Chuyện kể ở Phong Nha-Kẻ Bàng

Bằng tình yêu, trách nhiệm với di sản, nhiều câu chuyện đẹp về hành trình giữ gìn những giá trị của Phong Nha-Kẻ Bàng đã và đang được kể từ những người trong cuộc.

MANG TRONG MÌNH NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẶC SẮC HIẾM NƠI NÀO TRÊN THẾ GIỚI CÓ ĐƯỢC, PHONG NHA-KẺ BÀNG LÀ NIỀM TỰ HÀO RẤT RIÊNG CỦA QUẢNG BÌNH. BẰNG TÌNH YÊU, TRÁCH NHIỆM VỚI DI SẢN, NHIỀU CÂU CHUYỆN ĐẸP VỀ HÀNH TRÌNH GIỮ GÌN NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA PHONG NHA-KẺ BÀNG ĐÃ VÀ ĐANG ĐƯỢC KỂ TỪ NHỮNG NGƯỜI TRONG CUỘC.

Ngày 16-4-2021, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dẫn đầu đã có chuyến kiểm tra thực tế tại vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng. Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh là một trong những thành viên của đoàn. Trong bộ quân phục giản dị, ông giống như mọi người lính biên phòng đang trên đường tuần tra, là thành viên xông xáo nhất bởi biên giới và những cánh rừng chính là ngôi nhà thứ hai của lính biên phòng.

Từ năm 2019 trở về trước, nhiệm vụ của ông và đồng đội là giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, đồng hành cùng nhân dân phát triển đời sống xã hội. Họ “nếm mật nằm gai”, đối mặt với nhiều loại tội phạm, hiểm nguy luôn cận kề. Năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhiệm vụ của họ nặng nề hơn khi phải kiểm soát dòng người nhập cảnh bất hợp pháp để ngăn ngừa dịch bệnh.

Những chốt gác mọc lên giữa rừng, ngày của lính biên phòng ngắn hơn, giấc ngủ có khi chỉ là những phút chợp mắt bởi dòng người bất cứ lúc nào cũng có thể vượt biên giới, mang theo nguy cơ dịch bệnh. Họ còn là những người giữ rừng quả cảm khi dấu chân của người lính biên phòng có mặt ở mọi cánh rừng, phối hợp ăn ý với kiểm lâm để giữ rừng Quảng Bình mãi xanh, đặc biệt là rừng thuộc Vườn QG Phong Nha-Kẻ Bàng.

Kể chuyện giữ rừng, không thể không nhắc đến lực lượng kiểm lâm. Với tổng diện tích 123.326ha, phân bố tại 3 huyện Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng chia thành 3 phân khu gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và hành chính dịch vụ. Để quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm thiên nhiên là “ngôi nhà” an toàn của các loài động, thực vật, lực lượng kiểm lâm ngày đêm bám rừng, gỡ từng chiếc bẫy thú, kiểm soát chặt người và phương tiện vào ra, đẩy đuổi các đối tượng xâm nhập rừng trái phép. Mùa khô, họ lắng nghe tiếng gió, căng mình canh từng đốm lửa để bảo vệ rừng Phong Nha-Kẻ Bàng an toàn trước sự tấn công của “giặc lửa”.

“Với phương châm “phòng là chính, bảo vệ rừng tại gốc”, Hạt kiểm lâm Phong Nha-Kẻ Bàng duy trì 13 tổ chốt, trực 24/24h tại cửa rừng và các vùng xung yếu. Đơn vị đã lập danh sách 411 đối tượng có nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng cư trú trên các xã, thị trấn vùng đệm, phối hợp UBND các xã, thị trấn theo dõi, giám sát. Bình quân mỗi năm chúng tôi triển khai khoảng 2.300 đợt tuần tra với quãng đường từ 17.000 đến 20.000km!”, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết thêm.

Đội ngũ những người giữ rừng hôm nay đã có thêm những gương mặt mới, là những người sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng. Đó là kiểm lâm viên Nguyễn Văn Chóc, bí thư chi bộ bản Đoòng, con trai của vị trưởng bản Nguyễn Soái Trắc nổi tiếng với hơn 3 thập kỷ dẫn dắt cư dân bản Đoòng sinh sống giữa vùng lõi của VQG Phong Nha-Kẻ Bàng.

Khi nghe ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ về chuyến đi thực tế tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, trong đó có hành trình chinh phục hang Sơn Đoòng, tôi đã hiểu sự thành công của Oxalis và các doanh nghiệp đang khai thác sản phẩm tại Phong Nha-Kẻ Bàng. Thành công của họ đồng nghĩa với việc tạo dựng nền móng quan trọng để du lịch nói chung, du lịch hang động Quảng Bình nói riêng phát triển bền vững.

Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới cùng nhiều kỷ lục khác nhưng từ năm 2019 trở về trước, tỉnh cấp phép cho Sơn Đoòng được đón 500 khách mỗi năm. Khi “bức tường Việt Nam” cao 90m được chinh phục, biến hành trình khám phá Sơn Đoòng thành một vòng tròn khép kín, con số này được tăng lên 1.000 du khách mỗi năm.

