Chuyện kể về Mẹ của chúng tôi (tiếp theo và hết)

.... Xe chạy, hai dì quay sang trả lại hai lố dầu, hỏi: - Đi vô trỏng hả? Mẹ gật đầu, nghĩ một chút rồi nói nhỏ: :- Nhưng em chưa gặp được người đón dẫn đường...

Các dì nhìn mấy mẹ con ái ngại:

- Coi chừng không vô được, tụi nó đi càn từ hừng sáng, đám địa phương quân đến xế có thể rút nhưng đám trên đồn thì không chắc. Hay là cô quay về đi, bữa sau hẵng vô.

Mẹ yên lặng, đợi một lúc khách trên xe xuống hết Mẹ mới hỏi bác tài có thể đi vào con lộ đỏ (lối vô khu “bàn đạp” Trảng Sa) được không. Bác tài xế nhìn mấy mẹ con:

- Lính còn ở trỏng, xe tui còn không vô được nữa mà cô với mấy nhỏ làm sao lội nổi - thấy Mẹ tôi chần chừ, ông tiếp - Thôi ngồi đó đi, tui đưa mấy mẹ con về nhà tui gần đây, ăn cơm, đợi xem nếu chiều lính rút thì tui đưa vô trỏng, không thì tính tiếp.

Anh hùng tình báo Lê Hữu Thúy.

Xe chạy thêm vài trăm mét, vào một ngôi nhà xây, mái ngói cũ nhưng có mảng sân vườn rộng. Bác tài xế đỡ tay cho mấy mẹ con xuống xe vô nhà, dặn dò:

- Nếu Liên gia trưởng qua hỏi, cô nhớ nói cô là bạn buôn bán với con dâu tui, xuống lấy tiền hàng, mà con dâu tui qua nay về bên ngoại đám giỗ rồi nghe. Chuẩn bị giấy căn cước cho nó xem.

Bác quay vào gọi bác gái sau bếp làm cho mấy mẹ con chút cơm, nước.

Gia đình nhỏ của ông Lê Hữu Thúy

Quả nhiên, chưa uống hết ly nước, Liên gia trưởng đã đi vào. Mẹ tôi nói theo lời bác xe lam căn dặn, trình căn cước của Mẹ và của tôi. Chắc là thấy căn cước đầy đủ, địa chỉ nhà cửa rõ ràng, ông ta trả lại căn cước, liếc nhìn qua mấy em tôi trước khi bỏ đi.

Bữa cơm trưa được dọn lên tấm phản, đơn sơ, một ít tép rong kho thịt Mẹ gắp trộn vào ba chén cho các em, Mẹ với tôi ăn với đĩa rau lang vừa cắt ngoài hè sau, luộc xanh mềm và chén nước tương.... rất ngon !

Khoảng 3 giờ chiều, bác tài xế xe lam chạy xe vô lộ trong coi đám lính có rút chưa. Thật may, khi bác quay ra, xe chở bọn lính cũng chạy ra, đứa ngồi, đứa đu bám nóc xe, đến chạng vạng thì bác tài ghé xe vào sân bảo:

- Tụi nó rút hết rồi. Mấy mẹ con lên xe nhanh tui chở vô.

Mẹ tôi cảm ơn bà chủ nhà tốt bụng, dắt díu con lên xe. Bác xe lam chạy khoảng 15 phút, hết đoạn đường có nhà cửa, bà con làm đồng kéo cộ, dắt trâu, bò trở về ấp, đến đoạn đất đỏ ra đồng trống, đã vắng người thì bác dừng lại:

- Đến đây cô có thể đi tiếp được rồi, tôi không thể chạy tiếp sợ bị để ý !

Bác giúp mấy mẹ con xuống xe, chỉ khoảng ruộng vài chục mét phía trước, dặn dò:

- Cô dắt mấy nhỏ băng qua đoạn bờ này, đi tắp sát vào, qua hàng dừa nước là đến khu rừng cây, sẽ có ‘mấy ổng’ đi ra, nói tên đơn vị người nhà, nhờ họ chỉ đường. Nhớ, áp theo hàng dừa nước kẻo lính đồn nó thấy, nó bắn đó !

Hai ảnh trên: Ảnh con gái ông bà và bút tích. Những ảnh trên do tác giả cung cấp.

Mẹ tôi thấy trời sắp sập tối lại không có đèn đóm gì nên nói lời cảm ơn bác tài xe lam lần nữa, rồi vội vã vừa giục, vừa dắt chị em tôi nhanh chân, trên hông Mẹ là đứa em gái bốn tuổi của tôi bám chặt.

Đúng là đi thêm một quãng đồng, cả nhà thấy ba thanh niên mặc bà ba đen, quần xắn cao trên gối, vai mỗi người một khẩu súng dài, đi ra. Mẹ tôi cẩn thận chậm bước tới, hỏi thăm nhờ dẫn đường nhưng các anh bảo có nhiệm vụ, mấy mẹ con cứ đi theo bờ một đoạn nữa sẽ gặp bộ đội…

Trời tối nhanh, hầu như không thấy rõ lối bờ ruộng nhỏ, một tiếng ‘vút’ ngang qua đầu, tiếng nổ, mấy em tôi hoảng sợ, chân tôi trợt xuống ruộng, quai dép tuột ra, bắt đầu thút thít hờn dỗi sao Bố lại không đón... Mẹ dỗ dành “Ráng đi con, đi một đoạn nữa chắc Bố và các chú sẽ đón..”.

