Chuyện ít kể về võ sĩ thi đấu một tay
Đến với boxing khi chỉ có… 32 kg, nên Nguyễn Văn Đương suýt bị các thầy đuổi về. Vậy mà cậu bé 13 tuổi nhỏ bé nhất đội năm nào, lại lập kỳ tích, giành tấm vé Olympic về cho đội tuyển boxing sau 32 năm chờ đợi. Hành trình ấy được võ sĩ người Bắc Giang gói gọn trong hai từ 'khổ luyện' và anh chưa bao giờ hài lòng với bản thân vì còn nhiều đỉnh cao phải chinh phục.
Đến với boxing khi chỉ có… 32 kg, nên Nguyễn Văn Đương suýt bị các thầy đuổi về. Vậy mà cậu bé 13 tuổi nhỏ bé nhất đội năm nào, lại lập kỳ tích, giành tấm vé Olympic về cho đội tuyển boxing sau 32 năm chờ đợi. Hành trình ấy được võ sĩ người Bắc Giang gói gọn trong hai từ "khổ luyện" và anh chưa bao giờ hài lòng với bản thân vì còn nhiều đỉnh cao phải chinh phục.
Suýt không được nhận vì nhẹ cân
Boxing là môn thể thao đối kháng cận chiến, việc tập luyện, thi đấu rất gian khổ, gặp nhiều chấn thương. Vì sao mà Đương lại thích môn võ này?
Tôi đến với boxing rất tình cờ. Khi còn bé tôi rất mê võ thuật, vì thế rất hay xem những bộ phim liên quan đến các môn võ. Rất may là tôi có một người anh họ ở gần nhà đi tập boxing trước tôi ba tháng ở Hà Nội. Anh biết tôi thích võ, nên hỏi có muốn học boxing không, tất nhiên là tôi đồng ý ngay. Sau đó tôi đã xách ba-lô theo anh lên Hà Nội để học boxing.
Hành trình đến với boxing rất tình cờ, còn hành trình trở thành một võ sĩ như bây giờ của Đương thế nào?
Để đạt được như này là một quá trình dài, tôi đã phải khổ luyện cực kỳ nhiều. Tôi phải tập nhiều về thể lực, kỹ thuật, nhưng điều quan trọng đầu tiên khi vào đội là phải... ăn nhiều để béo lên. Tôi bắt đầu tập từ năm 2009 và khi giành được vé dự Olympic là 2020, tức là kéo dài hơn 10 năm.
Đây là câu chuyện khá thú vị. Khi nhắc tới một võ sĩ, ai cũng nghĩ ngay tới hình ảnh của cơ bắp, thể hình to lớn… Vậy mà được biết Văn Đương từng là VĐV nhỏ cân nhất đội, gắn với cái biệt danh "gà con"?
Khi 13 tuổi tôi có 32 kg thôi, nhỏ hơn bạn bè trang lứa rất nhiều, nên suýt không được nhận theo học môn võ đối kháng mạnh mẽ này. Vì thế, mục tiêu đầu tiên của tôi là phải lớn thật nhanh để đủ tiêu chuẩn của thầy. Sau đó là rèn luyện để có kỹ thuật cơ bản. Ở trong đội, các bạn, các anh gọi tôi là gà con, cho đến bây giờ nhiều người vẫn gọi tôi như vậy.
Từ một chú gà con, Văn Đương đã lột xác để trở thành một chú đại bàng. Chắc chắn quá trình đó có nhiều mồ hôi và cả máu. Vậy đâu là chấn thương đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình?
Đó là khi tôi gãy xương ngón áp út mu bàn tay khi đang chuẩn bị cho giải cúp các CLB toàn quốc 2012. Cách giải một tháng tôi phải bó bột ba tuần và khi tháo bột ra chỉ còn cách giải một tuần. Nhưng tôi vẫn quyết định tham gia giải đấu vì tuổi trẻ háo thắng, tuy nhiên khi thi đấu tôi chỉ chơi được bằng một tay.
Đúng vậy, khi đó tôi còn trẻ, mới 16 tuổi, lại thi đấu ở giải có nhiều đối thủ mạnh của cả nước, nên chỉ thắng được một trận, còn khi bước vào trận tranh HCĐ thì thua. Dù vậy, đây là một kỷ niệm, một trải nghiệm đáng nhớ trong sự nghiệp thi đấu của tôi.
Những cú ngã đau và lối chơi liều lĩnh
Trước khi xuất sắc giành vé dự Olympic và gần nhất là tấm HCB ở SEA Games 30, nhiều người chưa biết Nguyễn Văn Đương là ai. Lý do có phải vì Đương không có nhiều thành tích nổi bật?
Khi thi đấu ai cũng mong chiến thắng, có thành tích, nhưng có lẽ với tôi thì đến muộn hơn. Năm 2010, ngay lần đầu dự giải trẻ toàn quốc, tôi đã giành HCV lứa tuổi 13-14, nhưng một năm sau lại thua ngay trận đầu. Tới năm 2012, tôi lại thất bại ngay trận ra quân, trước đối thủ gian lận tuổi. Nếu như thua về trình độ thì đã đành nhưng tôi thua đối thủ vì họ ăn gian tuổi nên buồn, thất vọng lắm, cảm giác lúc đó mình vô duyên với boxing. Đó là khoảng thời gian tôi rất chán nản. Tôi thậm chí đã về quê, ôn lại văn hóa rồi tính thi vào một trường quân đội. Nhưng chỉ một tuần sau, tôi trở lại Hà Nội và ba tháng sau, tôi giành được HCĐ giải vô địch quốc gia.
Không phải là một gương mặt xuất sắc, vì thế mà việc Nguyễn Văn Đương giành vé dự Thế vận hội thật sự là một "cú sốc" với thể thao Việt Nam. Trận đấu để đời đó chắc hẳn vẫn như ngày hôm qua với Đương?
Thật sự, trước khi bước vào trận tứ kết vòng loại Olympic Tokyo 2020 khu vực châu Á Thái Bình Dương tổ chức tại Jordan, tôi chỉ nghĩ mình đánh hết sức, kết quả thế nào cũng được. Tôi gặp lại đối thủ dày dạn kinh nghiệm, được đánh giá cao hơn là Chatchai Decha Butdee người Thái. Đây chính là võ sĩ đã thắng tôi để giành HCV trong trận chung kết ở SEA Games 30 ở Philippines.
Do thua đối thủ nhiều mặt, nên tôi có tâm lý rất thoải mái. Tôi đã chủ động tấn công dồn ép mạnh mẽ ngay từ đầu và may mắn đã thành công. Tôi hạ knock-out đối thủ chỉ sau 30 giây và kết quả này khiến chính tôi cũng phải bất ngờ.
Quyết định tấn công phủ đầu đối phương thật sự liều lĩnh?
Đó là phong cách của tôi. Các HLV, chuyên gia nước ngoài nói với tôi rằng đừng cố "giết đối thủ", chỉ nên thắng điểm. Tôi đã rất khó khăn để kiềm chế bản thân. Nhưng sự điều chỉnh là bắt buộc. Tôi phải dãn ra, di chuyển và không tấn công điên cuồng.
Cảm giác sau khi ghi cột mốc lịch sử cho boxing Việt Nam thế nào?
Tấm vé dự Olympic Tokyo 2020 là thành quả cho những nỗ lực tập luyện của tôi trong suốt hơn 10 năm theo nghiệp boxing. Tôi vui sướng đến vỡ òa khi mà đã 32 năm boxing Việt Nam mới được dự Olympic. Đêm hôm đó tôi gần như không ngủ được vì hạnh phúc.
Trải lòng với nghề
Nhìn lại thời điểm boxing bắt đầu quay trở lại Việt Nam đầu những năm 2000, lúc đó, mặc dù kỳ SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam nhưng chúng ta cũng chưa dám mơ tới việc tranh chấp huy chương khu vực, chưa nói những giấc mơ xa hơn như châu lục hay Olympic. Đương nghĩ sao về sự phát triển của môn thể thao này?
Tôi cũng như các VĐV ở đội đã phải khổ luyện, bên cạnh đam mê vốn có. Tôi cũng cho rằng sự đầu tư của ngành thể thao những năm qua đã giúp boxing có vị thế nhất định ở đấu trường khu vực, châu lục. Dĩ nhiên tất cả mới chỉ bắt đầu với tôi thôi. Tôi chưa bao giờ hài lòng về bản thân.
Việc Olympic hoãn một năm đã ảnh hưởng tới kế hoạch tập luyện của Đương thế nào?
Olympic bị hoãn vì dịch Covid-19 khiến tôi cảm thấy hụt hẫng. Suốt một năm qua tôi không tham dự giải quốc tế nào. Nhưng hơn hết, tôi có thêm thời gian để hoàn thiện mình về mọi mặt từ tốc độ ra đòn, thể lực, kỹ thuật, chiến thuật. Chỉ tiếc là đối với các võ sĩ như chúng tôi, chỉ tập luyện mà không được lên đài thì stress lắm.
Nhiều người tò mò một ngày của võ sĩ boxing như Nguyễn Văn Đương sẽ thế nào?
Một ngày của chúng tôi bắt đầu từ 5h30 bằng các bài tập thể lực như chạy dài 10-12 km, rồi chạy ngắn 10 m. Sau đó chúng tôi đấm bao, từ sáu đến tám hiệp, mỗi hiệp kéo dài ba phút. Buổi sáng thường kết thúc lúc tám giờ với phần đấm gió, tập bổ trợ cơ bụng, chống đẩy. Buổi chiều, chúng tôi tập từ 15 giờ đến 18 giờ, thiên về kỹ - chiến thuật như các bài đấm đôi, đấm tự do...
Tập luyện kín lịch và thường xuyên xa nhà, Đương có bảo đảm được thu nhập, giúp đỡ gia đình không?
Nói thật là thu nhập của tôi chỉ đủ ăn thôi. Trước khi có dịch Covid-19, một năm tôi có khoảng 20 triệu đồng tiền huy chương. Do vòng loại Olympic không có quy định tiền thưởng nên tôi không nhận được gì. Tôi biết VĐV chuyên nghiệp các nước có thu nhập rất cao và hy vọng là mình một ngày nào đó cũng được như họ.
Xin cảm ơn Nguyễn Văn Đương về cuộc trao đổi thú vị!
30 giây làm nên tấm vé lịch sử
Đối thủ của Nguyễn Văn Đương từng giành bốn HCV SEA Games, một lần vô địch châu Á và từng giành HCĐ giải thế giới năm 2013. Nhiều lần "no đòn" khi gặp võ sĩ người Thái, nhưng lần này thì mọi thứ đã khác. Trận đấu vừa bắt đầu, Nguyễn Văn Đương lao ngay vào đôi công. 13 giây, tung ra bảy cú đấm, khiến Chatchai nằm sàn. Trọng tài đếm tới tám rồi cho trận đấu tiếp diễn. Ngay lập tức, Văn Đương tung cú móc ngang tay trái rất nặng, khiến đối thủ nằm sàn lần thứ hai. Võ sĩ sinh năm 1996 được xử thắng bằng điểm RSC (tương đương knock-out kỹ thuật ở quyền Anh chuyên nghiệp).
Với những gì đã làm được, Nguyễn Văn Đương được bầu chọn vào Top 20 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020.
DIỆP CHI (thực hiện)