Mỗi chuyến đi chỉ tối đa 10 du khách cùng 20 người gồm chuyên gia hang động, porter và nhân viên phục vụ. Về xếp loại mức độ mạo hiểm, Sơn Đoòng xếp thứ 6, là mức độ cao nhất. Du khách sẽ vượt hành trình 25km gồm 17km đường rừng núi, 8km khám phá hang động với dây thừng, đi bộ và bơi trong sông ngầm tùy thời điểm.

Để tham gia thám hiểm Sơn Đoòng, ngoài kinh phí, du khách phải khám sức khỏe, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt những quy định an toàn và cách thức ứng xử với thiên nhiên. Dù hành trình đến Sơn Đoòng vô cùng hiểm trở nhưng tất cả các vật dụng cần thiết đều có đủ để phục vụ du khách, bao gồm cả nhà vệ sinh di động với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất. Để không ảnh hưởng đến quá trình kiến tạo không ngừng của hang động, điểm cắm trại cũng được lựa chọn và cân nhắc kỹ. Lối đi trong hang được giới hạn bởi hai sợi dây màu đỏ, du khách tuyệt đối không bước chân ra ngoài ranh giới.

“Chúng tôi gọi đó là “sợi chỉ đỏ” mà tất cả doanh nghiệp, du khách tham gia các tour khám phá hang động cần tuân thủ để hạn chế tối đa sự tác động của con người đối với thiên nhiên. Chúng ta cần phải xem Sơn Đoòng và hệ thống hang động là những “di sản sống” cần được tôn trọng và có thời gian phục hồi sau khi khai thác. Do đó, mỗi năm, Sơn Đoòng chỉ được phép đón 1.000 du khách trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8, sau đó sẽ nghỉ ngơi để phục hồi”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Với 6 chuyên gia thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, 500 porter được đào tạo kỹ lưỡng, sát hạch hàng năm cùng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, Oxalis được đánh giá là đơn vị khai thác du lịch mạo hiểm chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam. Sự thận trọng, kỹ lưỡng, tôn trọng thiên nhiên và du khách của Oxalis là hướng đi mà các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình cần có để khai thác hiệu quả đồng thời giữ gìn những giá trị của di sản cho thế hệ tương lai.

Nằm biệt lập giữa vùng lõi Vườn QG Phong Nha-Kẻ Bàng thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, bản Đoòng đã đi qua một hành trình dài với nhiều nhọc nhằn, vất vả. Thủy chung gắn bó với vùng đất mà họ đã lựa chọn an cư từ khi chỉ có 5 hộ gia đình với vài chục nhân khẩu, sống cuộc đời tự cung tự cấp, sau 3 thập kỷ, bản Đoòng giờ như một nốt nhạc vui giữa núi rừng.

Đây cũng là một điểm đến của đoàn công tác do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng dẫn đầu để kiểm tra thực tế tại khu vực rừng Phong Nha-Kẻ Bàng. Chứng kiến những đổi thay trong đời sống của bà con, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không giấu được niềm vui bởi “Bản Đoòng nay khang trang, trường lớp đẹp và đã thành lập được chi bộ đảng!”. Cuộc trò chuyện bên bìa rừng giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và trưởng bản Nguyễn Soái Trắc sôi nổi bởi những đổi thay của bản Đoòng.

Vẫn thủy chung gắn bó với rừng, sống dựa vào rừng nhưng cư dân bản Đoòng giờ vững lòng hơn khi được Nhà nước giao khoanh nuôi, bảo vệ 800ha rừng. “Nuôi rừng để rừng nuôi”, nguồn thu nhập mang lại từ việc giữ gìn màu xanh của rừng đã nâng cao đời sống người dân, là sinh kế bền vững của cư dân bản Đoòng.

Du lịch phát triển, bản Đoòng trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách. Bản vẫn duy trì bản sắc văn hóa riêng biệt. Dẫu còn nhiều cái “không” nhưng sự kết nối với thế giới đã gần hơn nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng những tấm lòng hảo tâm và trách nhiệm với cộng đồng, với thiên nhiên.

Oxalis là doanh nghiệp có những đóng góp tích cực trong sự đổi thay của bản Đoòng. Thông qua lời kêu gọi của công ty, điểm trường khang trang đã được hoàn thành vào tháng 4-2021 với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Con em dân bản yên tâm học chữ, bà con có nơi trú ẩn trong mùa mưa lũ.

Đón đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các thành viên đoàn công tác thăm trường mới, niềm vui tỏa rạng trên gương mặt thầy giáo Hoàng Văn Sáu, người gắn bó với bản Đoòng hơn 10 năm. Thầy Sáu chia sẻ, đây là lần đầu tiên bản được đón các đồng chí lãnh đạo tỉnh về thăm. Sự quan tâm của tỉnh là nguồn động viên thầy trò và dân bản cố gắng nhiều hơn nữa để bản ngày càng ấm no.

Phong Nha-Kẻ Bàng, với lịch sử hàng triệu năm hình thành, còn ẩn chứa nhiều bí ẩn cần khám phá. Bằng tình yêu và trách nhiệm của mình, các thế hệ hôm nay đã và đang viết tiếp những câu chuyện đẹp để phát huy, gìn giữ di sản cho hôm nay và mai sau!

Bài, ảnh: NGỌC MAI - OXALIS

Thiết kế & Đồ họa: XUÂN HOÀNG

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/emagazine/202105/chuyen-ke-o-phong-nha-ke-bang-2188545/