Từ một bụi tre ở góc bờ có tiếng người, Mẹ cất tiếng gọi. Một bóng người mặc bộ quân phục xanh bước tới, rọi đèn pin hỏi:

- Đồng bào đi đâu ?

Mẹ giang tay ôm cả mấy chị em sát lại, trả lời:

- Tôi đưa các con vào VT73, bị lính càn, lạc giao liên, xin các chú giúp chỉ đường.

Thêm một người bước ra, nhìn:

- Chắc đúng rồi, hôm nay có người trong ấy ra bảo đón khách, chờ lâu không thấy đã quay vô rồi, lo lắng lắm.

Đây chắc là chú chỉ huy, chú bảo đồng đội giúp mấy mẹ con vào hầm dưới bụi tre, nói với Mẹ tôi:

- Chị và bọn trẻ tạm nghỉ ở đây, đi giờ này coi chừng đạp phải trái của du kích cài rất nguy hiểm. Chúng tôi sẽ liên lạc điện báo vào Cụm, chờ các anh ấy ra đón.

Sau đó, hai chú hướng dẫn mẹ con chỗ rửa mặt, vệ sinh, rồi đưa cho mấy phong lương khô, bình tông nước và nhường luôn căn hầm có một sạp tre, một võng, tấm đắp, lại cả một chai thuốc nước chống muỗi của Mỹ. Mẹ con đã quá mệt, ăn lương khô xong thì lăn ra ngủ. Hửng sáng chui lên khỏi hầm, các chú bảo rửa mặt đi, đoàn đón tiếp đang trên đường ra.

Không lâu sau, Bố tôi, cùng Bác Năm Sản, Chú Tư Hà và đội vũ trang “bàn đạp” ra đến, vui mừng thấy mấy mẹ con an toàn, các chú đều khen chúng tôi ngoan và nhất là tỏ ý khâm phục Mẹ tôi bản lĩnh, đồng thời cũng trêu ghẹo:

- Anh Năm Thúy chỉ lo đám trẻ mà không lo cho Chị đâu, ảnh nói Chị vững vàng lắm, thiệt là hiểu nhau quá!

Chú Ba Chữ tỏ ra rất tiếc, do trận càn, đội có di chuyển xa điểm “bàn đạp” một chút, trong lúc lo lắng Mẹ tôi bị chi phối, không nhận ra lối đi cũ.

Thêm một chuyện đã thành giai thoại mà các chú nhắc mãi và đến giờ mỗi khi họp gia đình, tôi đều kể, đám cháu cứ cười ghẹo Út Kiều!

Đó là khi rời “bàn đạp” vào cứ trong, Bố thấy Mẹ mệt nên cố dỗ, “xin” cõng cô gái út 4 tuổi luôn đeo cứng trên hông Mẹ ! Em miễn cưỡng cho Bố cõng, cứ ba bước là em quay lại nhìn xem Mẹ có theo sau không, rồi Bố bước hơi nhanh, khi qua cụm cây bời lời che khuất bóng Mẹ, thì nghe tiếng em thét lên :

- Bỏ xuống đi, ông già này kỳ cục quá hà, Mẹ ơi ....

Rồi nó chạy ngược lại lao vào Mẹ! Làm các chú cũng hết hồn!

Mẹ sinh Kiều được 17 ngày, Bố tôi đã bị bắt. Khi Bố còn bị giam ở Chí Hòa, Mẹ có ẵm em vào thăm một hai lần. Năm 1970, Bố bị đưa ra Côn Đảo, em không được gặp Bố ngót bốn năm trời nên không nhớ mặt. Mất một thời gian, Bố Mẹ phải nịnh nọt dỗ dành em mới dần thôi nhìn Bố đe dọa khi Bố đến gần, và cuối cùng mới chịu gọi “Bố”.

Đường vào cứ trong, qua Trảng Sa, các chú trong đội vũ trang tự vệ tạt vào ‘xa cá’ (nơi các các chú dùng cây be chặn dòng suối giữ cá chạy vào, như cái vụng nhỏ trữ lương thực cải thiện bữa ăn) xúc một xô về. Hai em ra trước đợi trong cứ, thấy mẹ và các anh chị thì ùa ra mừng. Chiều đó, Cụm chiêu đãi cả nhà một bữa cá trê, cá lóc nướng trui quên thôi.

