Chuyển khoản ảo, lừa đảo thật
Hiện nay, các hội nhóm quảng cáo, rao bán dịch vụ làm giả biên lai thanh toán vẫn ngang nhiên hoạt động hàng ngày trên mạng xã hội. Đáng chú ý, các đối tượng xấu đã lợi dụng chiêu trò này để thực hiện các hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay có rất nhiều ứng dụng và trang web khác nhau hỗ trợ việc làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng. Người dùng có thể tra cứu vào các ứng dụng hoặc trang web để thực hiện với các thao tác đơn giản.
Thời gian gần đây, dịch vụ làm giả biên lai chuyển khoản cũng rất nhộn nhịp trên các hội nhóm mạng xã hội.
Nếu tra cứu các cụm từ “fake bill”, “fake hóa đơn chuyển khoản”, “làm giả bill chuyển khoản theo yêu cầu”, “làm giả bill giá rẻ”... trên thanh tìm kiếm của Facebook sẽ ra hàng loạt các hội nhóm với số lượng hàng chục nghìn thành viên hoạt động sôi nổi.
Tại các hội nhóm này, các bài đăng quảng cáo bằng tài khoản ảo xuất hiện dày đặc với dịch vụ “fake bill chuyển khoản để làm chậm giao dịch, không cần cọc, làm xong mới thanh toán”. Các tài khoản này công khai số điện thoại để người dùng có nhu cầu liên hệ và báo giá.
Theo đó, chỉ cần bỏ ra từ 20.000 đồng - 80.000 đồng, người dùng đã có một biên lai chuyển tiền ảo. Không chỉ có dịch vụ theo từng bill, các đối tượng còn “bỏ sỉ” theo tháng với giá từ 200.000 đồng - 350.000 đồng/tháng, làm giả biên lai không giới hạn số lượng.
Trong vai một người có nhu cầu làm giả biên lai chuyển tiền ngân hàng, phóng viên liên hệ theo số điện thoại của bài đăng. Theo đó, người này cho biết có thể làm giả giống y hệt 100% với biên lai chuyển tiền của các ngân hàng.
Ngoài ra, đối tượng còn mồi chài khách hàng sử dụng thêm dịch vụ chỉnh sửa giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, bằng lái xe, đăng ký xe...
Người này còn gửi các “sản phẩm” đã từng thực hiện cho nhiều người dùng khác để phóng viên thêm tin tưởng.
Thực tế, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thông qua mã giao dịch, tên người nhận, thời gian, biến động số dư, phông chữ,... thì rất khó có thể phát hiện các biên lai này là ảo.
Thấy khách gửi ảnh chụp giao dịch chuyển khoản thành công, anh Võ Minh T. - chủ cửa hàng kinh doanh giày dép nam tại quận Hà Đông (Hà Nội) đã đưa hàng cho khách mà không kiểm tra lại biến động số dư giao dịch trên tài khoản của mình.
“Thời điểm này khách đến rất đông, trong cửa hàng chỉ có một mình tôi vừa bán hàng, vừa thanh toán cho khách nên khá rối. Khi vắng khách, tôi mới kiểm tra lại tài khoản ngân hàng thì thấy thiếu tiền, tôi đã gọi cho ngân hàng nhưng họ nói không thể hỗ trợ bởi các thông tin trong biên lai đều là giả” - anh T. chia sẻ.
Chiêu lừa đảo này đã khiến anh T. tổn hại 1,2 triệu đồng. Anh cho biết, dù số tiền không quá lớn nhưng đây là bài học cảnh tỉnh tới các chủ kinh doanh trong vấn đề thanh toán và quản lý cửa hàng.
Việc làm giả biên lai ban đầu chỉ nhằm mục đích sống ảo, khoe tiền. Tuy nhiên, chiêu thức này đã bị biến tướng trở thành chiêu trò lừa đảo kiểu mới. Nạn nhân thường là các chủ kinh doanh, nhân viên, shipper,... khi thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa hoặc đổi tiền mặt.
Hầu hết, nạn nhân sau khi nhận biên lai ảo qua chỉnh sửa đã chủ quan không kiểm tra lại thông tin ngân hàng, biến động số dư mà chỉ nhìn qua hoặc chụp lại màn hình dẫn đến việc bị lừa tiền, lừa mất hàng hóa.
Vừa qua, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra khuyến cáo về kịch bản lừa đảo mới là việc xuất hiện nhiều trang website làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng rất giống hóa đơn thật.
Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi mua bán hàng với số lượng lớn. Khi giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần chú ý hóa đơn chuyển khoản, nếu chưa nhận được tiền thì không giao dịch. Ngoài ra không cung cấp bất cứ thông tin nào cho bất kỳ ai kể cả khi đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-khoan-ao-lua-dao-that-post274344.html