Chuyện ít biết về sân bay khó hạ cánh nhất thế giới

Sân bay Paro (Bhutan) nằm lọt thỏm giữa hai đỉnh núi cao hơn 5.400m, có địa hình hiểm trở đến mức phi công không thể sử dụng hệ thống hỗ trợ an toàn, không thể bay đêm.

Trên thế giới chỉ có khoảng 50 phi công có thể "chế ngự" được thách thức này.

Đòi hỏi kỹ thuật cao, thần kinh thép

Trung tuần tháng 9, có mặt trên một máy bay Airbus A319 của hãng hàng không Druk Air, phóng viên hãng CNN có dịp trải nghiệm chuyến bay "thót tim" tới Cảng hàng không quốc tế Paro.

Do tầm nhìn bị che khuất vì đồi núi cao nên phi công chỉ có thể nhìn thấy đường băng ngay khi sắp hạ cánh. Ảnh: CNN.

Do tầm nhìn bị che khuất vì đồi núi cao nên phi công chỉ có thể nhìn thấy đường băng ngay khi sắp hạ cánh. Ảnh: CNN.

Khi phi công thực hiện thao tác cuối cùng, ngoặt đột ngột 45 độ để hạ cánh xuống sân bay, hơn chục hành khách trong khoang lo sợ đến mức phải bám chặt tay vào thành ghế. Ngay khi máy bay đáp xuống đường băng an toàn, tiếng vỗ tay vang lên giòn giã.

Những chuyến bay đầy kịch tính như vậy diễn ra hằng ngày tại Paro vì nơi đây vốn được đánh giá là một trong những sân bay khó hạ cánh bậc nhất trên thế giới.

Paro nằm lọt thỏm giữa hai đỉnh núi cao 18.000 feet (hơn 5.400m), chỉ có một đường băng duy nhất dài 2.265m nên không phải máy bay nào cũng có thể hạ cánh, nhất là những dòng máy bay cỡ lớn.

Không phải phi công nào cũng có thể vận hành vì người cầm lái phải có kiến thức về kỹ thuật và cả thần kinh thép. Theo CNN, trên thế giới chỉ có khoảng 50 người có thể vận hành máy bay tới Paro.

Cô Kamiya Jani, người đứng đầu blog du lịch Curlytales, từng thử trải nghiệm chuyến bay tới sân bay Paro cho biết: "Chặng đường từ New Delhi (Ấn Độ) đến Paro có nhiều khúc ngoặt gấp. Có khúc ngoặt đến 45 độ khiến hành khách giật thót, tim đập thình thịch, cảm giác đỉnh núi gần sát máy bay".

Phải chính xác từng cm

Theo hãng tin CNN, Paro là sân bay hạng C. Để có thể hạ cánh tại đây, phi công phải là người từng trải qua huấn luyện đặc biệt, có khả năng tự hạ cánh thủ công mà không cần hệ thống radar.

Bhutan nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ có hơn 97% diện tích là núi. Thủ đô của Vương quốc Bhutan – Thimpu nằm ở độ cao 7.710 feet (2.350m) so với mực nước biển. Còn sân bay Paro, nằm ở độ cao suýt soát 7.382 feet (hơn 2.200m).

Chia sẻ về trải nghiệm bay tới Paro, Cơ trưởng Chimi Dorji – người từng làm việc cho hãng hàng không quốc gia Bhutan - Druk Air (hay còn gọi là Royal Bhutan Airlines) trong suốt 25 năm cho biết: "Sân bay này đặt ra thách thức rất lớn về kỹ năng của phi công".

Cơ trưởng Dorji, hiện đang kiêm nhiệm đào tạo phi công và phi hành đoàn của Druk Air cho biết, điều quan trọng nhất với phi công khi tới sân bay này là phải thông thạo địa hình xung quanh, chỉ cần sai thậm chí chưa đầy 1cm, rất có thể máy bay sẽ hạ cánh xuống ngay nóc nhà nào đó.

Ông giải thích: "Khi lên cao, không khí loãng hơn vì vậy về cơ bản, máy bay sẽ bay nhanh hơn".

Để hạ cánh xuống Paro, phi công cần có kỹ năng và kiến thức về khu vực xung quanh, nắm bắt tình hình, địa hình, biết rõ lộ trình bay đến Paro.

Trong quá trình đào tạo, phi công không chỉ biết cách bay mà còn phải biết khi nào không nên bay và có thể tự đưa ra quyết định thời điểm không an toàn để cất cánh.

Thách thức từ thời tiết

Ngoài địa hình, còn một vấn đề khác cần lưu tâm đó chính là thời tiết. Bất kỳ ai bay đến Paro – dù xuất phát điểm từ New Delhi, Bangkok, Kathmandu hay Hà Nội – rất có thể phải thức dậy từ sớm để di chuyển. Theo quy định của sân bay Paro, gần như tất cả các máy bay phải hạ cánh trước buổi trưa để đảm bảo an toàn tối ưu do điều kiện gió mạnh.

Sân bay Paro có một đường băng duy nhất dài 2.265m. Ảnh: CNN.

Sân bay Paro có một đường băng duy nhất dài 2.265m. Ảnh: CNN.

Giải thích về quy định này, ông Dorji chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng tránh hoạt động sau buổi trưa vì khi đó gió lớn, nhiệt độ tăng cao và ít mưa. Đất rất khô và chuyến bay của bạn sẽ phải hứng chịu tất cả những luồng gió anabatic/katabatic (luồng gió thổi lên/xuống) trong thung lũng. Buổi sáng thường trời sẽ yên ả hơn".

Tuy nhiên, khi cất cánh, điều kiện thời tiết này không ảnh hưởng nên du khách có thể khởi hành vào buổi chiều. Có điều, các chuyến bay đêm là tuyệt nhiên không có ở Paro dù bất kể là mùa nào vì cảng hàng không này không có radar.

Chướng ngại vật khổng lồ

Yếu tố cuối cùng tạo nên độ khó của Paro chính là địa hình đồi núi bao quanh sân bay. Đường băng của Paro được bao quanh bởi hai ngọn núi cao như chướng ngại vật khổng lồ, cản trở tầm quan sát nên phi công chỉ có thể nhìn thấy đường băng ngay thời điểm họ chuẩn bị hạ cánh.

Ở địa hình này, phi công cũng không thể dùng hệ thống cảnh báo gần mặt đất nâng cao (EGPWS) - hệ thống an toàn, đưa ra cảnh báo trước về khả năng va chạm mặt đất hoặc chướng ngại vật như ở các sân bay khác.

Đây là thiết bị đắt tiền nhất trong buồng lái, sử dụng GPS và dữ liệu trên máy bay, giúp theo dõi vị trí và địa hình của máy bay, phát ra báo động nếu phát hiện nguy cơ va chạm.

Nhưng với sân bay Paro, thiết bị đắt tiền này lại hoàn toàn vô dụng. Khi tới gần sân bay, phi công buộc phải tắt thiết bị vì trong điều kiện đồi núi trập trùng ở Paro, thiết bị sẽ liên tục truyền cảnh báo bằng âm thanh và nhấp nháy đèn do đó khiến phi công mất tập trung.

Song, chính những thách thức này tạo thêm nét bí ẩn và hấp dẫn với khách du lịch tới Bhutan - một vương quốc nằm ở cực Nam dãy Himalaya với khoảng 800.000 dân, hay còn được gọi với cái tên huyền bí "Vùng đất của Rồng sấm".

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-it-biet-ve-san-bay-kho-ha-canh-nhat-the-gioi-19224092622062454.htm