Khoảng mươi ngày làm quen với đời sống vùng căn cứ, một đêm, Cụm bị đánh thức lúc 3 giờ sáng, bộ phận giao thông báo tin cơ sở từ trong Ấp, ở một đơn vị gần kề bên, có một tên phản bội ra chiêu hồi, chỉ điểm bí mật căn cứ. Cụm được lệnh lập tức sơ tán người và hồ sơ tài liệu, điện đài…, bộ phận vũ trang tự vệ có trách nhiệm đưa cán bộ, thương bệnh binh và gia đình tôi di chuyển về hướng bờ sông Thanh An,…

Nhà tôi theo đoàn đi bộ lần dò qua quãng rừng dài, cây mắc cỡ quào rát tay chân, đến bờ sông thì trời sáng bửng, có 3 chiếc xuồng nhỏ đã chờ sẵn, đưa tất cả sang sông đến trạm nghỉ Bến Cát. Mọi người vừa ngồi xuống bãi cỏ, chưa kịp bóc hết gói cơm nắm thì một đoàn 3 chiếc phản lực bên phía căn cứ Bời Lời đã lao xuống bắn phá, tiếng nổ, những cụm khói đen bùng lên…

Ở trạm nghỉ hai ngày, bữa ăn nửa cơm, nửa bột mì nhồi nước, nắm tròn nắm tay, luộc chín chấm với nước mắm chế bằng đậu phộng giã dập nấu muối hột. Bố bảo cố một chút, Bác Sáu Trí, Trưởng phòng J22 báo đã cho xe xuống đón.

Mờ sáng ngày thứ ba, 4 chiếc Hon da 90CC đến, các chú là đội xe nhận nhiệm vụ đưa gia đình tôi về Lộc Ninh. Mẹ tôi ôm Kiều ngồi sau một xe đi đầu, em Chung ôm Tú lên chiếc thứ hai, Tôi ôm Trúc xe thứ ba, Bố tôi ôm em Hải ngồi xe sau cùng.

Xe đi theo đường nhỏ qua các cánh rừng thưa, đường mòn, không qua khu dân cư, tôi không còn nhớ rõ chỉ biết bám theo trục Chơn Thành, Bình Long. Đến trưa nghỉ dưới những tán cây rừng ăn cơm nắm, uống nước chín mang theo. Em Trúc say nắng mệt lã, ngất đi, tôi không ôm nổi, chuyển em cho Bố ôm, đổi em Hải sang xe tôi. Chiều xuống khoảng 5 giờ thì đoàn đến cầu Cần Lê, cây cầu lúc này bị sập mấy nhịp giữa, nghe các chú nói bị sập khi ta đánh chiếm Bình Long. Chúng tôi phải dừng lại cảnh giới, quy định an toàn là chỉ được qua khi mặt trời lặn, các chú lái xe nói lãnh đạo sợ máy bay địch hay bắn phá bất ngờ. Trong lúc chờ, mọi người xem thanh toán phần cơm nước còn lại. Các chú lái xe thu hết các lá, lạt gói cơm vào túi đem theo, các chú giải thích đề phòng bọn biệt kích phát hiện ta đi lại trên tuyến. Địch không ngờ quân ta lại kiên gan như vậy.

Để qua cầu, một chú trông xe, ba chú cõng ba đứa em trèo qua các thanh cầu gãy chồng gối lên nhau để sang bên kia. Tôi với Mẹ và em Chung vừa đi, vừa bò bám theo. Bố ôm em Kiều. Sau khi giúp cả nhà tôi sang cầu an toàn, các chú lái xe quay lại, dùng mấy thanh gỗ vuông lớn cột nẹp qua thân xe bằng dây thừng, hai người khiêng một chiếc, lần lượt đưa bốn chiếc xe qua cầu. Kể ở đây thì thấy nhẹ nhàng nhưng thực tế chặng đường đó quá sức chông gai !

Từ đó, các xe phải mở đèn thấp tiếp tục chạy trên những đoạn đường rừng. Cuối cùng cả đoàn cũng vào đến khu lán vách nứa, mái lá. Một bữa cơm rau thanh đạm, Thủ trưởng đơn vị đón chào Bố Mẹ tôi, tôi được biết đây là trạm đón tiếp ký hiệu Z4, Thủ trưởng là Bác Năm Châu. Đến sáng thức dậy bước chân xuống khỏi cái giường lát bằng vạt tre, ra ngoài thì biết thêm chúng tôi đang ở trong một rừng cao su và chỉ bước thêm vài bước thì giở khóc giở cười nhìn xuống chân, mấy đôi dép râu được các chú ở VT73 cấp cho, có cắt lại vừa chân từng đứa, lúc này như những đôi ghệt nặng trịch, khập khễnh vì dính lớp đất đỏ dày.

Gần 1 tháng sau, các chú bác lãnh đạo đưa gia đình tôi ra ở ngoài khu dân cư và bố trí một ngôi nhà tre nứa lá do đơn vị chính sách A77 của J22 dựng, nơi đây thuộc xã Lộc Hưng, Huyện Lộc Ninh, tỉnh Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước) Mẹ con ở đây cho đến sau ngày chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 mới về lại Sài gòn.

Ổn định cho mấy mẹ con rồi, Bố tôi tiếp tục nhận nhiệm vụ, vào trận đấu cuối cùng với lòng tin quyết thắng.

Trái tim người lính

TS. Lê Thị Thanh Hương/Thành Đô (tổng hợp)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-ke-ve-me-cua-chung-toi-tiep-theo-va-het-a18192.html