đó vì bị quân Pháp ép nên triều đình Huế phải cắt cho họ thêm với diện tích lên tới 18ha, trong đó có khu đất Đồn Thủy nên nơi này được gọi là khu nhượng địa Đồn Thủy.
Đồn Thủy xưa là thôn Tây Long, thuộc tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương (tương ứng từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam kéo dài đến hết Bệnh viện Hữu Nghị, chiều ngang từ đê sông Hồng ăn ra phố Phạm Ngũ Lão ngày nay). Đồn Thủy do vua Minh Mạng cho lập có nhiệm vụ kiểm soát tầu thuyền trên sông Hồng ra vào Hà Nội. Đồn cũng là nơi đóng quân của lực lượng thủy binh nhà Nguyễn. Đến thời vua Tự Đức, đồn thủy binh chuyển đi nơi khác nên khu vực này bị bỏ hoang, nhưng vì là đất triều đình nên dân chúng không dám vào ở.
Sau khi Đồn Thủy thành nhượng địa, năm 1875, Pháp bắt đầu xây dựng tòa lãnh sự, nhà ở cho sỹ quan và binh lính, kho vũ khí, lương thực. Họ cho làm hàng rào gỗ bao quanh khu nhượng địa, bên trong làm đường và trồng cây phượng. Lối đi vào thành phố gần nhất là qua cửa ô Cựu Lâu (tức Tràng Tiền, đối diện với Nhà hát Lớn ngày nay). Tại vị trí này, người Pháp cho xây cổng khá lớn vừa là nơi vào thành phố, vừa là ranh giới cho khu đất, có lính canh cấm không cho người Annam vào “đất Pháp”. Cổng có tên là cổng Pháp quốc (Porte de France). Năm 1886, cửa ô này được Claude Bourrin môt tả trong cuốn sách Đông Dương 1888-1898: “Một vòm cuốn uốn cong rộng lớn xây gạch, chắc chắn, vuông vắn” nhưng sau đó đã bị phá hủy và sửa thành một loại cổng đơn giản, có 2 trụ cao.
Cổng này còn được lưu lại hình vẽ trong cuốn sách của A. Masson: “Được trổ ra từ một tường dày, phía trên có lan can, cổng nằm giữa 2 trụ, phía trên có 2 con sư tử. Kiến trúc cổng đơn giản nhưng oai nghiêm”. Hai con vật đắp trên trụ có lẽ là con lân quen thuộc trong kiến trúc Việt Nam. Đoạn phố từ cổng Pháp quốc đâm ra bờ sông được họ đặt tên là Rue de France (phố Pháp quốc). Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 và sau đó chiếm hoàn toàn Hà Nội năm 1883. Với ý đồ sẽ bình định các tỉnh Bắc Kỳ để chiếm đóng lâu dài Annam nên khu Đồn Thủy được xây dựng thêm bệnh viện, mở rộng cảng đường sông để tiếp nhận vũ khí, hàng hóa.
2. Dù thực dân Pháp có vũ khí hiện đại hơn, nhưng trong năm 1883, quân Cờ Đen (một đạo quân ở Vân Nam Trung Quốc) đang ở Hà Nội vẫn gây sức ép lên quân Pháp. Quân Cờ Đen đã bao vây khu Đồn Thủy nhiều tháng liền, nhưng đến mùa mưa năm đó, nước sông Hồng dâng cao đã phá vỡ đoạn đê rồi tràn vào phố gây ngập lụt. Cũng vì đê vỡ nên quân Cờ Đen buộc phải rút lui. Sau trận lụt đó, để an toàn hơn khi bị quân Cờ Đen tấn công, quân Pháp đã cho gia cố hàng rào xung quanh Đồn Thủy. Tiếp đến, nhằm tránh quân Cờ Đen quấy nhiễu, Pháp đã ký hiệp định với nhà Thanh trong đó có điều khoản quân Cờ Đen phải rút về nước.
Những dấu tích của Đồn Thủy xưa vẫn còn đến ngày nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện Hữu Nghị. Hai bệnh viện này xưa kia vốn có tên là Nhà thương Lanessan (xây năm 1891, dân chúng quen gọi là Nhà thương Đồn Thủy). Còn tòa nhà do Pháp xây từ năm 1883 đến nay vẫn khá nguyên vẹn nằm trong Nhà khách Bộ Quốc phòng tại số 33 Phạm Ngũ Lão.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến
Có một chuyện đến nay cũng ít người biết là sau khi tiếp quản Thủ đô, ngày 15-10-1954, từ Sơn Tây, Hồ Chủ tịch đã đi ô tô về thẳng Nhà thương Đồn Thủy. Những ngày đầu sau giải phóng Thủ đô, đây còn là trụ sở của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà 2 tầng nằm trên đường Trần Khánh Dư của Nhà thương Đồn Thủy được xây dựng từ năm 1910, tầng 2 có 8 phòng, được đánh số từ 7 đến 14.
Lúc dọn phòng cho Hồ Chủ tịch, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đề nghị Bác ở phòng số 13 vì phòng 14 là đầu hồi, có cửa sổ lớn nhìn ra đường nên sợ phản động bắn lén. Nhưng Bác bảo: “Bác ở phòng này cho mát mẻ, còn việc bảo vệ thì Bác tự bảo vệ tốt hơn”. Căn phòng số 14 diện tích 15m2, có công trình phụ riêng, nền lát gạch men, tường quét vôi trắng. Các chiến sỹ bảo vệ đã kê một chiếc giường sắt, một cái bàn và mấy chiếc ghế để Bác nghỉ và làm việc. Sau hơn 2 tháng ở đây, Bác đã trực tiếp giải quyết nhiều việc trọng đại của quốc gia và các mối quan hệ quốc tế.
Năm 1955, Nhà thương Đồn Thủy được chia làm 2 đơn vị: Quân y viện 108 (tên gọi lúc đó) ở phía đường Trần Hưng Đạo và Bệnh viện Hồng Thập tự và Lưỡi liềm đỏ ở phía đường Trần Khánh Dư (năm 1958 là Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô). Căn phòng Bác ở và làm việc tại Nhà thương Đồn Thủy, nay là phòng 14, gác 2, nhà số 4, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị.