Chuyện kể của những người chăm miếng ăn, giấc ngủ cho bầy thú Thảo Cầm Viên

Tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1, TP HCM), có những người thầm lặng dành nửa cuộc đời cho những con thú. Họ nắm sở thích, tính cách của chúng và xem đây như những đứa con đặc biệt, hễ 'xa là thấy nhớ'.

Làm việc tại Thảo Cầm Viên từ năm 18 tuổi, ông Nguyễn Văn Hùng (58 tuổi) dành phần lớn thời gian để chăm sóc, gắn bó với bầy thú, gồm cả loài hung dữ.

Hơn 40 năm làm "ba" của những chú hổ ở Thảo Cầm Viên, ông Hùng luôn gắn bó với bầy hổ như con mình

Hơn 40 năm làm "ba" của những chú hổ ở Thảo Cầm Viên, ông Hùng luôn gắn bó với bầy hổ như con mình

"Ba Hùng" với những con hổ

Mỗi sáng, bắt đầu từ lúc 6 giờ hơn, ông Hùng sẽ thăm từng chuồng nuôi để kiểm tra sức khỏe của chúng, cho ăn và thực hiện công việc dọn dẹp.

Đối với ông Hùng, công việc chăm sóc thú "không hẳn là một điều khó khăn" vì gắn bó với chúng bằng cả tâm tình. "Mình xem nó như con, không có ngại gì cả, chăm bằng cả tình thương yêu nó" - ông Hùng nói và cho hay các nhóm thú ăn thịt thì cực hơn một chút vì mùi phân và nước tiểu của chúng nồng hơn so với các nhóm thú khác, một người không quen thì sẽ không thể đến gần.

Gắn bó nhiều nhất với chuồng hổ, ông Hùng nhớ rõ tên gọi từng con như Bình, Dương, Nhất… hiểu tính con đực lẫn con cái và biết cách yêu thương, chăm sóc chúng sao cho phù hợp. Niềm vui của ông và cả những nhân viên chăm sóc khác trong Thảo Cầm Viên là khi đón nhận những thành viên mới trong vườn thú.

Năm 2023, Thảo Cầm Viên đón thêm hai chú hổ con là Bình và Dương, khi tổ chức lễ đầy tháng cho Bình, Dương là lúc ông Hùng vui nhất. Ông kể trước đó, khi hổ cái mang thai, ngoài hệ thống camera, ông luôn túc trực canh chừng, quan sát tỉ mỉ những thay đổi của hổ cái để kịp thời báo cho các nhân viên, bác sĩ thú y.

"Chăm sóc chúng từ khi mang thai cho đến khi sinh con. Đón nhận những con thú mới, chúng tôi vui lắm, như chào mừng một thành viên mới trong gia đình. Thảo Cầm Viên và bầy thú nơi đây như một phần của cuộc đời chúng tôi, xa là thấy nhớ" - ông Hùng cười chia sẻ.

"Mẹ Lan" của Hướng Dương

Chị Phan Thị Thanh Lan (chuyên viên vườn thú thiếu nhi) thực hiện công việc chăm sóc các bầy dê, cừu, ngựa, hươu, nai… Bằng tình thương với chúng, những mệt mỏi, khó khăn, phiền muộn "không còn là gì" đối với chị.

Chị Lan liên tục gọi "Hướng Dương ơi" tâm tình với bầy dê, dỗ dành để bầy dê chịu ăn

Chị Lan liên tục gọi "Hướng Dương ơi" tâm tình với bầy dê, dỗ dành để bầy dê chịu ăn

Chị Lan vào Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm việc từ thời là một cô gái trẻ. Chị gọi bầy dê bằng "các bé". Trong lúc gặp phóng viên, tay vừa cầm cà rốt chị vừa liên tục gọi "Hướng Dương ơi" để dỗ dành đàn dê ăn, bầy dê cũng quấn quýt bên chị.

Nữ chuyên viên vườn thú nhớ lại lúc bắt đầu công việc, những con thú chưa quen người mới nên chị rất khó gần. Qua thời gian dành tình cảm và tình yêu thương bằng các cử chỉ vuốt ve, trò chuyện, chị cảm nhận được sự gần gũi mỗi ngày một nhiều hơn.

Ngoài công việc hằng ngày là theo dõi, chăm sóc, chị Lan đặc biệt quan tâm đến các loài thú mang thai. Theo lời chị, nhân viên chăm sóc thú phải quan sát từng bữa ăn để đánh giá tình hình sức khỏe, kịp thời thông báo cho bác sĩ thú y để chăm sóc. Khi gần đến ngày sinh nở, các con thú được kiểm tra thường xuyên để có thể tạo điều kiện tốt nhất.

Chị Lan cho biết công việc của mình có vui buồn lẫn lộn. Khó khăn nhất là khi "các bé" mang thai, đặc biệt dê đẻ con quá to. Chị Lan nhớ lại có lần dê mẹ kêu rất to, chị phát hiện bất thường liền tức tốc gọi thú y nhưng dê con đã chết ngộp, nỗi mất mát ấy khiến chị buồn đến nhiều tuần.

Qua nhiều ngày tới Thảo Cầm Viên, phóng viên nhận thấy bên cạnh những "ba Hùng", "mẹ Lan", những đóng góp thầm lặng của nhân viên Thảo Cầm Viên nhiều không đếm xuể. Sự thầm lặng của họ góp thêm thành công trong thu hút khách du lịch ở Thảo Cầm Viên, bởi bầy thú khỏe mạnh là một trong những yếu tố khiến người ghé thăm thích thú, an tâm.

Mỗi sáng sớm, mọi người luôn thấy "mẹ" Lan của bầy thú đạp xe từ chuồng này qua chuồng khác. Công việc bận bịu, nhưng khi có các em thiếu nhi đến chị vẫn tận tình hướng dẫn bé nhỏ vào xem thú.

Địa điểm nổi tiếng

Thảo Cầm Viên Sài Gòn tọa lạc tại phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM. Đây là một trong những công trình mang tính lịch sử và lâu đời nhất TP HCM. Được xây dựng từ năm 1864, tên gọi đầu tiên của Thảo Cầm Viên Sài Gòn là Vườn bách thảo.

Tổng số động vật chăm sóc đầu năm 2024 là 2.169 con thuộc 128 loài. Đến tháng 6-2024, chỉ còn 1.927 con thuộc 125 loài. Trong đó có gấu mèo, linh dương sừng kiếm, nai cà tông, trĩ sao, rùa cổ sọc… Số động vật giảm 338 con theo báo cáo là do chết già, bệnh tật.

Một số hình ảnh của "ba", "mẹ" của bầy thú tại Thảo Cầm Viên:

Clip: Những "ba", "mẹ" của bầy thú tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Ba "Hùng" nắm rõ tính cách của từng chú hổ, hiểu rõ tính tình như con của mình

Ba "Hùng" nắm rõ tính cách của từng chú hổ, hiểu rõ tính tình như con của mình

Mặc dù làm công việc của một người chăm thú, nhưng nếu du khách có bất kỳ thắc mắc nào về những đứa "con" của mình, "ba" Hùng vẫn sẵn sàng giải đáp

Mặc dù làm công việc của một người chăm thú, nhưng nếu du khách có bất kỳ thắc mắc nào về những đứa "con" của mình, "ba" Hùng vẫn sẵn sàng giải đáp

Bầy dê lùn quấn quýt bên chị Lan khi được cho ăn

Bầy dê lùn quấn quýt bên chị Lan khi được cho ăn

Anh Thái Ngọc Tấn, nhân viên chăm sóc thú tại chuồng voi, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Thảo Cầm Viên

Anh Thái Ngọc Tấn, nhân viên chăm sóc thú tại chuồng voi, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Thảo Cầm Viên

Anh Phạm Phúc Thịnh, chuyên viên chăm sóc chuồng hươu cao cổ tại Thảo Cầm Viên, luôn có tình yêu say mê với động vật

Anh Phạm Phúc Thịnh, chuyên viên chăm sóc chuồng hươu cao cổ tại Thảo Cầm Viên, luôn có tình yêu say mê với động vật

Tổng số động vật chăm sóc đầu năm đến nay tại Thảo Cầm Viên là 2.169 con thuộc 128 loài

Tổng số động vật chăm sóc đầu năm đến nay tại Thảo Cầm Viên là 2.169 con thuộc 128 loài

Bài, ảnh, clip: NGỌC QUÝ - KHẮC HIẾU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-nguoi-cham-mieng-an-giac-ngu-cho-bay-thu-thao-cam-vien-196240909142316096.htm